Thời thế tạo anh hùng

ANTĐ - Ông nghè Lê Đình Diên hay chữ, học hành nổi tiếng từ hồi còn tập văn ở trường tỉnh. Là học trò giỏi của tiến sĩ Vũ Tông Phan, ông thi đỗ cử nhân năm 1849, năm sau thi hội đậu tiến sĩ, được bổ làm Tri phủ Tân An. Năm Tự Đức thứ 6 (1853), ông được bổ làm Đốc học tỉnh Nghệ An. Xứ Nghệ vốn có nhiều người đỗ đạt, làm quan, cũng nổi tiếng về không chịu phục ai. Khi mới về đây, ông bị các nhà nho xứ Nghệ thử tài, châm chọc, song ông điềm đạm tiếp xúc, gặp gỡ, đáp trả những câu hỏi về nhân vật lịch sử, về văn chương khiến họ rất phục.

Thời thế tạo anh hùng ảnh 1Minh họa Phạm Công Thành

Một thời gian sau, Lê Đình Diên được triều đình mời vào Huế làm Tế Tửu Quốc Tử giám, ông từ chối dâng biểu tạ lỗi, cáo ốm và cao tuổi. Vua xem biểu lặng lẽ, không nói gì. Từ ngày lui về dạy học, mở trường, học trò đến dự rất đông. Với đức độ nhà Nho, tài học hơn người, chức Đốc học của ông mấy ai đã được như thế. Ông nghè họ Lê so với các ông thám hoa Hoàng Xuân Hợp, Nguyễn Tư Giản, Vũ Như, học trò của ông nghè Vũ Tông Phan nào có thua kém. 

Bữa ấy ông nghè Diên được học trò võng từ trường Nghĩa Dũng lên Bưởi có chút việc. Qua thành Cửa Bắc, người học trò cắp tráp theo hầu chợt thốt lên:

- Các anh xem kìa, có một thằng mắt xanh, mũi lõ đang đo đo, vẽ vẽ gì thế kia?

Mọi người nhìn lên cau mày tức giận:

- Chúng nó định gây hấn chăng?

- Bắt nó lại đi. Đây là dinh quan Tổng trấn Bắc Hà đấy chứ.

Ông nghè Diên dạy trường Nghĩa Dũng ở ngay ngã tư Hàng Đậu, từng nghe, từng thấy những việc hoành hành không coi ai ra gì của tên lái buôn Đồ Phổ Nghĩa. Nghe học trò í ới, cáu kỉnh nói có người Pháp ngang nhiên làm điều cấm kỵ trước cổng thành, ông bảo dừng võng lại, nhổm dậy hỏi:

- Bọn Pháp đo vẽ cổng thành à? Dừng lại!

Hai người học trò khiêng võng dừng lại. Ông nghè bước ra khỏi võng. Bên kia đường 2 người Pháp và 2 người Tàu, có lẽ là quân Cờ Vàng và cận vệ của tên gián điệp Đồ Phổ Nghĩa đang đo đạc, tính toán gì trước cổng thành Cửa Bắc.

Quan nghè cau mặt nói:

- Ở đất Hà thành mà bọn này dám không coi ai ra gì sao? Chúng làm như đất đai này là của chúng vậy, muốn làm gì thì làm à?

Đồ Phổ Nghĩa dám hung hăng thế vì hắn nhận được điện mật của Thống đốc Nam kỳ, thiếu tướng Đác-hô (D’Arhanh) sẽ cho tàu chiến Bu-ray (Bourangae) ra Bắc tiếp viện. Tàu này đang tiễu dọc các dòng sông từ Hải Dương, Hưng Yên sắp sửa vào Hà Nội. Lấy cớ quan lại Bắc thành chưa chịu cho thuyền buôn Pháp thông thương chở hàng qua đất Việt, Đồ Phổ Nghĩa muốn mình mở màn cho việc đánh chiếm Bắc kỳ, lập công với nước Pháp, để sau này được độc quyền buôn bán trên các dòng sông phía Bắc, nối Vân Nam, giao dịch với các tỉnh ven biển Trung Hoa, mở ra rất nhiều nguồn lợi. Hắn cho đo dạc, tính toán ghi những thông số kỹ thuật về thành Hà Nội để sau này dùng tới.

Ông nghè Diên quát rất lớn:

- Bọn hỗn xược kia, sao bọn bay dám ngang nhiên làm những việc cấm kỵ, đất này đâu phải là đất hoang mà còn có những người chủ thượng võ đó.

Nghe tiếng quát của ông nghè, tên người Pháp quay lại. Được thông dịch, hắn nheo mày, khó chịu, lên tiếng:

- Taistoi (Te toa - im miệng ngươi lại!).

Chúng xông lại đánh. Ông nghè lui lại, vấp phải viên gạch suýt ngã. Mấy anh học trò xông lên, bảo vệ thầy. Một anh hô lên:

- Chúng nó đánh người. Bọn vô lại đánh người!

Dân chúng trong xóm nghe tiếng kêu vác giáo, vác gậy chạy ra. Bọn Pháp và quân Cờ Vàng ba chân bốn cẳng chạy về phía sông Hồng. Quan huấn đạo Thọ Xương đang tập văn cho đám Nho sinh năm tới thi hương, liền xô cả lại. Khi nghe kể lại chuyện bọn Đồ Phổ Nghĩa dám hỗn láo với quan Đốc học họ Lê, học trò huyện Thọ Xương, nhất là trường Nghĩa Dũng của ông nghè uất lắm. Họ bàn nhau khởi sự.

Học trò họ Nguyễn ở Thụy Phương, tức tối nói:

- Chúng tôi phải rửa cái nhục này. Phải lôi cổ thằng lái buôn gián điệp ấy đến trước cửa trường của thầy, nhét cứt chó vào mồm rồi quẳng xuống sông làm mồi cho cá!

Giám tràng họ Phạm từ tốn bảo:

- Chúng nó có súng, lại thu mộ những tên đầu trộm đuôi cướp làm sao mà ta bắt nổi Đồ Phổ Nghĩa. Theo tôi, quanh chợ Hà Khẩu có đội quân áo đen rất ghét bọn Đồ Phổ Nghĩa, ta nên phối hợp với họ. Tôi biết nơi nhóm hảo hán áo đen vẫn lui tới. Tôi xin đi mời họ!

Mấy hôm sau, họ Phạm dẫn về 7 hảo hán vận đồ đen, bịt mặt. Mọi người bày tiệc tiếp đãi, bày tỏ câu chuyện và muốn trả thù ngay cho thầy Diên. Đại ca toán áo đen nói:

- Chư huynh yên tâm, bọn đệ sẽ khai đao cho. Đương đầu với chúng đã có hắc y hữu và tôi. Các huynh chỉ cần hỗ trợ bên ngoài, đợi nơi chúng chạy qua bắt bằng được mấy thằng Pháp về trị tội.

Giám tràng họ Phạm nói:

- Sau buổi các anh phục kích đánh đòn hội chợ ở ngã tư chợ Hà Khẩu, bọn chúng không dám khinh thường nữa. Giờ chúng cũng bớt lên chợ cướp bóc quấy nhiễu. Vụ bị đánh đuổi ở thành Cửa Bắc khiến chúng cũng chờn. Chúng ta hãy dùng kế điệu hổ ly sơn mới có thể bắt được chúng. Các nghĩa sĩ, thư sinh đều hăng hái hưởng ứng. Trưởng tràng họ Lê trương lên đôi câu đối, chữ đá thảo rất đẹp, viết trên lá cờ ngũ sắc:

Chí tại tiêm cừu thành khổ nhục,

Tâm năng cứu quốc khởi tham sinh

(Chí muốn diệt thù đành khổ nhục

Lòng mong cứu nước há sống thừa)

Họ luyện tập ngày đêm, luôn thay đổi chỗ ở để bọn Đồ Phổ Nghĩa không phát hiện được. Ròng rã hàng tháng, đám nghĩa sĩ đã thành những tay gươm, tay giáo khả thủ. Họ cùng Hắc y hội bàn kế dụ giặc khỏi hang ổ để tiêu diệt.

Trưởng tràng họ Phạm dẫn một đám học trò đến gần cầu tàu nơi thuyền của Đồ Phổ Nghĩa neo đậu, bày trò khiêu khích. Họ đem hình nộm làm bằng rơm đeo mặt nạ giấy bồi giống hệt Đồ Phổ Nghĩa. Mũi lõ, tóc quăn, quần ống bó, khoác tay nải, nửa lính nửa dân, đầy hai hàng cúc lớn, miệng phì phèo điếu thuốc lá. Một người sắm vai quan nghè Diên, còn người kia dúi đầu Đồ Phổ Nghĩa bắt quỳ lạy ông nghè.

Thấy vậy, Đồ Phổ Nghĩa cho gọi tên đội trưởng Cờ Vàng hung hãn nhất đến, bảo:

- Hãy đem một trung đội lên bờ bắt bọn học trò hỗn xược kia về đây cho ta.

Bọn lính vừa lên bờ, đám học trò ù té chạy… Thấy chỉ năm bảy anh chàng, quân Cờ Vàng đuổi dấn. Tới bờ đê bên kia bọn lính bị đám hảo hán hắc y đạo chờ sẵn vây lại, quật ngã. Hàng chục tên lính bị đánh và bị trói. Đám lên sau biết lọt vào trận phục kích liền chạy thục mạng về tàu.

Đoàn nghĩa sĩ học trò và các hảo hán hắc y đạo reo hò vang dội, dẫn đám quân của Đồ Phổ Nghĩa giải dọc phố. Dân chúng đua nhau ra xem. Nhiều người ở Hà Khẩu nhận mặt được mấy tên, nhất là tên đội trưởng, cầm đòn gánh định phang cho chúng vỡ đầu. Đám nghĩa sĩ ngăn lại không cho đánh sợ vụ việc dính líu đến sự chú ý của quan Tổng đốc Bùi Thức Kiên. Nếu để dân đánh chết lính giữa lúc triều đình Huế chủ hòa với Đốc Phủ sứ ở Sài Gòn Gia Định thì bị trách cứ vào tội khi quân phạm luật. 

Đoàn nghĩa sĩ học trò đem nhốt tù binh ở một căn phòng. Họ chờ đám thuyền buôn của Đồ Phổ Nghĩa trả miếng ra sao… Ông nghè Lê Đình Diên hơi lo lắng. Học trò ông hơn một tháng nay bỏ học, mải mê việc võ để trả hận cho thầy. Ông không ngờ học trò Hà thành mảnh mai, nho nhã mà cầm gươm, cầm giáo cũng đầy khí phách. Ông không những thấm thía lời cổ nhân “thời thế tạo anh hùng” mà còn nhận ra một điều: “Thời thế có thể thay đổi tính cách của con người”.

Trong khi đó, Tổng đốc Bùi Thức Kiên vốn là kẻ gió chiều nào che chiều ấy, đêm trước nhận được thư của Đồ Phổ Nghĩa trách ông bội ước với Súy phủ Sài Gòn và triều đình Huế, dám ngăn trở bọn Đồ Phổ Nghĩa buôn bán. Súy phủ dọa sẽ làm dữ nếu không thả người của chúng ra. Quả nhiên hôm sau Đồ Phổ Nghĩa đem quân làm loạn cả phố phường Hà Nội. 

Đồ Phổ Nghĩa dẫn gần 100 tên lính, đa phần là bọn Cờ Vàng chia làm hai mũi vây huyện Thọ Xương và dinh quan Đề đốc. Chúng đem theo nhiều súng, nên khi chúng liên tiếp nổ súng vào tháp canh của quan huyện và dinh Đề đốc thì đám lính giữ lỵ sở không thể nào chống cự nổi. Đồ Phổ Nghĩa xộc vào trong bắt quan huyện Thọ Xương đem xuống tàu. Cánh quân ở dinh Đề đốc cũng bắt luôn cả quan Phòng thành của Hà Nội. 

Bùi Thức Kiên vội sai lính hầu mời quan nghè Diên vào thành bàn chuyện học trò Hà thành gây rối. Ông nghè Diên vội khăn gói đi ngay, mang theo 2 người học trò mà ông yêu nhất. Vừa vào dinh quan Tổng, ông nghè Diên được Bùi Thức Kiên xuống tận thềm đón. Phân ngôi chủ khách, quan Tổng đốc ôn tồn nói:

- Bản chức mời đại nhân vào để cùng bàn việc thuyền buôn nước Pháp khiếu kiện. 

- Tôi xin nghe lời đại nhân khuyến dụ.

- Đồ Phổ Nghĩa quá quắt, tôi biết. Nhưng đám học trò của đại nhân cũng không vừa. Họ cùng đám Hắc y hội đánh trả mấy lần. Tạm hả thì thôi, họ lại còn xuống tận thuyền khiêu khích, bắt thuyền viên của chúng rồi giam giữ. Giờ chuyện vỡ tung ra, khiến chúng có cớ làm khó mình.

Ông nghè Diên cười, hỏi lại:

- Đại nhân chắc lại nói đến chữ nhẫn chứ gì! Tôi nói đại nhân đừng giận, dân Bắc Hà chúng tôi không giống nơi khác. Họ trọng danh dự. Chạm vào thứ họ tôn trọng, họ đâu có thể ngồi yên.

- Theo tôi thì ngài nên lùi một bước - quan Tổng đốc nói.

Lê Đình Diên nhìn quan Tổng đốc ngán ngẩm. Lão quan này trước sự hung hãn của giặc nhũn như con chi chi. Dân phố đồn ầm lên ông ta nhân nhượng cho tàu của Đồ Phổ Nghĩa nhổ neo đem hàng hóa lên Vân Nam. Đêm qua nhân lúc vây huyện Thọ Xương và dinh Đề đốc, chúng còn cướp thêm một kho gạo. Ông nghè Diên không chịu nổi cái thói mũ ni che tai của quan Tổng đốc, lạnh lùng nói:

- Đại nhân biết đấy, học trò mà làm thì giời giữ. Giờ họ giam đám thuyền viên ở chỗ nào, tôi cũng không biết, làm sao bảo họ thả được. 

Bùi Thức Kiên nghiêm sắc mặt:

- Ngài không thể rũ trách nhiệm được đâu! Tôi mời ngài đến là để chọn cách êm thấm. Nếu ngài không nghe, tôi đành lấy quyền quan trấn thủ mà hành sự vậy.

Lê Đình Diên điềm đạm nói:

- Đó là công việc và cũng là quyền của đại nhân, tại hạ nói thêm gì được. Chỉ xin nhắc ngài rằng, thuyền bọn Pháp đậu thì lâu lắm chỉ vài tháng sau chúng cũng phải nhổ neo đi giao hàng, còn ngài thì hàng ngày đối phó với dư luận của dân Hà thành đấy.

Bùi Thức Kiên nổi cáu:

- Ngài dọa tôi hả? Để rồi xem! Tôi cầm ấn Tổng đốc sẽ biết cách làm thế nào cho phải lẽ. 

Lê Đình Diên cười khẩy, chào quan Tổng đốc đi ra. 

Bùi Thức Kiên cho người xuống trường Lỗ Am bắt trưởng tràng họ Lê, giám tràng họ Phạm, những người mà ông cho là cầm đầu cuộc nổi loạn của đám nho sinh phố cổ, giam lại. Chúng cũng tìm được nơi giam giữ đám thuyền viên của Đồ Phổ Nghĩa. Quan cho mời Đồ Phổ Nghĩa đến. Hắn trao trả tri huyện Thọ Xương và quan Phòng Thành. Bùi Thức Kiên nói:

- Việc gây rối loạn vừa rồi là do cấp dưới của tôi và ngài. Chúng tôi đã bắt giam đám học trò bướng bỉnh. Chỉ mong ngài giữ hòa hiếu theo những điều khoản vua nước tôi đã ký với Đốc phủ sứ, nhân danh Chính phủ Pháp ở Sài Gòn.

Đồ Phổ Nghĩa cười trịch thượng:

- Cũng may đại nhân là người biết điều. Ngài biết đấy, 30 tay súng của thuyền viên chúng tôi có thể tung hoành trên sông nước đầy hiểm trở, đầy giặc cướp, thì xá chi mấy đạo quân chỉ có giáo mác của ngài!

Bùi Thức Kiên cười nhạt đáp lại:

- Ông nên nhớ, quân Nguyên Mông oai hùng là thế mà 3 lần sang cả 3 lần đều đại bại đấy!