Từ 1-8, chính thức tựu trường chuẩn bị năm học mới

Siết chặt dạy thêm

ANTĐ - Sau 2 tháng nghỉ hè, ngày 1-8, hàng loạt các trường chính thức tựu trường chuẩn bị vào năm học mới. Một trong những điểm nhấn năm học này là việc siết lại tình trạng dạy thêm học thêm ở các tỉnh, thành phố lớn. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương triển khai các chương trình, mô hình dạy học mới phù hợp theo điều kiện từng nơi.

Không bớt xén để học hè, dạy trước

Trước khi hơn 20 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới 2016 - 2017, phần lớn học sinh đã có một kỳ nghỉ thực chất thay vì bị bớt xén để học thêm, dạy thêm dưới nhiều hình thức biến tướng. Từ yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đến nay các địa phương cả nước đã công bố kế hoạch năm học mới với yêu cầu đầu tiên là không tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường học vào thời gian nghỉ hè của học sinh. 

Tại Hà Nội, theo quy định của Sở GD-ĐT, các trường bị nghiêm cấm tựu trường trái với quy định, tổ chức dạy trước chương trình của năm học 2016 - 2017 và tổ chức ôn tập, luyện thi, thi, kiểm tra khảo sát để xếp học sinh vào lớp chọn đối với các lớp tuyển sinh đầu cấp. Mặc dù trước đó, một số trường dân lập như THPT Lương Thế Vinh, Marie Curie, Nguyễn Tất Thành… đã bắt đầu tập trung học sinh đến trường từ tháng 7 theo thông lệ từ các năm học trước nhưng đều đã phải điều chỉnh lịch học theo quy định chung.

Chị Mai Quý Lan, phụ huynh học sinh một trường THCS tại quận Đống Đa cho biết: “Trước ngày 15-7, giáo viên trường con chị theo học có thông báo cho phụ huynh chuẩn bị cho con em đến trường học hè từ ngày 15-7 như hàng năm vẫn tiến hành. Tuy nhiên, sau vài ngày, trường này đã thông báo không tổ chức học hè trước ngày 1-8”. Tuy rằng vẫn còn một số trường dân lập vẫn cố tình yêu cầu học sinh đi học sớm và lác đác có trường công lập vẫn định mở các lớp học hè trước thời điểm quy định nhưng theo ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Sở đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm cũng như kế hoạch tựu trường. Nếu có phản ánh về trường hợp thực hiện sai quy định, Sở GD-ĐT sẽ xử lý nghiêm khắc. 

Được biết, bắt đầu từ ngày 1-8, các trường phổ thông ở Hà Nội sẽ bắt đầu các hoạt động học hè, ôn tập văn hóa hoặc tựu trường chính thức. Riêng với bậc Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội quy định không dạy thêm nhưng một số trường vẫn có thông báo với phụ huynh học sinh có nhu cầu vẫn có thể đưa con đến trường để ôn tập hè. Còn với các trường dân lập, ngày 1-8 cũng là ngày chính thức vào năm học mới. Sau 2 tháng nghỉ hè, Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh trường THCS Alpha cho biết: “Em rất náo nức khi được đến trường và thực tế đã có một tuần định hướng, làm quen với thầy cô, tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động tập thể để có tâm thế khởi động tốt nhất cho năm học mới từ ngày 1-8”.

Hà Nội chỉ cấm dạy thêm trái quy định

Tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã tuyên bố, địa phương này sẽ chấm dứt dạy thêm, học thêm ngay trong năm học mới này. Cũng ngay từ trong hè, những trường đã “trót” thu tiền học thêm của học sinh đều buộc phải thông báo trả lại và không tiến hành dạy thêm trong hè theo đúng yêu cầu của Sở GD-ĐT TP.HCM. Còn tại Hà Nội, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hoàng Cơ Chính cho biết, việc cấm dạy thêm, học thêm chưa được cụ thể hóa trong văn bản nào nên Hà Nội chỉ tập trung quản lý sao cho hoạt động này thực hiện theo đúng quy định của ngành và thành phố. 

Mới đây nhất, ngày 27-7, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các Phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và các trường trực thuộc nhắc nhở tuân thủ 12 nguyên tắc cơ bản trong tổ chức dạy thêm, học thêm. Trong đó quy định, hoạt động dạy thêm, học thêm phải phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh về thời lượng, thời gian và khối lượng kiến thức. Không dạy thêm trước chương trình; không cắt giảm nội dung trong chương trình chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; nội dung dạy thêm không được quá sức tiếp thu của học sinh. Không xếp thời khóa biểu học thêm vào buổi học chính khóa hoặc giờ học tự chọn; số giờ học thêm không vượt quá số giờ học chính khóa trong ngày; mỗi học sinh không học thêm quá 5 môn học; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Sở cũng yêu cầu không được ép gia đình học sinh và học sinh học thêm; học sinh chỉ học thêm khi có nhu cầu, tự nguyện và được gia đình đồng ý. 

Đặc biệt, nhà trường không được tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa, học sinh trong cùng một lớp học thêm phải có học lực tương đương nhau. Giáo viên chủ nhiệm lớp căn cứ vào nguyện vọng học thêm của học sinh theo từng môn học và kết quả xếp loại học lực cuối năm hoặc cuối học kỳ của học sinh để xếp thành các nhóm báo cáo Hiệu trưởng nhà trường để bố trí, sắp xếp các lớp học thêm đảm bảo đúng quy định hiện hành.

Đối với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, Sở cũng quy định giáo viên đang dạy chính khóa không được phép dạy thêm học sinh lớp mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường tại các cơ sở đã được cấp phép hợp lệ. Đối với dạy học thêm ngoài nhà trường: Những cơ sở có từ 3 nhóm, lớp trở xuống (với số người học dưới 15 học sinh/nhóm, lớp) xin cấp phép hoạt động theo nhóm, lớp. Những cơ sở có trên 3 lớp làm hồ sơ thành lập Trung tâm bồi dưỡng văn hóa.

Sở GD-ĐT cũng đặc biệt nhắc các đơn vị áp dụng đúng mức thu tiền dạy thêm học thêm trong nhà trường được quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND ngày 25-6-2013 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, mức thu tiền học thêm cao nhất được áp dụng với học sinh cấp THPT là 32.000 đồng/học sinh/tiết (với số lượng dưới 10 học sinh/lớp). Nhà trường tổ chức thu tiền dạy thêm thông qua bộ phận tài vụ, giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu tiền dạy thêm, học thêm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Đổi mới giáo dục phải chủ động, tự nguyện 

Siết chặt dạy thêm ảnh 2

Chuẩn bị vào năm học 2016-2017, Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát công việc đã thực hiện năm học trước cùng những vướng mắc, tồn tại để khắc phục trong năm học này. Cụ thể, Bộ sẽ sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, tăng cường chỉ đạo, tránh thực hiện máy móc việc ghi chép nhận xét, giúp các cấp quản lý quy định hồ sơ hợp lý, khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử giúp giảm nhẹ sức lao động cho giáo viên để tập trung vào hoạt động chuyên môn. Việc triển khai cái mới sẽ không thể có được thành công ngay mà cần tìm hiểu nguyên nhân từ bản thân người triển khai thực hiện chưa quen, chưa tốt hay do mô hình đó chưa phù hợp. Nếu chỉ vì làm chưa quen, thấy khó khăn mà nói mô hình này, mô hình khác không làm được, thì rất nguy hại và không thể triển khai được cái gì mới, bởi cái mới nào khi triển khai cũng sẽ có khó khăn ban đầu. Nhiều địa phương cho rằng, do lực cản từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên rất khó khăn khi triển khai vấn đề mới tuy nhiên không có nghĩa là cứ phải đủ các điều kiện này mới có thể triển khai được cái mới. Khi triển khai cái mới cần phải phát huy tính chủ động, tự nguyện, sự tham gia tích cực của những người tích cực. Những người dù giỏi nhưng không tự nguyện, làm một cách ép buộc cũng khó có thể thành công. 

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ: Hà Nội giải quyết cơ chế trường chất lượng cao

Siết chặt dạy thêm ảnh 3

Năm học này là năm thứ ba ngành Giáo dục áp dụng Luật Thủ đô với những quy định đặc thù tạo thuận lợi để giáo dục - đào tạo Thủ đô phát triển bền vững, trong đó có những chính sách phát triển để học sinh Thủ đô được học ở các ngôi trường ngang tầm khu vực về mọi mặt qua mô hình trường chất lượng cao bên cạnh 52,7% số trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trên cả nước ban hành tiêu chí trường chất lượng cao và đang nhân rộng mô hình này ở các cấp học. Để xây dựng một ngôi trường từ cũ thành mới và đẹp, Hà Nội chỉ cần đầu tư một dự án nhưng để xây dựng uy tín của nhà trường thì cần một hành trình dài. Trường chất lượng cao được hình thành trên cơ sở chiếm được uy tín của người dân nên không thể đòi hỏi tốc độ phải hình thành ngay. Sự khác biệt của trường chất lượng cao dựa trên 5 tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, dịch vụ giáo dục, chương trình dạy học… Năm học 2016-2017, Hà Nội sẽ rà soát lại khung chương trình chất lượng cao với mục tiêu đào tạo công dân tiếp cận thế giới. Sở cũng sẽ đề xuất điều chỉnh cơ chế chính sách về tuyển dụng, quỹ đất… để tháo gỡ những khó khăn mà một số trường vướng phải trong quá trình phấn đấu được công nhận chất lượng cao.