Sao phải "nói thầm" vào tai thí sinh?!

ANTĐ - Trong tuần qua, chuyện Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố điểm thi trở thành đề tài nóng ở khắp mọi địa phương, bởi thông qua kết quả này sẽ đánh giá được chất lượng giáo dục nói chung, cũng như hiệu quả thực sự của việc đổi mới kỳ thi của Bộ. Tuy nhiên, việc lúng túng trong công bố điểm thi của Bộ đã khiến nhiều người hụt hẫng, cho rằng đây là một sự lạc hậu về công nghệ và đi lùi về tư duy quản lý. 
Sao phải "nói thầm" vào tai thí sinh?! ảnh 1

Đầu tiên là việc Bộ GD-ĐT cứ nằng nặc “ôm” gánh nặng công bố điểm thi cho tới phút chót mới phân về một số trường ĐH. Hậu quả là gần 2 giờ đồng hồ sau khi công bố điểm thi, hầu hết các website tra cứu điểm thi bị tê liệt. Ngay cả việc “khắc phục” bằng cách chia theo từng vùng miền địa lý để cập nhật dữ liệu và vận hành phần mềm hỗ trợ tìm kiếm để giúp thí sinh có thể đọc được điểm của mình cũng bị cho là một tư duy lạc hậu.

Có lẽ Bộ GD-ĐT quên mất rằng đối với internet, khoảng cách vùng miền địa lý đâu có quan trọng, quan trọng là sever phải đủ mạnh để phục vụ cho nhiều người truy cập cùng một lúc, thế nên chia đều theo các vùng miền thì có ý nghĩa gì. Kết quả là đến giờ G, hầu tất các website của các trường đại học đều không chịu nổi “sức công phá” của hàng trăm nghìn lượt truy cập. 

Nhưng điều mà nhiều người thắc mắc nhất, là việc tra cứu điểm thi như hiện tại, mỗi thí sinh sẽ chỉ biết điểm thi của chính mình mà không biết mặt bằng chung như thế nào, nhiều người ví von đây chẳng khác gì “nói thầm” vào tai từng thí sinh. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT thì cho rằng, việc công bố dữ liệu điểm của hơn 1 triệu thí sinh là không cần thiết vì ảnh hưởng tới bí mật cá nhân của từng em.

Hơn nữa, theo lý giải của Bộ, nếu công bố dữ liệu thô như vậy sẽ có một số trường sẽ dùng dữ liệu thô này để gửi giấy báo đối với những thí sinh không có nguyện vọng vào trường mình, điều này rất phản cảm. Cũng có thể có một số cá nhân lợi dụng việc công bố dữ liệu thô này với mục đích khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một kỳ thi đã được tổ chức thì kết quả phải được công khai là chuyện đương nhiên. Thí sinh cần được biết phổ điểm chung như thế nào, ít nhất là biết điểm của những người khác để có sự so sánh, chọn trường. Và cũng qua mặt bằng chung điểm thi, chúng ta mới đánh giá được trình độ của học sinh đến mức độ nào, cách ra đề thi, tổ chức thi, phân chia cụm thi theo chủ trương đổi mới năm nay đạt kết quả ra sao.

Những kỳ thi trước, sau khi có kết quả thi tất cả các trường tập trung tại hội trường của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để tập hợp dữ liệu điểm thi về Bộ. Ngay cả phóng viên báo chí cũng được tiếp cận và “xin” dữ liệu của các trường để cung cấp cho độc giả. Thậm chí, trước đây Bộ còn khuyến khích và coi việc công khai điểm thi cũng là một trong những giải pháp để chống tiêu cực thi cử. Rõ ràng, những sự thay đổi mà nguyên nhân chưa thuyết phục của Bộ GD-ĐT đã khiến không ít người hoang mang.