Hốt hoảng phát hiện giun, sán lồm cồm dưới da sau khi ăn hải sản tươi sống

ANTĐ - Hải sản là món ăn ưa thích của nhiều người, đặc biệt là các món tươi sống như hàu hay cá hồi, cá trích…Tuy nhiên, các món ăn này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến người thưởng thức bị ngộ độc hay bị giun, sán chui vào cơ thể gây khó chịu, mệt mỏi.

Nhiễm giun, sán vì hải sản tươi sống

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video ngắn ghi lại hình ảnh một phụ nữ dùng dĩa và vạch dưới con hàu sống ra đã phát hiện con sán dài đang bò ngọ nguậy. Người phụ nữ này đã thốt lên từ "oh, my god" bày tỏ sự ngạc nhiên và hoảng sợ trước phát hiện này.

Nhiều người sau khi xem xong đoạn video trên đã thốt lên rằng: "Tôi sẽ không bao giờ ăn hàu sống sau khi xem đoạn video này".

Thế nhưng, không phải ai cũng gặp may như người phụ nữ này. Trường hợp người đàn ông tên H.V.D. (Thái Thịnh, Hà Nội) là một ví dụ. Ông D. nhập viện trong tình trạng cơ thể bị suy kiệt và giảm tới 13kg do thường xuyên bị đau bụng, đi ngoài, ăn uống không ngon, buồn nôn. Trên da còn có những vệt loằng ngoằng dài. Lúc đầu ông tưởng bị dị ứng nên đi khám da liễu nhưng không khỏi bệnh.

Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ xác định, ông D. bị nhiễm ấu trùng giun lươn. Qua tìm hiểu, ông D. cho biết, hiện làm việc ở một quán hải sản, các món ăn này lại là món khoái khẩu của ông, vì vậy, mỗi khi khách kêu đồ và còn thừa thì món hàu sống, tôm cuốn sống… ông đều ăn sạch. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc ông bị nhiễm giun lươn.

Clip người phụ nữ phát hiện sán trong hàu sống 

Một trường hợp khác cũng lại là một người đàn ông (42 tuổi) sống tại Hà Nội. Vào một ngày giữa năm 2014, người đàn ông này bỗng xuất hiện khối u nhỏ ở “của quý” gây ngứa và khó chịu. Sau khi chữa trị vài nơi nhưng không có kết quả, người đàn ông này đã đến khám tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương vì nghi có con gì ký sinh dưới da.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện có một vật dài 2cm, nhỏ mỏng dưới da ở gần bao quy đầu và chẩn đoán theo dõi ký sinh trùng dưới da. Sau đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt khối u.

Phẫu tích khối u, các bác sĩ thấy có một ký sinh trùng dài khoảng 2cm dẹt, đường kính 1mm màu vàng trong, phần đầu cắm chặt vào vật hang.

Hốt hoảng phát hiện giun, sán lồm cồm dưới da sau khi ăn hải sản tươi sống ảnh 1

Hình ảnh của sán gan lá nhỏ

Mẫu vật được xác định là sán lá gan nhỏ Clonorsis sinensis - loài sán gây bệnh trên cơ thể người thường gặp ở những người có thói quen ăn gỏi cá sống. Bình thường, bệnh hay gây tổn thương vùng gan và có thể gây ung thư gan. Song với trường hợp người đàn ông này là một ca bệnh rất hy hữu. 

Bệnh nhân này cho hay, trước khi phát hiện sự bất thường này, anh thường hay đi nhậu và ăn món cá sống. Các bác sĩ chẩn đoán, có thể sán lá gan nhỏ đã vào cơ thể người đàn ông này thông qua đường tiêu hóa và bò xuống làm tổ ở "của quý"…

Ăn chín, uống sôi để phòng bệnh

Các nhà dinh dưỡng khuyến cáo, khi chế biến các loại cá, nên loại bỏ nội tạng cá vì ấu trùng trong cá thường tồn tại dưới dạng giun xoắn hoặc cuộn chặt, không màu trong các ổ tròn có đường kính khoảng 3mm hoặc ấu trùng màu đỏ tía nằm tự do trong cơ hoặc nội tạng, rất khó nhìn. 

Hốt hoảng phát hiện giun, sán lồm cồm dưới da sau khi ăn hải sản tươi sống ảnh 2

Tuy nhiên, hầu hết giun, sán hoặc trứng hay ấu trùng của chúng đều bị tiêu diệt bởi nhiệt độ nước sôi trong thời gian nấu chín hải sản. Chẳng hạn, ấu trùng giun Anisakia trong cá biển bị chết khi nấu ở nhiệt độ 60oC hoặc làm lạnh đến -20oC trong 3 - 7 ngày nhưng chúng không chết khi ngâm muối, tẩm nước sốt hay hun khói lạnh chưa tới 60oC. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là ăn chín uống sôi.  

Các nhà dinh dưỡng còn khuyến cáo, khi ăn lẩu hải sản cần chờ cho nước sôi kỹ mới nhúng hải sản và rau, sau đó cũng cần chờ sôi kỹ mới ăn, không nên ăn tái. Vì nếu lẩu chưa đun sôi kỹ, nhiều loại ký sinh trùng, vi khuẩn trong nồi lẩu chưa kịp bị tiêu diệt sẽ bám vào rau, ăn vào sẽ gây bệnh.

Nếu tới vùng biển lạ hoặc ít có cơ hội ăn hải sản thì nên ăn thăm dò mỗi bữa một ít trước, rồi ăn nâng dần lên. Khi có triệu chứng dị ứng, tiêu chảy tốt nhất nên dừng ăn. Ngoài ra, với người có nguy cơ nhiễm giun, sán (sống trong vùng đã có người mắc, ăn đồ sống và có biểu hiện như sốt, đau đầu, lơ mơ, …) thì nên đi khám càng sớm càng tốt.