Nhân rộng mô hình giáo dục đại học định hướng ứng dụng

ANTĐ - 50 chương trình đào tạo đại học theo định hướng nghề nghiệp được triển khai với gần 5.000 sinh viên đã tốt nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường về lao động chất lượng cao. Đó là kết quả sau 10 năm, Bộ GD&ĐT thực hiện chương trình đào tạo đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE).

Tính đến tháng 10/2015, 50 chương trình thuộc dự án POHE đã được triển khai tại 8 trường đại học ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam với số sinh viên theo học 10.136 người, cơ cấu ở 4 ngành: nông lâm nghiệp, kỹ thuật và công nghệ, kinh tế và quản trị, giáo dục,…

Sinh viên trong một giờ học thực hành (nguồn: Internet)

Điểm nổi bật trong chương trình đào tạo này là giảng dạy và học tập gắn liền với thị trường lao động, năng lực nghề nghiệp của sinh viên là trọng tâm của quá trình đào tạo. Người học được trải nghiệm trong những môi trường chuyên nghiệp song song với việc học kiến thức trên lớp, cảm nhận sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, các kỹ năng xã hội và thái độ nghề nghiệp phù hợp, đồng thời, đưa đến cho sinh viên nhiều hơn những cơ hội việc làm thông qua các mối quan hệ với cơ quan, tổ chức trong quá trình học tập. Ngoài ra, POHE chính là cầu nối giúp doanh nghiệp có thể tìm kiếm đối tượng lao động phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình và đào tạo sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhằm đạt được mục tiêu nhân rộng mô hình đào tạo định hướng ứng dụng trong hệ thống, dự án POHE giai đoạn 2 đã xây dựng và 5 Trung tâm bồi dưỡng giảng viên POHE trên cả nước. Đây là những hạt nhân để hỗ trợ việc nhân rộng mô hình POHE trong hệ thống ngành giáo dục đại học.

Diễn đàn có sự tham gia của 150 đại biểu, đại diện các trường đại học, các cơ quan sử dụng lao động, cơ quan quản lý Nhà nước,...

Tại diễn đàn “Nhân rộng mô hình đào tạo đại học định hướng ứng dụng: Kết quả và kinh nghiệm từ Dự án POHE” được tổ chức ngày 25/11, các đại biểu đã cùng thảo luận về việc phát triển và nhân rộng chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng; Chính sách cấp trường trong phát triển mô hình đào tạo này; và mối quan hệ giữa chương trình với doanh nghiệp.