Phim truyện nhựa “Người trở về”:

Lát cắt mới trong dòng chảy phim thời chiến

ANTĐ - Không nặng về những cảnh khốc liệt của chiến tranh, “Người trở về” - bộ phim của Điện ảnh Quân đội Nhân dân vừa ra rạp vẫn được người xem đánh giá cao. Đây cũng là bộ phim điện ảnh đầu tay của nữ đạo diễn trẻ thuộc thế hệ 8X từng gây tiếng vang với một loạt bộ phim truyền hình như: Mười ba bến nước, Vũ khúc ánh trăng, Bánh đúc có xương…

Lát cắt mới trong dòng chảy phim thời chiến ảnh 1“Ngày trở về” không có cảnh chiến tranh hoành tráng nhưng vẫn gây xúc động mạnh đến người xem

Không ngại làm lại

“Người trở về” là một bộ phim về đề tài chiến tranh, chỉ cần nhìn vào tấm poster phim cũng biết. Nhưng với những ai chưa đọc “Người ở bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh (tác phẩm được đạo diễn Đặng Thái Huyền lấy cảm hứng để chuyển thể thành kịch bản) thì hẳn sẽ nghĩ: chắc lại là một câu chuyện quen thuộc thời hậu chiến. Nói là quen bởi mô típ người lính ra trận sống sót trở về, người phụ nữ ở nhà mòn mỏi chờ đợi rồi rơi vào bi kịch giữa cuộc sống thời bình, dù là trong văn học hay điện ảnh cũng đã nhắc đến quá nhiều.

Vậy nên ngay khi xem những thước phim đầu tiên, nhiều người đã ngỡ ngàng vì hóa ra người trở về trong bộ phim của đạo diễn Đặng Thái Huyền lại là một cô gái, một nữ quân y. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam khai thác nỗi đau thời hậu chiến theo hướng khác biệt này. Đáng nói hơn khi đó lại là tác phẩm điện ảnh đầu tay của một nữ đạo diễn 8X. 

Còn một điều này ít ai nhớ là cách đây khá lâu, “Người ở bến sông Châu” từng được một đạo diễn khác chuyển thể thành phim truyền hình một tập. Vậy nhưng Đặng Thái Huyền vẫn trăn trở suốt 6 năm với mong muốn đưa câu chuyện này vào điện ảnh. Có người bảo chị liều, song nữ đạo diễn trẻ quả quyết chị có cách sáng tạo của riêng mình, hơn nữa vì chị quá thích câu chuyện này, mà một khi đã thích điều gì thì dù người khác có làm đến cả chục lần thì chị cũng chẳng ngại. 

Không hoành tráng, vẫn xúc động

“Người trở về” không có những cảnh chiến tranh hoành tráng, thậm chí xuyên suốt phim người xem sẽ chỉ thấy chiến tranh qua một vài hình ảnh đạn bom khói lửa. Những cảnh quay về chiến tranh trong phim chủ yếu hiện lên qua hồi tưởng của nhân vật nên cũng được tái hiện không quá phức tạp. Có khán giả nói vui, có lẽ nhờ thế mà đây là bộ phim chiến tranh hiếm hoi của điện ảnh Việt không thấy bị “bắt lỗi” tiểu tiết kiểu như cảnh này dàn dựng chưa thật, cảnh kia giả quá. Nhưng nếu vậy thì có vẻ… oan cho phim quá, bởi thực ra người xem không để tâm đến yếu tố bối cảnh còn vì bị hút vào nỗi trống trải mất mát của nhân vật, vì mải mê gặm nhấm nỗi đau thời hậu chiến nhiều hơn. 

Minh chứng là “Người trở về” đã làm nhiều người phải rơi nước mắt. Người ta thương cảm cho nhân vật Mây - một nữ quân nhân trở về trong sự lãng quên của người thân, chòm xóm và của cả người yêu. Không chỉ mang trên mình nỗi đau về thể xác, những ám ảnh về chiến tranh và nỗi đau mất đi một tình yêu đẹp khiến người con gái luôn sẵn sàng đối diện với cái chết nơi chiến trận tưởng chừng như gục ngã giữa thời bình. Khác với trong truyện, Mây trong phim không bị cụt mất một chân. Thay vào đó, nhân vật này được đạo diễn Đặng Thái Huyền xây dựng bị thương ở vùng bụng và nhìn từ ngoài vào thì vẫn là cô Mây xinh đẹp nhất làng thuở nào. Lý giải ở góc độ điện ảnh thì đây thực sự là cách tạo hình nhân vật khôn ngoan, bởi vừa giữ được hình ảnh đẹp về nhân vật, lại vừa không khiến người xem tìm thấy sự đồng cảm với nhân vật chỉ vì thương cảm với vẻ bề ngoài. 

Với những gì bộ phim của Đặng Thái Huyền đã làm, có thể nói là cả một sự kỳ công về mặt hình ảnh. Những cảnh quay trên triền đê ngàn ngạt gió hay bão bùng mưa, cảnh cây đa, giếng nước, con đò, bến sông khi nắng sớm, lúc chiều buông hay giữa đêm đen tĩnh mịch… tuy không nhiều góc rộng nhưng đều gợi trong người xem những xúc cảm đẹp man mác mà khắc khoải đượm buồn. 

Diễn viên ngất xỉu trên tay bạn diễn

Sẽ là thiếu nếu như không nhắc đến diễn xuất của dàn diễn viên trong phim, nhất là Lã Thanh Huyền - người đóng vai Mây. Từng đóng không ít phim nhưng đây có lẽ là bộ phim đầu tiên Quán quân “Phụ nữ Thế kỷ 21” khiến người ta phải công nhận khả năng diễn xuất của cô. Đạo diễn Đặng Thái Huyền tiết lộ ngay khi đặt bút chuyển thể kịch bản phim, chị đã nghĩ ngay tới Lã Thanh Huyền - cô gái có vẻ đẹp mong manh, ánh mắt trong veo nhưng không hề nhẫn nhịn mà rất quyết đoán. Đặc biệt, phim lấy bối cảnh mùa hè nhưng lại được quay giữa mùa đông lạnh giá của miền Bắc nên người đẹp này đã ngất xỉu trên tay bạn diễn khi quay nhiều trường đoạn phải đầm mình dưới sông nước. Chỉ riêng điều đó đã đủ thấy những gì mà Lã Thanh Huyền mang đến trong bộ phim này không chỉ là nhân vật, mà còn là cả sự chân thành với vai diễn.