Không chấm điểm học sinh tiểu học: Có tình trạng đối phó

ANTĐ - Khảo sát qua 1 năm thực hiện Thông tư 30 về đánh giá, nhận xét học sinh tiểu học thay vì cho điểm, một số giáo viên đánh giá chất lượng học tập của học sinh giảm sút… Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển không đồng ý với đánh giá này vì cho rằng chất lượng giáo dục không chỉ thể hiện qua điểm số. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận chưa lường hết khó khăn khi thực hiện đổi mới này.

Đánh giá bằng nhận xét chưa phát huy hiệu quả mong muốn

Không ít giáo viên bức xúc, phản ứng

Tổng kết năm đầu tiên thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, bà Lê Đoan Trang - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Thực nghiệm cho biết, giáo viên hoàn toàn ủng hộ nhưng thực tế đang phát sinh mâu thuẫn. Dù thích ứng tốt nhưng nhiều giáo viên lại nảy sinh tâm lý lười bám sát học sinh do không phải chấm điểm, đánh giá thường xuyên.

Phụ huynh cũng chia thành 2 phe, một bên vẫn theo sát tiến trình học tập con cái, một bên thì bỏ mặc, ít quan tâm vì không có điểm số báo cáo hàng ngày. Học sinh cũng chia theo 2 hướng, với những học sinh tích cực thì Thông tư 30 phát huy tác dụng tốt nhưng với học sinh chưa tự giác thì có tình trạng tụt lùi. “Đã xảy ra tình trạng phụ huynh đổ lỗi cho giáo viên khi kết quả kiểm tra cuối năm của học sinh chỉ đạt 1 điểm. Cả học kỳ, cô giáo vẫn gửi nhận xét tình hình học tập của con nhưng phụ huynh không hình dung hết vấn đề” - bà Lê Đoan Trang chia sẻ.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ  - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết, ông và cộng sự đã khảo sát thực tế 30 trường tiểu học ở 3 tỉnh, thành phố. Kết quả  cho thấy, nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc nhận xét kết quả học tập của học sinh vì thiếu kỹ năng diễn đạt.

“Ghi nhận xét chính xác khó hơn rất nhiều so với việc cho điểm số. Chính vì khó khăn đó mà một số giáo viên tìm cách đối phó (đưa ra các loại ký hiệu thay cho điểm số như: bông hoa, ngôi sao, mặt cười, mặt mếu…), nhiều giáo viên chỉ có lời nhận xét chung chung áp dụng cho nhiều học sinh như: “em học tốt”, “em cần cố gắng”,… mà không chỉ ra được tốt ở chỗ nào, cần cố gắng ở chỗ nào” – PGS.TS Vũ Trọng Rỹ dẫn chứng.

Cũng theo khảo sát này, không ít giáo viên bức xúc, phản ứng vì thực hiện Thông tư 30 khiến họ quá vất vả, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, có giáo viên cho rằng đánh giá theo Thông tư 30 không làm cho học sinh chăm học, cũng như không làm cho cha mẹ học sinh quan tâm hơn đến việc học tập của con cái. Giáo viên cũng không có động lực tích cực đổi mới phương pháp dạy học… dẫn đến tình trạng làm đối phó.

Chỉnh sửa phù hợp thực tế

Không chỉ giáo viên chưa thực sự đồng tình, nhiều nhà khoa học, quản lý giáo dục cũng cho rằng, Thông tư 30 dù là chủ trương đúng nhưng trong quá trình thực hiện nảy sinh nhiều khó khăn nên việc thực hiện phải có lộ trình, có tính liên thông, với định hướng rõ ràng, phù hợp thực tế. PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ cho rằng, Thông tư 30 thể hiện chủ trương đổi mới đánh giá học sinh có ý nghĩa nhân văn, phù hợp với xu thế giáo dục thế giới.

Tuy nhiên, một số quy định trong Thông tư 30 chưa phù hợp với thực tế Việt Nam nên thiếu tính khả thi, gây quá tải và chưa phù hợp với năng lực của số đông giáo viên. 

Trước những khó khăn trên, TS. Nguyễn Công Khanh – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, mọi sự đổi mới đều tạo ra phản ứng trái chiều. “Xếp loại, cho điểm là cách đánh giá dễ nhất nhưng lại chưa giúp học sinh tiểu học hiểu về bản thân còn thiếu gì, cần khắc phục như thế nào, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của các em. Hiện giáo viên kêu vất vả, vậy phải đặt câu hỏi tại sao thực hiện khó khăn? Làm sao cho giáo viên đỡ vất vả chứ không phải là phủ nhận Thông tư 30”. 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, Thông tư 30 còn nhiều hạn chế. Vấn đề vướng mắc là giáo viên chưa được đào tạo, chuẩn bị đầy đủ để thực hiện cách đánh giá mới thay vì chấm điểm như trước đây.

Xung quanh những hạn chế, bất ổn khi thực hiện Thông tư 30, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, Bộ GD-ĐT chưa lường hết khó khăn khi thực hiện đổi mới và Thông tư 30 đang trong quá trình chỉnh sửa. “Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nếu không bắt tay vào làm không thể biết khó ở đâu. Thấy được khó ở đâu để tháo gỡ và chỉnh sửa là điều mà Bộ GD-ĐT và giáo viên cần làm. Chúng tôi sẽ nghiêm túc lắng nghe, rút kinh nghiệm để chỉnh sửa hợp lý” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.