Tri thức làm người - dạy xổi, mới nên nông nỗi

ANTĐ - Gần đây, những vụ việc bạo lực phản cảm xảy ra liên tiếp trong nhà trường, gây bức xúc, bàng hoàng dư luận. Để lý giải về hiện tượng xã hội đáng báo động này, PV ANTĐ có cuộc trao đổi với TS tâm lý Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội – Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng.

Tri thức làm người - dạy xổi, mới nên nông nỗi ảnh 1

Quản lý giáo dục còn lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng

Nữ sinh lớp 7 bị bạn trong lớp đánh hội đồng, phang ghế túi bụi tại một trường THCS ở tỉnh Trà Vinh nhưng sau 2 tháng nhà trường mới hay biết; một nữ sinh ở Phú Thọ cũng bị đánh đến nỗi một thời gian sau không nói được và phải nghỉ học 6 tháng… Đó quả là những câu chuyện bạo lực xót xa, đáng giận xảy ra trong lứa tuổi mới lớn và diễn ra ngay tại trường..

Theo TS tâm lý Nguyễn Tùng Lâm, tác hại của bạo lực trong nhà trường là rất lớn, nó không chỉ làm cho những đứa trẻ bị đánh bị tổn thương về thân thể mà kéo theo ảnh hưởng lâu dài về mặt tinh thần: trẻ cảm thấy tự ti với bạn bè, rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc bị sang chấn tâm lý nặng nề.

Trường hợp em Quyên Thị Phương Hà (học sinh Trường THPT Tử Đà, Phú Thọ) bị chấn thương tâm lý, đột nhiên bị câm 6 tháng nay là một ví dụ. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm: “Đối với các em sau khi là nạn nhân của bạo hành trong trường hợp này, nhà trường và gia đình cần phải mời chuyên gia tâm lý để chữa trị, nhằm giải tỏa tâm lý cho em đó. Tôi nghĩ, quy chế của Bộ GD-ĐT nên có quy định về việc này. Còn những học sinh có hành vi đánh bạn cũng cần được giáo dục nghiêm, bởi nếu vi phạm nhiều lần thì nhân cách các em đã không còn chuẩn mực, méo mó rồi”.

Những vụ việc gần đây là cảnh báo rất rõ về hiệu quả giáo dục từ nhà trường, gia đình, xã hội đối với giới trẻ. Một trong những nguyên nhân chính của bạo lực trong nhà trường gia tăng là do  cách thức giáo dục, quản lý học sinh hiện nay đang có vấn đề. Những điều mong muốn tốt đẹp của bố mẹ, thầy cô chưa đến được với các em. Những giá trị bình an, yêu thương, tôn trọng, khoan dung, đoàn kết cũng như những kỹ năng sống: thương lượng, giao tiếp, thuyết phục đều không có trong tâm thức các em, huống hồ là chuyện được trang bị và biết rõ những kỹ năng đó để xử trí, vận dụng thế nào cho thích hợp. Bởi thế, hễ có tranh cãi, xung đột là các em dùng bạo lực để giải quyết.

“Tôi cho rằng, để xảy ra hiện tượng bạo lực trong khuôn viên nhà trường không chỉ thể hiện công tác giáo dục thiếu hiệu quả mà công tác quản lý học sinh còn lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ ngấm để bản thân các em có nhân cách chưa chuẩn phải thay đổi hành vi một cách tích cực; để rồi từ đây các học sinh khác mới được làm gương.

Bên cạnh đó, hiện nay những người có trách nhiệm làm công tác giáo dục đạo đức cho các em là giáo viên chủ nhiệm chưa được coi trọng, chọn lọc hoặc trả lương xứng đáng để họ chuyên tâm làm tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Môn giáo dục công dân vẫn là môn phụ trong tâm lý nhiều người.

Phải thừa nhận rằng, chúng ta đang chưa giáo dục đến nơi đến chốn những học sinh gây nên “bạo lực trong nhà trường”. Chúng ta đang coi nhẹ việc những em này phải chịu trách nhiệm với bản thân nhất là hành vi vi phạm pháp luật. Tôi không đồng tình với quan điểm đuổi học các em là xong. Mà quan trọng hơn, luật pháp phải có chế tài xử lý mạnh hơn, cụ thể là: giam giữ có thời hạn để giáo dục, phạt cải tạo lao động công ích đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Quá trình giáo dục thành công chính là làm sao để các em tự giáo dục, tự nhận thức và rút ra bài học cho bản thân”, vị hiệu trưởng này cho hay.

Tri thức làm người - dạy xổi, mới nên nông nỗi ảnh 2Hình ảnh phản cảm được cắt từ clip học sinh đánh hội đồng, phang ghế vào đầu nữ sinh trong lớp ở Trà Vinh

Nhà trường phải chủ động xin lỗi

Làm thế nào để học sinh thấy được tác hại của hành vi bạo hành gây ra và chịu trách nhiệm về hành vi ấy? Hiện nay, theo quy chế, ngoài kiểm điểm, kỷ luật, hình phạt cao nhất là đuổi học 1 năm đối với học sinh. Nhưng theo TS Nguyễn Tùng Lâm thì luật cũng cần phải sửa đổi, quy chế cần sát thực hơn, đồng thời cần quy định rõ trong luật phạt hành chính đối với bố mẹ, được phép giáo dục cải tạo học sinh.

“Các nước quy định rất nghiêm về vấn đề này. Ví dụ, nước Anh đã có cả Hiệp hội Chống bắt nạt trong trường học; Châu Âu có cả “Hiến chương Châu Âu vì trường học dân chủ không có bạo lực”. Và một điều rất hệ trọng về ứng xử là, khi để xảy bạo lực trong nhà trường thì lãnh đạo nhà trường đều phải chịu trách nhiệm tùy theo mức độ. Bởi, điều đó chứng tỏ hiệu quả giáo dục của trường đó kém, tổ chức quản lý lỏng lẻo, mới dẫn đến học sinh có hành vi như vậy. TS Nguyễn Tùng Lâm bức xúc. 

“Tôi không tin là giáo viên chủ nhiệm, cán bộ nhà trường trong Trà Vinh sau 2 tháng mới biết sự việc nhóm học sinh lớp 7 khóa cửa và đánh dã man một bạn trong lớp. Và sau khi vụ việc xảy ra, tôi nghĩ hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm của trường phải xin lỗi cha mẹ học sinh, đồng thời chăm sóc tâm lý cho em học sinh bị đánh”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Là một hiệu trưởng trường dân lập nổi tiếng có nhiều học sinh cá biệt, nhưng TS.Nguyễn Tùng Lâm luôn có phương pháp giáo dục đặc biệt để đưa các em vào khuôn phép. Ông cho biết, trong trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ban giám hiệu có hệ thống quản lý rất chặt chẽ từ giám thị, bảo vệ, thầy cô, nắm chắc tình hình nội bộ từng lớp… Giám thị một tiết đi tuần mấy lần và trực ở chỗ đông học sinh nhất trong giờ ra chơi để phản ứng nhanh, giải quyết nhanh nếu có sự cố xung đột xảy ra.

“Trong trường hợp có kẻ xấu mang dao, gậy gộc đến, chúng tôi lập tức mời lực lượng công an để xử lý, giải tỏa ngay. Nếu sự cố học sinh đánh nhau trong trường, nhà trường xin lỗi phụ huynh và trực tiếp tham gia giải quyết hậu quả. Gia đình em đánh bạn phải chịu trách nhiệm, phí tổn đối với bạn bị đánh. Tâm lý học sinh lứa tuổi này dễ xung đột, nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ xảy ra sự cố đáng tiếc. Để không nảy sinh mâu thuẫn âm ỉ, lâu dài, chúng tôi giải quyết những hiện tượng tiềm ẩn va chạm, bạo lực bằng cách cho học sinh chuyển lớp hoặc chuyển cơ sở khác, đồng thời phân công các em khác, lập tổ theo dõi, giúp đỡ từng học sinh cá biệt”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Cần thay đổi cách nghĩ 

Góp ý về chương trình giảng dạy hiện nay, TS. Nguyễn Tùng Lâm với cương vị là hiệu trưởng của một trường phổ thông nói rằng, hiện chúng ta đang coi trọng việc dạy kiến thức hơn dạy làm người. Chương trình bộ môn văn hóa đã kín thời gian, giờ đạo đức chỉ trông vào 1 tiết giáo dục công dân, 1 tiết sinh hoạt lớp, còn muốn giáo dục gì thêm lại phải tổ chức ngoại khóa. Trong khi, chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp thì Bộ GD-ĐT cũng đã phân kín cho cả một năm học. 

TS Nguyễn Tùng Lâm dẫn chứng đồng thời chỉ rõ: “Bộ GD-ĐT bố trí dạy quân sự lên 2 tiết/tuần, có cả biên chế cho các giáo viên quân sự nhưng còn cán bộ Tâm lý học đường, thời gian dạy kỹ năng sống “dạy người” của mỗi trường thì không có. Nếu chỉ kêu ca và đổ lỗi cho nhau thì tình trạng bạo lực trong nhà trường chắc chẳng bao giờ giải quyết được. “Tôi cho rằng, chúng ta phải thay đổi cách nghĩ để tìm ra cách làm hợp lý, mạnh dạn, đồng bộ”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, đồng thời ông có kiến nghị Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng phải bổ sung khi trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi bạo lực thì phải chịu trách nhiệm, phải phạt như thế nào….