Tăng học phí: Sinh viên than nhiều, nhà trường lo thiếu

ANTĐ - Học phí đại học công lập áp dụng từ tháng 12-2015 sẽ tăng từ 600.000 đến gần 1 triệu đồng/tháng. Trong khi phụ huynh hết sức lo lắng vì một năm học của con em tốn thêm 7 triệu đồng thì nhà trường vẫn lo tìm thêm nguồn thu vì mức tăng học phí không đủ tái đầu tư.
Tăng học phí: Sinh viên than nhiều, nhà trường lo thiếu ảnh 1

Học phí tăng khiến sinh viên và nhà trường đều lo lắng

Học phí chiếm 1/3 thu nhập 

Sinh viên ĐH Công đoàn Nguyễn Hương Thu cho biết: “Để em đóng học phí một năm học đại học, bố mẹ phải bỏ ra số tiền bằng 1/3 thu nhập gia đình mỗi năm. Với mức tăng học phí trung bình 10% mỗi năm, gánh nặng cho gia đình lại tăng thêm trong khi ruộng đất không thể phình ra, thóc cũng không thể thu thêm”. Đây là chưa kể, ngoài học phí, chi phí sinh hoạt cho một sinh viên phải tốn thêm từ 2-3 triệu đồng/tháng nếu tiết kiệm, dù có được vay tín dụng học sinh, sinh viên lên (1,1 triệu đồng/tháng) thì số tiền này mới chỉ nhiều hơn học phí vài trăm nghìn đồng. 

Sinh viên Nguyễn Văn Nam, ĐH Dược Hà Nội cho biết, thi đỗ vào đại học là niềm tự hào nhưng gia đình rất lo vì học phí của khối ngành Y dược luôn cao nhất. Học phí năm học này của Nam là 8,8 triệu đồng và đến năm cuối ra trường, học phí sẽ là 13 triệu đồng/năm học. “Chi phí ăn học ngành dược trội lên mấy lần so với ngành khác. Vay ngân hàng cũng không đủ để chi trả nên anh của tôi đã quyết định không vào học ngành y…” - Nguyễn Văn Nam chia sẻ.

Với mức trần học phí mới vừa được Chính phủ phê duyệt, học phí của ngành Y dược đến năm 2021 sẽ là 14,3 triệu đồng/năm học. Nếu chỉ trông vào thu nhập từ mấy sào lúa thì rõ ràng, cơ hội học tập của con em nông dân là khá bấp bênh. 

Nhìn nhận việc tăng học phí là tất yếu, Nguyễn Hương Thu cho rằng, để hỗ trợ sinh viên thích ứng với mức tăng học phí, Nhà nước nên nâng mức tín dụng học sinh, sinh viên lên 2 triệu đồng/tháng, thay vì mức 1,1 triệu đồng như hiện nay. Theo đó, sinh viên mới có thể vừa bảo đảm chi phí học tập, sinh hoạt. 

Tăng học phí, trường dùng làm gì?

Mức tăng 10% học phí đối với các trường là một khoản thu đáng kể, bổ sung cho các chi phí ngày một tăng vì nhu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy. “Tăng học phí là bài toán đòi hỏi dung hòa quyền lợi của sinh viên và nhà trường. Với mức tăng này, nhà trường cũng chỉ đỡ được một phần chi phí chứ chưa thể giải quyết mọi khó khăn” - ông Đỗ Hồng Cường, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết.

“Không có tiền thì không thể nâng cao chất lượng đào tạo. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên. Tăng học phí là cần thiết nhưng đồng thời cũng phải tăng cường cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho các em” - ông Cường đề xuất. Hiện nay, ĐH Thủ đô Hà Nội đang đề xuất UBND TP xem xét hỗ trợ bù kinh phí đào tạo cho mỗi sinh viên bởi học phí không đủ chi trả. 

Trả lời câu hỏi “khi học phí tăng, kinh phí thu được sẽ được đầu tư vào đâu”, ông Cường cho biết, kế hoạch của trường là tập trung đầu tư cho đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, có thể chia làm nhiều giai đoạn để đầu tư vào cơ sở vật chất. 

“Tăng học phí phải tính đến khả năng tài chính của sinh viên và gia đình các em nên trường ĐH Hà Nội không thể áp mức trần học phí. Năm học 2015-2016, trường thu học phí theo 3 mức: 15 - 12 và 8 triệu đồng” - ông Bùi Kim Cương, Trưởng phòng Tài chính kế toán, ĐH Hà Nội cho biết. “Mức tăng này chưa đáp ứng được hết chi phí của một trường đại học tự chủ toàn phần. Chúng tôi vẫn phải dùng kinh phí từ các ngành liên kết đào tạo, các khóa ngắn hạn để chia sẻ với các ngành có mức học phí thấp” - ông Bùi Kim Cương nói. 

Thời điểm này, ý kiến phản ánh từ nhiều trường ĐH cho thấy, mặc dù yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo là chính đáng song không dễ gì có được kết quả vững chắc chỉ sau 1-2 năm tăng học phí. Rõ ràng, để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học, cần có nhiều giải pháp đồng bộ chứ không thể chỉ trông đợi vào nguồn thu từ học phí.