Luyện tập có chữa được cận thị?

ANTĐ - Luyện mắt, bấm huyệt, thiền hay tập yoga… có thể chữa được cận thị. Thông tin này gần đây được chia sẻ trên nhiều trang mạng, diễn đàn, thậm chí có nhiều cơ sở còn mở dịch vụ chữa cận thị không cần phẫu thuật.

Cải thiện thị lực không cần phẫu thuật?

“Cải thiện thị lực, bỏ kính mà không cần phẫu thuật”, “cam kết chữa các tật khúc xạ về mắt an toàn và hiệu quả chỉ bằng tập luyện”, “thị lực của mắt hoàn toàn có thể cải thiện bằng phương pháp tập tự nhiên, không dùng kính”…, đó là lời quảng cáo của một số cơ sở được đăng trên các trang mạng. Tin những lời quảng cáo trên, không ít phụ huynh đã bỏ ra số tiền hàng triệu đồng cho những khóa luyện tập như vậy. 

Chị Trần Thu Thủy (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cô con gái 10 tuổi của chị mấy năm nay phải đeo kính cận 2,5 độ. Chị muốn đợi con lớn đủ tuổi và xem bệnh có nặng thêm thì sẽ đưa đi phẫu thuật, nhưng khi nghe có quảng cáo chữa cận thị mà không cần phẫu thật chị đã quyết định cho con theo một khóa học với giá gần 4 triệu đồng, trong 18 ngày.

“Sau 18 ngày với phương pháp chủ yếu là tập nhìn, day huyệt, thi thoảng là các bài thiền và đảm bảo mắt được nghỉ ngơi, không xem quá nhiều ti vi, điện thoại, máy tính thì thị lực của con tôi đã cải thiện kha khá, có lúc cháu không cần đeo kính vẫn đọc sách và nhìn khá rõ. Đi khám thì độ cận thị giảm xuống 1,5, tôi đã rất vui và định cho cháu tiếp tục khóa học khi có thời gian. Tuy nhiên, sau một dạo bước vào học thêm, trở lại chu kỳ học tập, sinh hoạt như trước kia thì mắt cháu lại có biểu hiện nặng lên, đi đo thì độ cận thị lại trở về như cũ” - chị Thủy thất vọng chia sẻ.

Trong khi đó, anh Lương Công Khoa (Định Công, Hoàng Mai) thì cho biết, con anh bị cận thị di truyền từ mẹ, phải đeo kính từ khi 3 tuổi, đến nay 7 tuổi cận thị đã lên 2,5 độ. Nghe đồng nghiệp giới thiệu, anh cũng lên mạng tìm hiểu và đưa con đến một chuyên gia day huyệt chữa cận thị. Tuy nhiên, trường hợp con anh thì sau 6 buổi mắt gần như không cải thiện chút nào khiến anh mất kiên nhẫn và quyết định dừng khóa học.

Chỉ có tác dụng với cận thị giả

Theo y văn, phương pháp điều trị cận thị được chia làm 2 loại. Cụ thể, với trẻ em dưới 18 tuổi điều trị bằng đeo kính (kính gọng hoặc kính tiếp xúc) điều chỉnh khúc xạ. Còn với người trưởng thành trên 18 tuổi, độ cận ổn định có thể điều trị bằng can thiệp phẫu thuật. Ngoài ra, gần đây có thêm phương pháp điều trị mới là đeo kính áp tròng ban đêm, kính tiếp xúc cứng có tác đụng đè ép giác mạc trung tâm. Tuy nhiên phương pháp này được chỉ định với trường hợp cận thị có tiến triển nhanh. Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, không có chuyện chữa khỏi cận thị mà không cần phẫu thuật. 

TS. BS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Khúc xạ - Bệnh viện Mắt Trung ương cho rằng các phương pháp như day ấn huyệt, ngồi thiền hay các bài tập mắt… thực chất chỉ giúp kích thích, thư giãn cơ mi mắt. Mắt được nghỉ sẽ có thể hạn chế tốc độ tăng số nhưng không thể làm trẻ phục hồi thị lực.

Về việc một số người cho rằng đã khỏi cận thị thông qua các phương pháp tập luyện mắt, BS Hiền cho rằng trường hợp này chỉ xảy ra đối với nhóm cận thị giả. Đó là tình trạng của những người có thời gian làm việc với máy tính liên tục, quá dài nên dễ gây ra rối loạn đáp ứng điều tiết, khiến mắt nhìn xa mờ và khi đeo thử kính cận thì thấy mắt nhìn rõ lên khiến họ nghĩ mình bị cận thị. Ngay cả khi đi khám tại các cơ sở y tế thiếu chuyên khoa về tật khúc xạ cũng dễ dẫn đến kết luận là cận thị. 

Tình trạng cận thị giả hiện nay đang gia tăng bởi áp lực công việc, học hành ngày càng lớn. Những trường hợp này, nếu đeo kính cận thường xuyên có thể khiến thị lực ngày càng giảm và mắt sẽ yếu đi. Tuy nhiên, nếu mắt được nghỉ ngơi, thư giãn, dừng nhìn gần, tăng cường luyện tập cơ mắt thì thì hiện tượng cận thị này sẽ tự hết.

Vì vậy, theo các bác sĩ, mắt cũng như các bộ phận cơ thể khác, cần phải khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh. Cần đi khám ở những cơ sở đủ chuyên môn để tránh nhầm lẫn giữa cận thị thật và cận thì giả. Khi đã bị cận thị, tuyệt đối không được bỏ kính bởi không một bệnh nhân nào có thể tự khỏi cận mà không có sự can thiệp phẫu thuật. 

Về việc luyện tập mắt, thay vì đưa trẻ đến các cơ sở, trung tâm luyện tập gây mệt mỏi, áp lực thì phụ huynh có thể cải thiện môi trường sinh hoạt cho con, như tăng cường vận động ngoài trời, giảm thời gian trong nhà, xem ti vi hay các thiết bị điệt tử, tránh nhìn gần quá lâu… Bên cạnh đó, có thể bổ sung vitamin hỗ trợ thị lực giúp mắt trẻ khỏe mạnh hơn.