"Tổ con chuồn chuồn" ở Chiềng Châu

ANTĐ - Tháng 7 dương lịch cũng là lúc thung lũng Mai Châu đang đổ nước vào ruộng, chuyến đi ngắn ngày qua xứ sở của xôi nếp thơm đã cho tôi một trải nghiệm cực kỳ hiếm - thưởng thức ấu trùng chuồn chuồn rang.

Ở xứ Chiềng Châu nơi thung lũng Mai Châu xinh đẹp thuộc tỉnh Hòa Bình, người dân tộc Thái ở đây vẫn đi bắt ấu trùng chuồn chuồn ở tận… tổ của chúng. Họ chế biến thành món ăn thơm ngon và hấp dẫn vô cùng. Ấu trùng đó có tên là con niếu, hay tiếng Kinh là con tương tương, nhưng tôi thì thích gọi là con… “tương tư”.

"Tổ con chuồn chuồn" ở Chiềng Châu ảnh 1

Người Thái trắng ở Chiềng Châu bắt niếu vào mỗi buổi sáng

Nếu đứng trên đỉnh đèo Thung Khe nhìn xuống sẽ thấy toàn cảnh thung lũng với thị trấn, những nếp nhà sàn lô nhô như nốt nhạc và cả cánh đồng đang mùa đổ nước của thung lũng Mai Châu. Để rồi khi xuống dốc rẽ trái nơi ngã ba Tòng Đậu phóng xe theo con đường độc đạo xuyên suốt qua thung lũng: thị trấn Mai Châu, bản Lác, rồi Chiềng Châu. Bỗng thấy bên đường có mấy cô gái người Thái đang bày những chiếc chậu nhỏ có thứ gì đó đang bơi lúc nhúc. Dừng xe, xuống xem mới biết họ bán con niếu, người Kinh gọi là con tương tương. Hỏi kỹ hơn mới vỡ lẽ đó chính là ấu trùng chuyên sống dưới nước, khi đủ tuổi sẽ lên bờ lột xác thành chuồn chuồn, sải cánh và bay.

"Tổ con chuồn chuồn" ở Chiềng Châu ảnh 2

Chiềng Châu từ đỉnh đèo Thung Khe

Hóa ra, khi chuồn chuồn bay là là rồi quệt cái đuôi xuống nước mà thành ra câu tục ngữ “Chuồn chuồn đạp nước” là khi ấy chúng đang đẻ trứng. Trứng sẽ nở ra thành con niếu, sống dưới nước. Chúng bơi giỏi nhưng có cách tăng tốc kiểu phản lực bằng cánh phun thật mạnh nước ra ở phía sau để đẩy mình tiến lên. Tùy vào loại chuồn chuồn nào mà con niếu có kích thước tương đương, xứ sở Chiềng Châu thì chỉ có chuồn chuồn ớt nên con niếu to cỡ đầu ngón tay út. Người Thái trắng ở Chiềng Châu  cứ buổi sáng ra đồng, hồ ao mà sục vớt niếu rồi bỏ chúng bơi lúc nhúc trong chiếc chậu cho các bà, các chị mang ra đầu bản ngồi bán.

Con niếu nếu đựng trong túi nilon có chút nước, buộc kín lại, để trong ngăn mát của tủ lạnh thì sống rất dai, vài ngày bỏ ra vẫn bơi như thường. Theo cách của người Thái thì chế biến niếu không khó. Nhặt sạch rác rồi xóc trong nước cho thật sạch, cho vào chảo rang khô rồi thêm nước ngâm măng chua. Lúc này mới cho tất cả vào chảo mỡ đang sôi, niếu chín vàng tỏa mùi thơm nức, bắc ra rắc lá chanh và mắc khén xay mịn, xóc đều là ăn được. Mùi vị của niếu rang gần giống với dế mèn nhưng thơm và giòn mềm hơn. 

Món ăn này không xa lạ với người Thái ở Tây Bắc nhưng đối với những bước chân ưa xê dịch thì là một trải nghiệm thú vị. Vừa được thưởng thức món ngon nhớ lâu lại biết được tổ con chuồn chuồn ở đâu. Người Thái trắng ở Chiềng Châu gọi là con niếu. Ngược lên Sơn La lại gọi là con xin tương vì khi bóp vào bụng, nó sẽ thò ở miệng ra một cái như chiếc thìa, thả tay thì chiếc thìa thụt lại cứ như đang xin chút tương nên gọi là con xin tương. Có nơi lại gọi là con tôm bà. Còn tôi thì thích gọi là con tương tư. Nếu muốn biết “tổ con chuồn chuồn ở đâu”, cứ lên Chiềng Châu tháng 7 này nhé.