Đừng ham rượu quý "bổ dương"

ANTĐ - Với quan niệm một số loại rượu ngâm có tác dụng tráng dương, tăng cường sức mạnh đàn ông nên không ít người đã sưu tầm cả một bộ sưu tập rượu quý như hải sâm, cá ngựa, rắn biển, ba kích, cao hổ, cao trăn… 

 Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì chẳng những các loại rượu này không bổ dương, mà có khi còn gây tác dụng ngược. Theo các chuyên gia y tế, vì trong một số bài thuốc bổ dương có các vị này nên nhiều người nghĩ là những thứ này có tác dụng bổ dương.

Đừng ham rượu quý "bổ dương" ảnh 1

Trên thực tế thì những bài thuốc bổ dương sẽ bao gồm nhiều vị khác nhau, trong đó có cả những vị bổ dương và những vị bổ âm để giúp cân bằng hòa hợp. Những con vật sống dưới nước có loại thuộc âm, có loại thuộc dương, trong đó những loại có vảy thường thuộc dương, không vảy thuộc âm. Cá ngựa, rắn biển, hải sâm đều thuộc hàn, tức là bổ âm chứ không phải bổ dương như người ta nghĩ.  

Một loại rượu nữa là rượu ba kích cũng được cho là bổ dương nhưng kỳ thực ba kích tím có tính hàn, nên nếu uống nhiều đàn ông dễ bị tiêu chảy. Ba kích là một vị cố tinh, làm “xuất binh” chậm, kéo dài thời gian cương cứng nhưng khái niệm bổ dương là hoàn toàn khác. Vì ba kích có tính hàn nên phải sao với rượu để giảm bớt tính hàn, vào khí và huyết cho nhanh. Vì là cố tinh nên nếu người nào mắc chứng khó “xuất binh” thì uống vào càng gây khó khăn thêm. Hầu hết các bài thuốc bổ dương nếu có 10 vị thì ít nhất phải có 8 vị bổ dương, 2 vị bổ âm. Vì trong con người, âm dương luôn luôn cân bằng nhau.

Bài thuốc nào cũng phải theo cơ địa của từng người, phải được bác sĩ bắt mạch, khám tổng thể mới có thể đưa ra bài thuốc phù hợp. Khi bốc thuốc, kê đơn bác sĩ phải căn cứ vào thể trạng, độ tuổi cụ thể để có toa phù hợp. Không phải thuốc tốt với người này cũng đồng nghĩa tốt với người kia.

Vì vậy, tẩm bổ tùy tiện rất dễ mua bệnh vào thân Cũng với quan niệm uống rượu bổ dương để ân ái tốt nên nhiều người đã quan hệ ngay sau khi uống rượu. Theo các bác sĩ đông y thì đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. “Cơ thể có rượu giúp khí huyết lưu thông, đưa máu đi đến nhiều nơi trên cơ thể, trong đó có “cậu nhỏ” nên có hiện tượng cường dương.

Đây là giai đoạn hưng phấn do rượu. Nếu cơ thể quen với việc cường dương do rượu thì khi không uống rượu, máu sẽ không dễ dàng đến đi “cậu nhỏ” nữa. Đến một lúc nào đó, rượu không còn giá trị vì lúc đó khí huyết của cơ thể đã hư, thận kém, cơ thể đã “chai” với rượu, bệnh nhân sẽ liệt dương vĩnh viễn” - bác sĩ Lê Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam  cho biết. Theo các chuyên gia đông y, quan niệm bổ dương là để được quan hệ tình dục với tần suất dày hơn, lâu hơn cũng là phản khoa học. Bổ thận tráng dương là để con người khoẻ mạnh. Còn sinh hoạt tình dục chỉ là một vấn đề nhỏ nằm trong đó.

 Thực tế rất nhiều người đang hiểu sai hoặc cường điệu hóa để đánh lừa người dân về tác dụng của các loại rượu ngâm động, thực vật quý hiếm nhằm trục lợi bản thân.