MAMA xứ Kim chi - chiêu quảng bá xuyên biên giới

ANTĐ - “Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất” - danh hiệu mà ca sĩ Đông Nhi vừa nhận được tại MAMA 2015 - một giải thưởng âm nhạc thường niên của Hàn Quốc không gây bất ngờ với nhiều người. Trước cô, Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương cũng từng “ẵm” giải này. Điều gì khiến nền công nghiệp âm nhạc giải trí hàng đầu châu Á bỗng dưng lại ưu ái các nghệ sĩ Việt đến thế?

MAMA xứ Kim chi - chiêu quảng bá xuyên biên giới  ảnh 1Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương, Đông Nhi lần lượt được vinh danh là “Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất” tại giải MAMA

Nhiều nghệ sĩ cùng được trao một danh hiệu

MAMA là tên viết tắt của Mnet Asian Music Awards - trong 4 giải thưởng âm nhạc lớn và thường niên của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc. Dù ra đời khá sớm (từ năm 1999) song sau hơn 1 thập kỷ tổ chức, giải thưởng âm nhạc này cũng rơi vào tình cảnh lao đao khi không còn được các nghệ sĩ trong giới 

K-Pop mặn mà. Thậm chí, nhiều công ty giải trí nổi tiếng tại xứ sở Kim chi còn tuyên bố “tẩy chay” MAMA do nghi ngờ sự minh bạch trong kết quả bình chọn của giải thưởng này, nhiều ngôi sao trong làng giải trí Hàn Quốc từng thẳng thừng đề nghị rút lui dù có tên trong đề cử. Có lẽ cũng bởi sự thờ ơ đó mà từ năm 2009, Ban tổ chức MAMA đã quyết định mở rộng phạm vi trao giải cho các nghệ sĩ trong khu vực châu Á thay vì chỉ gói gọn trong làng giải trí K-Pop.

Do vậy, trong 5 năm trở lại đây, liên tiếp các ngôi sao trong V-Pop như: Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương và mới đây nhất là Đông Nhi bỗng dưng được xướng tên là “Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất” tại MAMA. Danh hiệu nghe có vẻ to tát và “độc nhất” nhưng thực chất không chỉ có một mình nghệ sĩ Việt được vinh danh ở hạng mục giải thưởng này. Năm nào cũng có nhiều nghệ sĩ đến từ các nước được trao tặng danh hiệu trên. Năm nay, cùng với Đông Nhi còn có các nghệ sĩ khác đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Indonesia… cũng được MAMA ghi nhận là “Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất”. Nếu hiểu việc trao giải theo kiểu “phân phối” này sẽ thấy, thực chất giải thưởng quốc tế mà các ngôi sao Việt có được chưa chắc đã là điều gì quá lớn lao hay vĩ đại như nhiều người lầm tưởng.

Không phải là Grammy của châu Á

Có một thực tế là ngay sau khi các nghệ sĩ Việt được xướng tên tại lễ trao giải MAMA thì lập tức, giải thưởng âm nhạc này cũng phủ sóng truyền thông và mạng xã hội Việt Nam với mật độ dày đặc. Chưa cần biết thực hư hay giá trị danh hiệu mà thần tượng của mình bỗng dưng nhận được, nhưng rõ ràng MAMA trở thành cụm từ được người hâm mộ của các nghệ sĩ Việt nhắc đến và bàn tán rất nhiều. Nhiều người không hiểu còn ví đây như giải thưởng âm nhạc Grammy của châu Á.

Vì không chỉ có nghệ sĩ Việt Nam mà cả nhiều “ngôi sao” của các quốc gia khác trong khu vực được trao giải nên việc MAMA bỗng dưng được quảng bá xuyên biên giới, trở thành giải thưởng phủ sóng khắp châu Á cũng là điều dễ hiểu. Người được lợi nhất trong chiến dịch quảng bá này, chính là đơn vị khai sinh và duy trì việc tổ chức MAMA. Chưa kể, lợi nhuận MAMA thu được từ việc khán giả khắp các quốc gia trong khu vực tham gia bình chọn cho nghệ sĩ của nước mình. Như một thành viên trong Ban tổ chức MAMA từng thừa nhận: “Cả thế giới đều đang bình chọn và mỗi ngày có hơn 1 triệu lượt bình chọn”. 

Không phải ngẫu nhiên mà một giải thưởng âm nhạc nước ngoài như MAMA lại duy trì việc mở rộng phạm vi trao giải tới các nghệ sĩ chẳng liên quan đến nền âm nhạc của nước mình, nếu như không có lợi. Mà cái lợi thì thấy rõ, bởi khi đã trở nên giảm sức hút với khán giả và nghệ sĩ “nhà” thì việc kéo thêm các gương mặt từ nước khác cùng nhập cuộc không chỉ là “liều thuốc” làm tăng thêm sự hấp dẫn, mức độ uy tín cho giải thưởng, mà còn là cách để được quảng bá xuyên biên giới. Đơn cử như giải MAMA trong suy nghĩ của nhiều người có ý nghĩa quan trọng và cũng “sang trọng” không kém, thậm chí còn vượt xa bất cứ giải thưởng âm nhạc danh giá nào mà các nghệ sĩ trong nước nhận được. Đây là cách làm khôn khéo mà Việt Nam cần học tập, vừa để tự làm mới mình, vừa là cơ hội để quảng bá cho nền công nghiệp giải trí Việt.