Trượt tốt nghiệp nhưng vẫn đỗ đại học, có tréo ngoe không?

ANTĐ - Kỳ thi THPT quốc gia kết thúc cuối tuần trước về cơ bản được đánh giá là đã đáp ứng yêu cầu đổi mới của Bộ, đặc biệt là khâu ra đề và đáp án, khâu coi thi. 
Trượt tốt nghiệp nhưng vẫn đỗ đại học, có tréo ngoe không? ảnh 1

Dù vậy hiệu quả thực sự của việc đổi mới vẫn còn chờ, bởi điểm số của thí sinh, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học mới nói lên nhiều điều về chất lượng của kỳ thi này. Theo dự kiến thì ngày 20-7, các trường đại học chủ trì cụm thi sẽ công bố điểm; 5 ngày sau, các Sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả xét tốt nghiệp THPT. Trước ngày 1-8, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục sẽ xử lý dữ liệu, công bố điểm xét tuyển đầu vào. Sau đó, các trường ĐH, CĐ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển.

Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, cũng có nhiều người lo lắng đặt ra các giả thiết mà trước kỳ thi chúng ta không lường tới, chẳng hạn như việc khả năng sẽ có thí sinh đỗ đại học nhưng trượt tốt nghiệp thì sẽ phải làm thế nào. Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, bởi tình trạng học lệch vẫn còn phổ biến trong các trường THPT, có thể có những thí sinh đạt điểm cao ở các môn đăng ký thi thêm để xét tuyển các tổ hợp môn thi vào trường ĐH, CĐ, nhưng các môn thi để xét tốt nghiệp lại làm bài không tốt, bị điểm thấp, điểm liệt. 

Ngay sau khi có những giả thiết trên, đại diện Bộ GD-ĐT đã lên tiếng. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho rằng: “Những trường hợp như trên sẽ rất hy hữu và theo quy định, trong những trường hợp trên, các tổ hợp môn của các thí sinh dù đủ điểm vào đại học cũng không được công nhận bởi trên lý thuyết, các em đã trượt tốt nghiệp thì không đủ điều kiện để xét tuyển ĐH, CĐ”. 

Chuyện tưởng “tréo ngoe” mà thực ra cũng là điều bình thường,  cũng không phải một sự bất cập do kỳ thi theo phương pháp mới mang lại. Vì theo quy định ở bậc THPT muốn vào đại học phải có lượng kiến thức phổ thông làm nền, thể hiện ở điểm thi của các môn bắt buộc xét tốt nghiệp, nếu không đạt, đương nhiên thí sinh sẽ trượt tốt nghiệp và không được xét vào ĐH, CĐ.

Bởi lẽ, nếu điểm liệt các môn thi tốt nghiệp mà vẫn xét vào ĐH, CĐ thì việc tổ chức thi các môn tốt nghiệp là vô ích. Nếu như vậy sẽ chỉ cần tiến hành thi ĐH, cần gì thi tốt nghiệp, và đương nhiên sẽ làm tình trạng học lệch trầm trọng hơn, học sinh sẽ chỉ học những môn xác định thi ĐH. Điều quan trọng của một học sinh là phải nắm được kiến thức cơ sở, kiến thức phổ thông. Và vì vậy, quy định thí sinh sẽ không được học đại học nếu thi trượt tốt nghiệp chẳng phải điều gì “bất cập”.