Lo môn Lịch sử bị "bỏ rơi"

ANTĐ - Hàng nghìn điểm 0 môn Lịch sử trong các kỳ thi quốc gia, cả một hội đồng thi chỉ có một thí sinh chọn Lịch sử hay việc học sinh nhầm lẫn Quang Trung, Nguyễn Huệ là hai anh em… là những cảnh báo nghiêm trọng về việc học Sử. Việc xếp môn này là môn tự chọn theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT càng làm dấy lên lo ngại rằng môn Lịch sử có thể bị “bỏ rơi”, thậm chí “khai tử”.

Lo môn Lịch sử bị "bỏ rơi"  ảnh 1“Nếu không thay đổi, dù có là môn bắt buộc thì cũng không thể bắt học sinh yêu và hiểu lịch sử” - TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích. Ảnh: THUẦN THƯ

Ở bậc THPT mới có môn Lịch sử

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ GD-ĐT công khai lấy ý kiến xã hội với quan điểm là hướng tới sự phát triển năng lực toàn diện của học sinh. Hệ thống các môn học được thiết kế tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới.

Điều này cho thấy, môn học Lịch sử và Địa lý chỉ tách thành môn học độc lập ở cấp THPT, còn cấp tiểu học và trung học cơ sở thì các môn này được lồng ghép vào môn học “Cuộc sống quanh ta” (các lớp 1, 2, 3), “Tìm hiểu xã hội” (các lớp 4, 5) và “Khoa học xã hội” (cấp trung học cơ sở). Ở bậc THPT, ngoài 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và Công dân với Tổ quốc thì học sinh được chọn 3 đến 4 môn tự chọn trong tổng số 11 môn. Lịch sử là 1 trong số 11 môn này. 

Với học sinh định hướng khoa học tự nhiên, các em sẽ không bắt buộc học Lịch sử ở bậc THPT mà chỉ học lồng ghép trong môn Khoa học xã hội và cũng chỉ học ở lớp 10 và 11.

Không thi thì có mấy người học?

Với quy định mới trong dự thảo này, GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam băn khoăn: “Học sinh đã chán môn Sử, mà trong chương trình mới lại cho tự chọn thì càng nguy hiểm. Vì vậy tôi đề nghị Sử là môn bắt buộc”. Nhiều giáo viên Lịch sử cũng lo ngại việc không đưa môn Sử thành môn học bắt buộc thì chẳng khác gì từng bước “khai tử” một môn học mà từ xưa được coi là môn cốt lõi, bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc và là một trong những môn học hiệu quả nhất góp phần hình thành nhân cách con người.

Một thực tế được các giáo viên khẳng định rằng, môn học này đang bị “bỏ rơi” khi học sinh được tự chọn các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua thay vì có thể rơi vào môn thi bắt buộc như những năm trước đó. Thầy Lê Đăng Thành, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dạy và học môn Lịch sử đã có chuyển biến nhưng chưa nhiều.

Nguyên nhân là do “đầu ra” đối với những sinh viên theo Lịch sử rất khó khăn. Điều này tác động đến nhận thức của gia đình, xã hội và người học. “Các em có thể yêu Lịch sử, thích học Lịch sử nhưng không lựa chọn theo môn này” - thầy Thành nói. 

Không thi thì không học khiến câu hỏi được đặt ra: Điều gì sẽ xảy ra nếu như các thế hệ trẻ người Việt trong tương lai gần không biết gì về lịch sử nước nhà, hoặc nếu biết thì cũng dừng lại ở những hiểu biết ngây ngô, lơ mơ, đại khái? 

Học cho “ngấm” chứ không phải học vẹt

Tuy nhiên, đặt ở góc độ khác, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng không phải cứ thi thì học mới tốt. “Như môn Ngoại ngữ, vì phải thi nên học sinh phải học nhưng lại chỉ học kiểu thi chứ không phải học thực chất. Vì vậy dù có được điểm cao nhưng lâu nay Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của học sinh, sinh viên Việt Nam vì không dùng để giao tiếp được.

Tương tự, môn Lịch sử là kiến thức nền tảng, phải được “ngấm” chứ không phải là học vẹt. Có thể không thi nhưng cách học phải thay đổi, để học sinh thể hiện chính kiến thay vì nhớ sự kiện. Nếu không thay đổi, dù có là môn bắt buộc thi cũng không thể bắt học sinh yêu và hiểu Lịch sử” - TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Nói về cách triển khai môn học này trong nhà trường theo cách hợp lý hơn, TS Nguyễn Tùng Lân gợi ý: “Với tầm quan trọng của môn Lịch sử, nên bố trí môn này theo cách học cuốn chiếu, đủ điểm thì mới được lên lớp như cách nhiều nước vẫn áp dụng. Tuy nhiên không nên trải dài cả 12 năm vì nên để học sinh tập trung vào những môn phù hợp định hướng nghề nghiệp, năng lực trong những năm cuối bậc THPT”.

Giáo viên L.T. Thanh, trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cũng cho rằng, nếu chương trình phổ thông mới thay đổi được cách dạy kiến thức lịch sử thay vì cách dạy và nội dung hiện nay thì dù có tích hợp cùng các môn học khác, không quy định là môn học bắt buộc, nhiều học sinh vẫn sẽ thích thú và chọn học Sử vì lợi ích và đam mê của chính mình.