Rộ phong trào tự trồng rau sạch trong trường học

ANTĐ - Vườn rau xanh mướt nằm trong khuôn viên trường Tiểu học Lê Lợi, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội, từ mấy năm nay đã cung cấp rau cho bếp ăn hơn 1.000 học sinh của trường. Vườn rau này còn giúp giáo dục, nâng cao ý thức lao động, yêu thiên nhiên của học sinh trong trường.

Rộ phong trào tự trồng rau sạch trong trường học  ảnh 1

Đo lượng Natri trong rau tự trồng ở trường MN Hoa Hồng

Ban giám hiệu Từng bị “tuýt còi”

Cô Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi tâm sự, cách đây 3 năm, các thầy cô đã nghĩ tới việc tranh thủ “canh tác” vườn rau sạch tại các khoảng trống hay bãi cỏ trong trường. Các loại rau củ theo mùa như rau cải, su hào, bắp cải, súp lơ... được trồng xen lẫn tại những mảnh đất nhỏ trong trường. Từng luống đậu quả, cà chua, đậu Hà Lan đang vào độ thu hoạch. Khu vườn còn có những loại rau khá lạ như rau ngót Nhật Bản được giới thiệu là một loại rau nấu canh, rất ngon nhưng lại ít người biết đến.

Ngoài ra, còn có những loại rau từ các vùng miền khác được sưu tầm đưa vào vườn trường như cây rau dền chua, được mang về từ vùng núi Hòa Bình... Quy trình trồng rau của trường Lê Lợi tuyệt đối tuân thủ phương pháp trồng rau sạch, không dùng thuốc phun. "Các em học sinh chính là những "chú chim sâu" tích cực nhất. Sáng nào các em đến trường sớm cũng ra vườn rau bắt sâu”, cô Đỗ Thị Bạch Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường vui vẻ cho biết.

Mạnh dạn “chuyển đổi mô hình”, cô Hiệu trưởng Phan Thị Tâm cho biết: “Phụ huynh học sinh rất hào hứng với mô hình trồng rau sạch của trường nhưng ít người biết Ban giám hiệu nhà trường từng bị “tuýt còi” khi đoàn kiểm tra cơ sở vật chất của trường thắc mắc, yêu cầu giải thích về diện tích đất vốn được quy hoạch để trồng cỏ, cây cảnh sao lại biến thành vườn rau?".

“Trồng rau trong sân trường thì không thể cung cấp đủ cho nhu cầu hàng ngày của bếp ăn trong trường. Tuy nhiên, các em rất hào hứng mỗi khi đến vụ thu hoạch rau xanh do chính các em và thầy cô giáo chăm sóc hàng ngày. Với bữa ăn trưa được cải thiện bằng rau xanh do lớp phụ trách, các em ăn nhanh và khen ngon. Đây cũng là cơ sở để giáo viên tranh thủ giáo dục trẻ tích cực ăn rau, vốn là món ăn ít học sinh tiểu học thích thú”, cô Phạm Thị Tâm chia sẻ.

Nội thành khó triển khai

Mô hình trồng rau sạch trong thùng xốp ở trường Mầm non Hoa Hồng, quận Cầu Giấy được rất nhiều trường đến tham quan, học tập. Đây là một trong những trường công lập xây mới hiện đại với quy mô hơn 1.000 học sinh, được đầu tư toàn bộ sân thượng trồng rau. Dự án “Hoa Hồng xanh” đã hiện thực hóa ước mơ về một khu vườn rau xanh, không hóa chất, không thuốc bảo vệ thực vật của nhà trường. Hàng trăm thùng xốp được sắp xếp gọn gàng trên các giá đỡ và trên nền sân thượng. Dù là rau sạch do chính tay các cô và các bé trong trường gieo trồng, chăm sóc nhưng để đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định, Ban giám hiệu, kỹ thuật viên và bếp trưởng vẫn quyết định kiểm tra nồng độ Natri của rau bằng máy đo. Kết quả luôn đạt mức quy định về an toàn thực phẩm. 

Cô Nguyễn Lệ Thủy, Hiệu trưởng trường Mầm non Tuổi Hoa, quận Đống Đa cho biết, ngay sau khi có thông tin về Công ty Trung Thành cung cấp rau không rõ nguồn gốc cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận Tây Hồ, nhà trường đã gặp nhà cung cấp rau củ cho nhà trường để nhắc nhở, rà lại quy trình kiểm soát xem có được thực hiện đúng cam kết hay không. “Chúng tôi chỉ ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các công ty uy tín, có giấy phép và có thời gian hợp tác lâu năm với nhà trường. Tuy nhiên, việc nhắc nhở, rà soát lại quy trình giao nhận, kiểm soát chất lượng sản phẩm vẫn phải được hai bên tiến hành thường xuyên”, cô Thủy chia sẻ.

Về mô hình trồng rau sạch trong trường học, cô Thủy cho biết, nhà trường đã tham khảo mô hình của trường Mầm non Hoa Hồng và rất quan tâm dự án này. “Với diện tích đất hạn chế, kinh phí có hạn, việc triển khai dự án này không hề đơn giản. Rau sạch tự trồng dù không đáp ứng đủ nhu cầu ăn hàng ngày của các cháu nhưng cũng là một mô hình giáo dục tốt, đáng được nhân rộng nhằm xây dựng ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho giáo viên, phụ huynh và học sinh”, cô Thủy nói.

Cần giúp trẻ em nhận biết lợi ích thực phẩm sạch 

Phần lớn học sinh không biết về lợi ích của các thực phẩm mà các em ăn hàng ngày. Các em chỉ thích những món ăn yêu thích như thịt, bơ sữa, bánh kẹo và không ăn đa dạng thực phẩm, lười  ăn rau, hoa quả… Thực tế, việc trẻ em, nhất là trẻ em thành thị bị thừa cân béo phì là do chế độ ăn uống thừa năng lượng nhưng thiếu vi chất, khoáng chất có lợi cho sức khỏe, trong đó có các vi chất từ các thực phẩm rau xanh, hoa quả.

Chúng tôi hy vọng cải thiện được vấn đề này thông qua việc triển khai chương trình “Ba phút thay đổi nhận thức” thực hiện vào mỗi bữa ăn bán trú trong trường nhằm đưa ra thông tin về thực phẩm trong thực đơn hôm đó, giúp các em hiểu được tác dụng cũng như hứng thú thưởng thức bữa ăn.

Việc giáo dục các em ý thức về những phực phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe trong trường học rất cần triển khai sớm. Có nhiều hình thức giúp học sinh ý thức được việc này và hiện nhiều trường học đang tích cực tích hợp ngay trong các buổi ngoại khóa, lao động, trồng cây, rau xanh và trong các bữa ăn hàng ngày.

PGS.BS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia

Học sinh cần lao động bên cạnh học tập

Đối với các trường ở vùng nông thôn, miền núi, việc học sinh được lao động song song với học tập là điều tất yếu vì đời sống kinh tế ở đây còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chính vì phải làm việc, các em sẽ có điều kiện tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, môi trường, vừa giúp nâng cao kiến thức thực tế vừa cải thiện sức khỏe. Học sinh thành phố có phần thiệt hại hơn vì các em ít có điều kiện tiếp cận với lao động bên cạnh việc học tập.

Trước đây, trong các trường học đều yêu cầu phải có vườn thực hành để hỗ trợ các em trong việc thực hành quy trình trồng, chăm sóc cây cối, vốn là kiến thức trong các môn sinh học, địa lý, kỹ thuật... Tuy nhiên, do diện tích đất ít, số lượng học sinh đông, phần lớn các trường nội thành không còn duy trì mô hình vườn thực hành.

Điều này cần khắc phục bằng các hình thức khác để giúp học sinh xây dựng ý thức lao động, tăng cường thực hành, hiểu biết qua thực tế quan sát, làm việc. 

Cô Tạ Thị Hương, giáo viên tỉnh Bắc Giang