Quy định mới về ngày khai giảng: Trẻ không còn phải "diễn"

ANTĐ - Nhiều chuyên gia giáo dục đã bày tỏ sự ủng hộ khi Bộ GD-ĐT thống nhất ngày khai giảng trên toàn quốc. Sẽ không còn tình trạng bị buộc phải tập dượt, đợi chờ mệt mỏi của học sinh, và ngày khai giảng sẽ là ngày hội thực sự của thầy trò.
Quy định mới về ngày khai giảng: Trẻ không còn phải "diễn"  ảnh 1

Trẻ cần có niềm vui thật sự trong ngày khai giảng - Ảnh: PHÚ KHÁNH

Giảm thiểu tính hình thức

Đó là lời của TS Tâm lý Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng) về quy định mới của Bộ GD-ĐT. TS Nguyễn Tùng Lâm hoàn toàn ủng hộ yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là dành ngày khai giảng cho học trò chứ không phải cho người lớn. Quan khách, đại biểu chỉ là người chứng kiến, không nên bắt học sinh phải chờ đợi, đặc biệt là các cháu tiểu học, mầm non... "Đáng lẽ chúng ta nên làm từ lâu rồi, không nên hình thức quá làm gì", TS Tùng Lâm bày tỏ.

TS Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cũng không ít lần cùng dự ngày khai giảng của con với những bài diễn văn quá dài, những phút chờ đợi dưới nắng nóng mệt mỏi, những lời hứa suông... “Đó là những điều mà trẻ em không cần và chắc chắn chúng ta phải loại bỏ chúng ra khỏi buổi lễ khai giảng”, TS Vũ Thu Hương khẳng định.

Nhiều ý kiến còn so sánh, việc học sinh đứng chờ đợi, vẫy cờ hoa trong ngày khai giảng quá lâu giống như "diễn viên đóng kịch", nặng về hình thức và có phần "giả dối". Về điều này, TS. Vũ Thu Hương thẳng thắn: "Điều tôi vui mừng nhất là chúng ta đã thay đổi thực trạng hình thức đó để đứa trẻ được sống thật với cảm xúc của mình. Người lớn sống giả dối, hình thức và bắt trẻ phải sống trong môi trường đó chính là nguyên nhân lớn của việc suy thoái đạo đức giới trẻ. Một cái cây được sinh trưởng trong môi trường xấu sẽ không bao giờ phát triển bình thường và tốt đẹp được".

Theo TS Vũ Thu Hương, trẻ em chính là đối tượng, là chủ thể hoạt động trong nhà trường. Bao nhiêu năm qua, người lớn đã sử dụng bộ não của mình để nghĩ hộ và làm hộ các em. Như vậy, mọi thứ đều trở nên sai lệch và méo mó. Bây giờ, việc các trường cần làm là hỏi trực tiếp các em và từ các ý kiến thu nhận được, hãy làm một ngày khai giảng đúng nghĩa với những hoạt động mà các em thực sự vui thích. Điều đó sẽ giúp các em vui đến trường và cũng làm cho các giáo viên hiểu học sinh hơn.

Nên gọn nhẹ, súc tích, gây ấn tượng 

Bài toán đặt ra là nên tổ chức ngày khai giảng như thế nào là hợp lý? Đưa ra ý kiến về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương cho rằng một ngày hội đúng nghĩa không thể kéo dài quá vì nó sẽ làm cho người đến dự cảm thấy mệt mỏi và mất kiên nhẫn. Tháo gỡ bài toán này, TS. Nguyễn Tùng Lâm lấy ví dụ lễ khai giảng ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng.

Năm nay, lễ khai giảng của trường cũng chỉ diễn ra trong thời gian 1 tiếng đồng hồ theo truyền thống, với các phần: lễ dâng hương, đọc lời tuyên thệ, phát biểu của hiệu trưởng (không quá 5 phút) và chia sẻ của phụ huynh, cam kết của học sinh trước thềm năm học mới. Sau đó là trao học bổng, văn nghệ truyền thống như múa võ cờ lau, tập trận để ghi nhớ đến công lao của vị vua trường mang tên.

"Nên có một lễ khai giảng gọn nhẹ, súc tích, gây ấn tượng cho học trò. Tôi nghĩ, mỗi trường nên tạo ra nét truyền thống đậm chất của trường để học sinh ghi nhớ và tự hào. Sau đó, các em có thể về lớp để giáo viên chủ nhiệm dặn dò, thông báo... Tất nhiên, chúng ta nên giảm hết hình thức không cần thiết như tập dượt nhiều ngày, cả trường cầm cờ vẫy, học sinh đứng chờ dưới nắng, bài phát biểu dài dòng...", TS. Nguyễn Tùng Lâm đề nghị.