Điện ảnh góp công "khai phá" mỏ vàng

ANTĐ - Những cảnh quay trong trẻo, xanh mướt trong video giới thiệu bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ đã khiến cư dân mạng ngỡ ngàng vì cảnh sắc mê hồn của Phú Yên - một địa danh trước đây chưa từng được coi là “mỏ vàng” của du lịch. Ngoài Phú Yên, nhờ những lần được quảng bá trên màn ảnh, nhiều điểm du lịch tuyệt đẹp của Việt Nam mới có dịp khai phá. 
Điện ảnh góp công "khai phá" mỏ vàng  ảnh 1

Cảnh quay đẹp đến nao lòng trong phim “Cánh đồng bất tận” được thực hiện ở sông nước miền Tây 

Điểm lại những lần “lên hình”

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” – bộ phim đáng để chờ đợi nhất trong năm của đạo diễn   Victor Vũ được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mới đây đã tạo nên một “cơn sốt” trong cộng đồng những người thích xê dịch. Những bờ cỏ, những cánh đồng tít tắp, những con đường làng xanh mướt, những con diều biếc chao lượn trên bầu trời trong veo, bên sóng biển rì rào… đã làm rung động trái tim bao người.

Chỉ với vài giây lên hình, những địa danh trước đây còn “ẩn mình” như gành Đá Đĩa, bãi Xép, đập Đồng Cam, Mũi Điện… trở thành những địa chỉ được những người yêu du lịch đưa vào danh sách “phải đến một lần trong đời”. Nhà báo, NSNA Dương Thanh Xuân, người lựa chọn địa điểm quay bộ phim, cũng là một người dân gốc Phú Yên cho biết: “Đây là lần đầu tiên phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Phú Yên được đưa lên màn ảnh rộng một cách hoành tráng”. 

Điện ảnh góp công "khai phá" mỏ vàng  ảnh 2

Rất nhiều du khách tìm đến Khánh Hòa để được mục sở thị nơi bấm máy cho “Mỹ nhân kế”

Không chỉ có Phú Yên, trước đó, rất nhiều thắng cảnh của Việt Nam đã được “thơm lây” nhờ những lần xuất hiện trên màn ảnh rộng. Điển hình là “Chuyện của Pao”. Tiếng vang trên màn ảnh từ “Chuyện của Pao” đã thu hút du khách thập phương đến với ngôi nhà tứ đại đồng đường của đồng bào dân tộc Mông nằm ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Bộ phim “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình ra mắt vào năm 2010 đã chiếm trọn cảm tình khán giả nhờ cảnh đẹp bình dị đến nao lòng của vùng sông nước miền Tây đi dọc Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp. 

Trong khi đó, Vịnh Cam Ranh, Nha Trang vốn nổi tiếng với những bãi biển đẹp, hoang sơ, khi được chọn làm bối cảnh hai bộ phim “Những nụ hôn rực rỡ” và “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại càng trở nên “hút hồn” khi làm nền cho những người đẹp trong phim thể hiện tài năng diễn xuất. Thậm chí, khu nghỉ dưỡng Yenbay, thuộc khu du lịch sinh thái Ngọc Sương - bối cảnh chính của 2 bộ phim bỗng nhiên “nổi như cồn” vì du khách nô nức tìm đến để được đắm mình trong không khí của đoàn làm phim. 

“Một mũi tên trúng hai đích”

Ngoài mang đến nguồn doanh thu cho điện ảnh, sự xuất hiện của những cảnh sắc, địa danh du lịch Việt Nam trong những bộ phim nổi tiếng cũng là cách làm giàu cho ngành kinh tế mũi nhọn này. Khi “Cánh đồng bất tận” tham gia Liên hoan phim lớn nhất châu Á - Pusan lần thứ 15, hay mới đây “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có mặt tại Liên hoan phim Cannes 2015 (Pháp)… thì chính là lúc các nhà làm phim đang thực hiện vai trò sứ giả, quảng bá một cách rộng rãi những hình ảnh đẹp của con người và đất nước đến với bạn bè thế giới. Nói vui, chưa có tính toán chính xác việc có bao nhiêu du khách đặt chân đến những địa danh du lịch nhờ những thước phim nhưng có thể nói rằng cảm hứng từ phim ảnh là “động cơ” khiến không ít khách du lịch lựa chọn để khám phá Việt Nam.

Bên cạnh việc tận dụng yếu tố tự nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng gắn kết du lịch vào điện ảnh cũng là một trong những chiêu thức được thế giới thực hiện từ lâu để thu hút khách. Nhiều phim trường có tiếng đã trở thành địa chỉ du lịch thu hút nhờ vào tiếng tăm của chính các tác phẩm điện ảnh, thậm chí trở thành doanh thu chính tại những địa điểm này. Ở Mỹ, những nơi nổi tiếng như Universal Studios, Hollywood ban đầu chỉ là địa điểm cho các đoàn làm phim đến ghi hình, về sau đã trở thành địa điểm không thể bỏ qua khi tới thành phố Los Angeles mỗi năm đón hàng triệu lượt khách. 

Còn ở Việt Nam, cơ hội hút khách từ mô hình này cũng đã bắt đầu “thai nghén”. Trường quay phim cổ trang lớn nhất Việt Nam tại Yên Tử, Quảng Ninh là một ví dụ. Với diện tích gần 15ha cùng nhiều hạng mục kiến trúc hoành tráng, nơi đây hứa hẹn sẽ là không gian độc đáo cho các nhà làm phim tác nghiệp và  phục vụ cộng đồng. Việc có những mô hình như thế này cùng những lợi thế sẵn có về mặt tự nhiên sẽ nối dài “mối nhân duyên” giữa điện ảnh và du lịch. Điện ảnh có nguồn tư liệu giàu có để sáng tạo và nhờ đó thu hút cộng đồng tới nhiều hơn những vùng đất, những địa danh giàu tiềm năng, nhưng chưa kịp khai phá.