Bi ơi, đừng sợ - những khoảnh khắc run rẩy!

ANTĐ - Trong “Bi, đừng sợ” có rất nhiều cảnh quay về sex, về nhục dục, nhưng tôi không run tay khi bấm máy, dù cảm thấy rất hồi hộp.

12 năm bấm máy trong thầm lặng, tạo dựng nên thành công cho những bộ phim nổi tiếng của màn ảnh Việt: “Bi, đừng sợ”, “Ma làng”, “Chủ tịch tỉnh”... nhưng cái tên Phạm Quang Minh vẫn được ít người biết đến. Nhà quay phim tài hoa chia sẻ, anh luôn tự hào là người đứng trong bóng tối để mài nên những hạt ngọc quý cho nền nghệ thuật Việt Nam.

Gặp Phạm Quang Minh tại một quán café nhỏ ngay cạnh Đài Truyền hình Việt Nam, khuôn mặt anh đầy vẻ mệt mỏi vì thiếu ngủ. Anh cho biết mới đi quay phim hơn một tháng trời và vừa về tới Hà Nội tối qua. “Tôi vốn quen làm người ‘trong bóng tối’, ngại xuất hiện trên báo chí nên ít khi nhận lời phỏng vấn ai”, anh chia sẻ.

Phạm Quang Minh sinh năm 1970 trong một gia đình có truyền thống làm nghề nhiếp ảnh. Cha anh ngày xưa đã từng làm việc cho các hiệu ảnh của Pháp khi còn rất trẻ. Thừa hưởng dòng máu và tâm hồn của một nhà nhiếp ảnh nên anh tìm đến với nghề quay phim một cách tự nhiên.

Gần 12 năm là tay máy chủ lực của Trung tâm sản xuất phim truyền hình – Đài Truyền hình Việt Nam (VFC), với thế mạnh ở mảng phim chính luận, tay máy tài hoa của Phạm Quang Minh đã làm nên tên tuổi cho rất nhiều bộ phim ‘đáng đồng tiền bát gạo’ ở nước ta.

Khán giả truyền hình chắc hẳn không quên được những bộ phim từng gây ‘sốt’ như: Ma làng, Dòng sông phẳng lặng, Những giấc mơ dài, Đèn vàng, Những ngọn nến trong đêm, Nhà có 3 chị em gái… và mới đây nhất là bộ phim truyền hình dài 38 tập Chủ tịch tỉnh đang gây được chú ý tốt của dư luận. Ít ai biết Phạm Quang Minh là người ‘tổ chức hình ảnh’, người đã thực hiện và cống hiến cho nghệ thuật Việt những thước phim sinh động, chân thực như đời sống đó. 

Nhà quay phim Phạm Quang Minh luôn tự hào là người "trong bóng tối" góp phần làm nên thành công cho nhiều bộ phim.
Nhà quay phim Phạm Quang Minh luôn tự hào là người "trong bóng tối" góp phần làm nên thành công cho nhiều bộ phim.

Suốt 12 năm bấm máy phim truyền hình được ít người biết đến nhưng chỉ với bộ phim truyện nhựa đầu tiên có tên "Bi, đừng sợ" làm cùng với người bạn thân, đạo diễn trẻ Phan Đăng Di, Phạm Quang Minh đã có được hai giải thưởng quốc tế quan trọng. Đó là giải Quay phim xuất sắc tại LHP Quốc tế Stockholm - Thụy Điển năm 2010 và mới đây nhất, tại Liên hoan phim Mediawave tại Szombathely – Hungary kết thúc vào đầu tháng 6, cái tên Phạm Quang Minh và "Bi, đừng sợ" thêm một lần nữa được xướng lên với giải thưởng Quay phim đẹp nhất ở hạng mục Feature and Fiction. Vinh dự này không chỉ đến riêng với Phạm Quang Minh, đến riêng với "Bi, đừng sợ" mà nó còn làm vinh danh cho nền điện ảnh Việt Nam khi được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Những thước phim để đời

- Được biết “Bi, đừng sợ” là bộ phim truyện nhựa đầu tiên anh bấm máy. Ngay lập tức nó đem đến cho anh 2 giải thưởng quốc tế quan trọng cho hạng mục “Quay phim đẹp nhất”. Thành quả này là một sự may mắn, cái duyên mới của anh với phim nhựa hay phim nhựa chính là nơi để khả năng của anh được phát huy tối đa?

- Tôi nghĩ rằng đã làm phim thì không cứ là phim truyện nhựa hay phim truyền hình vì hai dòng phim này cũng giống nhau thôi. Có khác thì về chất liệu. Phim truyền hình có khi làm vài chục tập còn phim nhựa chỉ có mỗi 1 tập, trung bình từ 90 – 120 phút. Một cái ngắn, một cái dài, một bên là video còn một bên là phim nhựa màn hình lớn hơn, to hơn.

Tôi không đặt ra vấn đề là phải chuyển sang quay phim nhựa thì mới thành công đâu. Làm cái gì cũng phải có sự đam mê với nó. Mình muốn làm phim gì đi nữa, nếu đến nơi đến chốn thì sẽ thành công chứ không phải là phim nhựa thì mình đầu tư còn phim truyền hình thì không đầu tư!

- Anh có thể chia sẻ về một cảnh quay đã khiến mình ‘run rẩy’ nhất trong “Bi, đừng sợ”?

- Tôi xin kể câu chuyện thế này. Tất nhiên là mọi cảnh quay đều được làm rất cầu kì, công phu. Để cho ra được một khuôn hình tốt mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng có một cảnh quay đã hoàn toàn gây bất ngờ ngay cả với chính tôi, với đạo diễn và cả đoàn làm phim, kể cả người dựng phim, kể cả người xem.

Đó là hôm quay cảnh Bi đi giữa cánh đồng lau dưới chân cầu Long Biên. Lúc đó, tất cả mọi người đang tập trung vào việc điều khiển Bi bên dưới cánh đồng lau còn ông nội và mẹ của Bi đang đứng ở trên cầu. Thằng bé Bi gọi và hỏi đây là lá gì? Ông nội và mẹ Bi ở trên cầu không nghe thấy chỉ lắc đầu.  

Bi đi giữa cánh đồng lau là một trong những cảnh quay đẹp tạo nên thành công của bộ phim "Bi, đừng sợ".
Bi đi giữa cánh đồng lau là một trong những cảnh quay đẹp tạo nên thành công của bộ phim "Bi, đừng sợ". 

 Trong lúc chờ để dàn cảnh ấy, tôi đang đứng và nhìn về phía trước, phía cánh đồng lau. Vô cùng bất ngờ, lúc đó bỗng dưng trời đầy mây chớp nhoáng, khi đặt xong máy và dàn cảnh thì tự nhiên mây biến mất, nắng chiếu lên cánh đồng lau ấy. Không hiểu từ đâu đàn chuồn chuồn bay ra rất nhiều. Tôi chỉ kịp hô cậu trợ lý thay cho cái ống kính và không còn kịp chờ gì hết, tất cả công việc lúc đấy chỉ là đo sáng rất nhanh và bấm máy. Tôi bấm khoảng 5, 6 cảnh liên tục. Sau khi về nhà dựng vào thấy vô cùng hấp dẫn, vô cùng xúc động.

- Có vẻ như cảnh quay đó là một món quà trời ban?

- Quả thật nhiều cảnh quay ở trong phim không hề mất công và nhiều khi cũng cần đến sự may mắn lắm. Có những cảnh không cứ là mình đầu tư quá nhiều chất xám nhưng nó cũng vô cùng hấp dẫn. Nó làm cho cả đoạn phim trở nên xúc động bằng một cái nhanh nhạy và mình nhìn thấy nó hiện ra ngay trước mắt thì phải chộp lấy ngay, nếu không chỉ trong vòng 7 phút là cái cảnh đó lập tức biến mất không bao giờ trở lại nữa. Cảnh quay đó đã làm tôi rất hồi hộp. Cánh đồng lau, đàn chuồn chuồn đẹp như mơ… không thể nào dàn dựng được, chỉ có thể là thiên nhiên tuyệt đẹp. Có thể nói đây là một trong những cảnh quay đẹp nhất làm nên thành công cho bộ phim.

- Một điều không thể không nhắc tới là trong “Bi, đừng sợ” có rất nhiều cảnh quay về sex, về nhục dục. Anh có run tay khi bấm máy?

- Không. Tôi không hề run tay mà chỉ cảm thấy rất hồi hộp. Tất cả những cảnh này, bọn tôi đã làm việc kỹ lưỡng với diễn viên rồi. Trước khi quay, tôi có đặt ra với mọi người câu hỏi: Máy sẽ đặt ở vị trí như thế này thì diễn viên có cảm giác thoải mái hay không? Các diễn viên bảo tùy tôi quyết định. Mình và diễn viên đã tạo ra một sự thân thiện cho nhau, để diễn viên hiểu và biết rằng mình không làm điều gì giấu họ cả. Mình sẵn sàng cho họ xem để họ thấy có cần can thiệp gì không. Chính các diễn viên cũng rất thoải mái trong các cảnh quay này chứ không có chút ngại ngần gì. Theo tôi, ở đây không có gì là phản cảm hay lố lăng cả!

- Với dòng phim truyền hình thì những cảnh tương tự là của hiếm!

- Tất nhiên! Phim truyền hình thì không được phép bởi vì nó phát sóng trên tất cả các kênh của nhà nước. Vì "Bi, đừng sợ" là phim nhựa chiếu rạp với lại nặng về nghệ thuật nên nó phải khác hơn.
 

Nhà quay phim Phạm Quang Minh (trái), đạo diễn Phan Đăng Di (giữa) và các diễn viên trong "Bi, đừng sợ"
Nhà quay phim Phạm Quang Minh (trái), đạo diễn Phan Đăng Di (giữa) và các diễn viên trong "Bi, đừng sợ"

- Rất nhiều cảnh quay, thước phim trong “Bi, đừng sợ” đã làm cho cả êkip muốn rơi nước mắt nhưng sau 3 lần kiểm duyệt, khi đến với khán giả lại không còn nữa. Anh có lấy làm buồn vì điều này?

- Buồn chứ! Rất buồn vì cả bộ phim chỉ có 90 phút, cả đoàn làm phim đã phải chắt chiu từng li từng tí một, biết bao nhiêu mồ hôi công sức đổ ra, đến lúc công chiếu lại bị cắt. Nhưng đây là về vấn đề xã hội, về vấn đề kiểm duyệt và nhiều vấn đề khác nữa… Với dòng phim nghệ thuật thì chắc chắn họ sẽ phải khắt khe với mình rồi, chứ không thể cho mình thoải mái được. (Cười).

- Nếu là một “Bi, đừng sợ” hoàn chỉnh như những gì vốn có trước đó chắc hẳn sẽ khác với “Bi, đừng sợ” như mọi người biết tới?

- Tất nhiên rồi! Nhiều người cũng đã xem được bản full của “Bi, đừng sợ” bằng DVD. Chắc họ sẽ hiểu được nỗi vất vả và sự đầu tư của cả đoàn loàn phim như thế nào.

Quyết sống chết với nghề quay phim

 
Cảnh trong phim "Bi, đừng sợ"
Cảnh trong phim "Bi, đừng sợ"
 

- Hơn chục năm làm phim truyền hình, bỗng chốc với bộ phim truyện nhựa đầu tay đem đến cho anh hai giải thưởng quốc tế quan trọng, được nhiều người biết đến. Chắc chắn sau thành công của “Bi, đừng sợ”, anh sẽ tiếp tục cầm máy cho dòng phim nhựa vốn nặng tính nghệ thuật nhưng lại khó nhằn?

- Tất nhiên rồi! Nhưng tôi vẫn sẽ không rời công việc đang làm ở Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC).

Tôi thuộc biên chế chính thức của VFC, vẫn phải đảm bảo định mức phim hàng năm nên sắp tới tôi sẽ quay tiếp một phim nữa, còn những phim ngoài là làm thêm. Và tất nhiên là phải xin phép sếp. (Cười).

- Và Phan Đăng Di là một người bạn, một đạo diễn, một đối tác hợp ý?

- Rất tốt, rất hợp ý! Suy nghĩ của Di và của tôi khá tương đồng. Sự đam mê của người này và người kia rất gần nhau, không bị chênh lệch hay khập khiễng.

- Trước thành công của một bộ phim, nhân vật mọi người biết đến nhiều nhất thường là diễn viên, sau đó là đạo diễn, thứ nữa là biên kịch… Có vẻ quay phim là cái tên cuối cùng. Anh có chạnh lòng khi làm “người trong bóng tối”?

- Không! Tôi không chạnh lòng hay buồn gì cả. Các bộ phim trên toàn thế giới cũng giống nhau thôi, đầu tiên phải nói tới kịch bản. Phải có một cái kịch bản tốt và hợp thời. Ví dụ như phim "Chủ tịch tỉnh" tung ra thời điểm này là rất hợp lý. Kịch bản tốt rất quan trọng, thứ đến là đạo diễn. Người đạo diễn chọn được một êkip để thực hiện đúng với kịch bản thì đã là thành công rồi, nếu được chọn được diễn viên, êkip làm phim xuất sắc nữa thì phim ‘miễn chê’ quá đi chứ.

 
Lần đầu tiên bấm máy ở dòng phim truyện nhựa, Phạm Quang Minh đã góp phần làm nên những thành công vang dội cho "Bi, đừng sợ".
Lần đầu tiên bấm máy ở dòng phim truyện nhựa, Phạm Quang Minh đã góp phần làm nên những thành công vang dội cho "Bi, đừng sợ".
 

Tôi chưa hề có suy nghĩ rằng mình đứng đằng sau thì tủi thân. Không có gì là buồn cả mà còn thấy vui, thấy tự hào khi bộ phim mình bấm máy được khán giả đón nhận, yêu thích và đánh giá cao. Diễn viên họ diễn là chính, chuyển tải được những cái hay trong kịch bản còn mình là người đứng đằng sau để xem cái phim ấy ngay khi nó diễn ra và ghi lại từng khoảnh khắc.

- Nhưng một nhà quay phim, một người “tổ chức hình ảnh” cũng rất quan trọng, vì những gì khán giả nhìn thấy trên ti vi là do chính nhà quay phim làm ra?

- Đúng! Bởi vì sao? Bởi vì khi hoàn thành xong một bối cảnh, khi bắt đầu bấm máy, tất cả những gì tôi thấy hợp lý, thấy tốt thì sẽ đưa vào khuôn hình để khán giả thưởng thức và trải nghiệm. Người quay phim cũng quan trọng thật nhưng kịch bản, diễn viên và đạo diễn vẫn quan trọng hơn! (Cười).

- Để thực hiện được một cảnh quay đôi lúc phải làm đi làm lại hàng chục lần. Bấm máy là một nghề nhiều vất vả nhưng ít vinh quang, anh không thấy nản sao?

- Tôi chưa bao giờ cảm thấy nản. Mà khi càng bấm máy càng cảm thấy hứng thú bởi cái ‘nghề hình ảnh’ này rất lạ. Khi tổ chức, sắp xếp xong một khuôn hình thấy tất cả mọi thứ bắt đầu chạy thì mình thấy rất yêu nó. Một số người sau thời gian làm quay phim, họ đi học đạo diễn hay làm một nghề gì đó nhưng tôi sẽ quyết định sống chết với nghề này.

- Suốt 12 năm làm việc tại Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam anh vẫn là “người trong bóng tối”. Với phim truyện nhựa này, anh đã bước ra ánh sáng, vậy còn do dự gì nữa mà anh không quyết định chuyển hướng?

- Không! Hãng đã cho tôi cơ hội đầu tiên khi ra trường, cơ hội để được làm quen với guồng máy sản xuất phim. Tôi biết ơn VFC rất nhiều nên không bao giờ có ý định bỏ hãng, mặc dù đã có rất nhiều lời mời tốt đẹp đấy. Tôi chỉ chấp nhận một việc là sau khi làm đầy đủ định mức phim cho hãng xong đâu đấy thì sẽ tham gia các dự án phim cùng những người bạn thân, những người có kịch bản hay mà mình cảm thấy thích.

 
Một cảnh quay mang đậm chất nghệ thuật trong phim "Bi, đừng sợ".
Một cảnh quay mang đậm chất nghệ thuật trong phim "Bi, đừng sợ". 

- Rất nhiều phim truyện nhựa Việt Nam đã phải nhờ đến nhà quay phim nước ngoài như “Mùa len trâu” chẳng hạn. Có ý kiến cho rằng đội ngũ những nhà cầm máy Việt Nam không đủ tài và chưa đủ độ chuyên nghiệp cho dòng phim nghệ thuật?

- Khi Di mời bấm máy cho "Bi, đừng sợ", tôi  đã từ chối mấy lần vì sợ không kham nổi. Với phim nhựa là cả một vấn đề. Bên cạnh tiêu tốn rất nhiều tiền, khối lượng công việc quá khổng lồ, nếu hỏng một chút nào đấy thôi sẽ đổ đi tất cả. Để đạt được một sản phẩm đúng nghĩa ‘made in Việt Nam’ là rất khó. 

Cuối cùng tôi nghĩ mình đã được học đến đâu, đào tạo đến đâu và hiểu công việc của mình đến đâu thì sẽ làm như thế. Khi đọc xong kịch bản  "Bi, đừng sợ" cảm thấy rất thích nên tôi không còn e ngại nữa và ngay lập tức nhận lời. Về kỹ thuật thì  "Bi, đừng sợ" cũng giống phim truyền hình thôi. Vốn tôi được đào tạo chính quy về phim nhựa chứ không chỉ học mỗi phim truyền hình. Tôi tự tin rằng một khi đã yêu và thích nó rồi thì mình cũng có thể làm nên một sản phẩm đúng chất ‘made in Việt Nam’. (Cười).

- Những dự định sắp tới của anh?

- Sắp tới, tôi vẫn tiếp tục thực hiện một bộ phim nữa của hãng, có tên là "Đàn trời" cũng do chính đạo diễn phim Chủ tịch tỉch, anh Bùi Huy Thuần làm đạo diễn. Phim sẽ bấm máy vào cuối tháng 7 tới. Sau đấy tôi sẽ xin phép cơ quan đi làm phim "Đập cánh giữa không trung" của chị Hoàng Điệp, cũng là một bộ phim truyện nhựa độc lập. Sau đó tầm đầu năm 2012 tôi lại vào Nam cùng với Phan Đăng Di để bấm máy phim "Cha và con".

- Cảm ơn và chúc anh thành công với những bộ phim sắp tới!