Hội Gióng - tôn vinh khát vọng độc lập tự do

ANTĐ - Sau Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Gióng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là một lễ hội lớn ở vùng châu thổ sông Hồng, có sức thu hút lan tỏa đặc biệt không những đối với người Việt Nam mà còn với cả khách quốc tế và các học giả phương Tây.

Mùng bảy hội khám, mùng tám hội dâu, mùng chín đâu đâu trở về Hội Gióng
Ảnh: VĂN THỌ

Sự hấp dẫn của Hội Gióng trước hết phải kể đến ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, truyền thống võ công, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Hội Gióng là một “hội trận”, vừa thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ, vừa thể hiện mong ước “Quốc thái dân an” của nhân dân. Ðến với Hội Gióng, chúng ta sẽ có dịp cảm nhận được mối quan hệ hai chiều giữa làng và nước, cụ thể hơn là giữa nghĩa vụ cá nhân và cộng đồng, công dân và Tổ quốc. Ðồng thời cũng cảm nhận được những triết lý sâu xa về đạo làm người cùng lòng tự hào dân tộc và truyền thống yêu làng, yêu nước từ cha ông trao truyền lại. Chính vì vậy nên người xưa gọi nhau đi Hội Gióng để nhận thức và hoàn thiện nhân cách của mình:

“Ai ơi mồng chín tháng tư

Không đi Hội Gióng cũng hư một đời”

Hội Gióng là một kịch trường dân gian rộng lớn, dài khoảng 3km gồm đền Thượng, đền Mẫu (thờ mẹ Gióng) và chùa Kiến Sơ…, với số lượng vai diễn khổng lồ trình diễn theo một kịch bản đã được chuẩn hóa cao. Mỗi chương mục, mỗi vai diễn, mỗi đạo cụ hành lễ cũng như y phục và các động tác vai diễn… đều mang những ý nghĩa hết sức sâu sắc. 

Để biểu đạt những ý tưởng và triết lý dân gian, Hội Gióng có dàn vai diễn hết sức phong phú và độc đáo. Trước hết phải kể đến ông “Hiệu Cờ” - tượng trưng ông Gióng - người chỉ huy tối cao của trận đánh mà đạo cụ hành lễ là lá cờ lớn, ở giữa có chữ “Lệnh” viết bằng tiếng Hán; tiếp theo là các ông “Hiệu” -  hệ thống tướng lĩnh của ông Gióng; “Phù Giá” - đội quân chính quy của ông Gióng; các “Ông Hổ” - đội quân tổng hợp; “Làng áo đen” - đội dân binh; “Cô Tướng” - tượng trưng các đạo quân xâm lược…

Hiệu cờ - Tượng trung Đức Thánh Gióng - người chỉ huy tối cao của trận đánh

Trong hành lễ, ông Hiệu Cờ có hai vị trí phất cờ chính, đó là phất cờ ở Ðống Ðàm, nơi đàm đạo với quân giặc không thành; và phất cờ ở Soi Bia - trận đánh làm bia soi muôn đời. Dân gian Phù Ðổng gọi nghi lễ phất cờ của ông Hiệu Cờ là “đánh cờ”. Khi đánh cờ, ông Hiệu Cờ bước vào chiếc chiếu mà trên đó có chiếc bát sứ úp trên tờ giấy trắng. Chiếu tượng trưng cho đồng ruộng, bát là núi và giấy là mây. Sau khi thể hiện các động tác chuẩn bị đẹp mắt, ông Hiệu Cờ bắt đầu hành lễ đánh cờ bằng việc đá chiếc bát và gạt tờ giấy - biểu tượng của sự vượt núi rẽ mây và sau đó múa cờ tượng trưng sức mạnh của ông Gióng.

Ðánh cờ thực chất là mô phỏng chữ “Lệnh” bằng tiếng Hán viết trên không trung. Ðánh “Thuận” ở Ðống Ðàm thì vòng theo tay phải. Ðánh “Nghịch” ở Soi Bia thì vòng theo tay trái. Ðánh “Thuận”, đánh “Nghịch” đó là bài học về sự sáng tạo biến hóa trong binh pháp đánh giặc của ông Gióng. Nghi lễ “đánh cờ” của ông Hiệu Cờ trong tâm linh dân gian Phù Ðổng là vô cùng thiêng liêng có liên quan đến “Quốc thái dân an”, “Mưa thuận gió hòa”. Ông Hiệu Cờ hành lễ uyển chuyển tôn nghiêm, không vấp lỗi ấy là điềm lành báo hiệu “Dân thịnh Nước cường”!

Hàm xúc nhiều ý nghĩa sâu sắc, năm 2010, Hội Gióng đã được Ủy ban khoa học Giáo dục Thế giới (Unesco) suy tôn là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại”.