Cái nhìn rất già của các tay máy trẻ

ANTĐ - 206 tác phẩm được trưng bày tại Festival Nhiếp ảnh trẻ đang diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội đã không làm hài lòng người xem. Tính “trẻ” thì chưa thấy đâu, chỉ thấy những cái nhìn cũ kỹ, sáo mòn của các tay máy “già”.

Cái nhìn rất già của các tay máy trẻ ảnh 1Giải Ba “Bay trên cánh đồng Khâu Phạ”-Nguyễn Lê Phương.  Bức ảnh đã quá quen thuộc với người xem

Thiếu sự sáng tạo

Lần đầu tiên tổ chức Festival Nhiếp ảnh trẻ, một sân chơi dành riêng cho các tay máy có tuổi đời từ 14 đến 35 đã tuyển chọn được 206 tác phẩm. Trong đó, người trẻ nhất tham dự cuộc thi sinh năm 1994. Cuộc thi do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức, ngay ở vòng sơ loại, một thành viên Ban giám khảo đã cho biết, anh cảm thấy nản với số lượng ảnh dự thi lên tới hơn 3.000 chiếc nhưng 80% trong số đó đã đi lạc chủ đề hoặc quá “kịch” trong sắp đặt. 20% còn lại, hội đồng giám khảo đành chắt lọc, tuyển chọn và rồi cũng chọn ra được 206 tác phẩm để trưng bày.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thừa nhận: “Tôi thấy rất khó để phân biệt được phòng tranh của các tay máy “trẻ” và các tay máy “già”. Đâu đâu cũng là các hình ảnh quen thuộc và thậm chí đã quá cũ với người xem”. 

Với đề tài là phản ánh những vấn đề trong cuộc sống đương đại, cuộc thi khá cởi mở với người tham dự. Đây là cuộc thi dành riêng cho các nhà nhiếp ảnh trẻ nên đặc biệt khuyến khích các khuynh hướng sáng tạo độc đáo, các tác phẩm mang phong cách mới lạ. Soi về tiêu chí và chủ đề, các tác phẩm trưng bày chỉ đạt về phương diện đề tài, còn tiêu chí thì rõ ràng còn xa mới với tới. Vẫn là khuynh hướng sáng tạo tả thực, kỹ thuật sử dụng trong tác phẩm rất hạn chế. Hơn thế, sự lặn lội, mày mò những góc nhìn lạ, những chất liệu mới trong đời sống cũng hiếm được tác giả nào kỳ công. Chính vì vậy, dù ảnh đẹp trong ánh sáng và bố cục chặt chẽ nhưng lại không thể làm người xem hào hứng. 

Cái nhìn rất già của các tay máy trẻ ảnh 2Tuy giành được giải Khuyến khích nhưng tác phẩm “Dải ngân hà ở ghềnh Đá Đĩa” của Huỳnh Lê Viễn Duy là một trong những điểm sáng hiếm hoi thể hiện cái nhìn trẻ tại festival lần này 

Khi người trẻ dè dặt

Sự “đụng hàng” là điều tối kỵ trong nghệ thuật khi nhà nhiếp ảnh không có được tiếng nói nghệ thuật của riêng mình. Đặc biệt, với một sân chơi dành riêng cho người trẻ, ở đó chấp nhận những cách thức biểu đạt mới và cả sự phá cách thì sự dè dặt, không dám vượt qua cái đẹp thuần túy lại gây nên nỗi thất vọng với người xem. Bao kỳ vọng trước khi đến với phòng triển lãm đều tan biến với các tác phẩm bày ra trước mắt. Lại là một em bé dân tộc xúng xính váy áo cười thật tươi, một gương mặt công nhân lò than, mặt lấm lem nhưng vẫn nở nụ cười rạng rỡ.

Ở một góc khác là phong cảnh ruộng bậc thang đang vào vụ cấy, là cảnh đan lưới của các ngư dân. Nếu chỉ để nhìn các hình ảnh này thì người xem chỉ cần tìm kiếm trên internet là có ngay, thậm chí hình ảnh còn đẹp hơn, sinh động và hấp dẫn hơn. Giữa một “rừng” ảnh đủ các màu sắc, nỗi lo về sức sáng tạo của lực lượng nhiếp ảnh trẻ đã hiện rõ. 

Để xua đi những lo lắng, ông Vi Kiến Thành cho rằng: “Lần đầu tiên thực hiện, tôi cho rằng nên đánh giá sự thành công của cuộc thi ở góc độ tổ chức, đã tạo ra sân chơi chuyên nghiệp dành riêng cho các nhà nhiếp ảnh trẻ. Đúng là còn rất nhiều điều đáng nói tại cuộc thi này nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, hãy nhìn vấn đề theo hướng ủng hộ, động viên”. Qua cuộc triển lãm này, các nhà quản lý thấy được khả năng của lực lượng sáng tạo trẻ trong nhiếp ảnh. Dù sự sáng tạo trong nghệ thuật không thể đánh giá một cách cơ học nhưng một triển lãm dành cho các nhà nhiếp ảnh trẻ lại già nua, cũ kỹ rất khó thuyết phục được công chúng.

Làm thế nào để thay đổi thực trạng “Chưa trẻ đã già mất rồi” của các tay máy? Bên cạnh việc tạo ra các sân chơi cho anh em nghệ sỹ, thì chính các nhà nhiếp ảnh phải chịu thay đổi tư duy, mạnh dạn áp dụng nhiều phương thức biểu đạt và kỹ thuật mới. Có như vậy, ở lần tổ chức tiếp theo, Festival Nhiếp ảnh trẻ mới xứng với tên gọi đầy sức trẻ.