Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội: Lý giải vì sao bị coi là "ngoại đạo" với ngành y, dược

ANTĐ - Phản biện việc bị coi là "ngoại đạo" khi mở ngành y, dược, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội GS Trần Phương cho rằng, chỉ có ông là “ngoại đạo”, còn những người quản lý, giảng dạy của 2 khoa này đều là những người có thâm niên trong nghề. GS Trần Phương cũng khẳng định, mở ngành này không phải vì lợi nhuận, mà là vì nhu cầu xã hội cần chăm lo sức khỏe người dân tốt hơn.

Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội: Lý giải vì sao bị coi là  "ngoại đạo" với ngành y, dược ảnh 11 trong số 28 phòng thực hành y, dược của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

- PV: Việc mở ngành y, dược với một trường chuyên về kinh doanh và công nghệ khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng, thậm chí cho rằng mở ra chỉ vì lợi nhuận. Nhà trường nghĩ thế nào trước những ý kiến này, thưa Giáo sư?

- GS Trần Phương: Sau 16 năm hoạt động, trường đã mở 20 ngành và khi bàn mở thêm ngành gì đất nước cần thì chúng tôi thấy ngành y, dược vẫn đang cần bổ sung nhân lực. Hiện tỷ lệ bác sĩ quá thấp, chưa đến 8 bác sĩ/vạn dân, nước tiên tiến 40 bác sĩ/vạn dân; dược sĩ có 1,5/vạn dân. Trên 90% dược liệu nhập khẩu trong khi Việt Nam có 4.000 cây có thể làm dược liệu nhưng gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Động cơ mở ngành y, dược là muốn bổ khuyết vấn đề chăm lo sức khỏe người dân và khai thác nguồn dược liệu trong nước chứ không phải vì mục đích lợi nhuận.

Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội: Lý giải vì sao bị coi là  "ngoại đạo" với ngành y, dược ảnh 2

- Vậy một trường bị coi là “ngoại đạo” thì làm sao có thể đảm bảo chất lượng với chuyên ngành đặc thù, đòi hỏi cao như ngành y, dược, thưa Giáo sư?

- Với ngành y, dược, đúng là tôi và cả ban giám hiệu hiện nay là “ngoại đạo”. Nhưng nhìn vào các khoa thì không phải thế. Các khoa thực chất là trường con của một trường lớn. Với khoa y, dược, hiệu trưởng như tôi chỉ lo hậu cần, dạy như thế nào là việc của các trưởng khoa, là những vị có thâm niên trong nghề.

Chủ nhiệm Khoa Y là GS. TSKH Lê Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Các Phó chủ nhiệm khoa là PGS.TS Nguyễn Văn Tường, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội kiêm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế; GS.TS Phạm Vinh Quang, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện 103, Học viện Quân y. Chủ nhiệm Khoa Dược là PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế. Phó Chủ nhiệm khoa là TS Lê Ngọc Phan, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 2... Chúng tôi đã chuẩn bị việc mở ngành này gần 3 năm nay. Cuối năm 2015, khi trường chuẩn bị đầy đủ điều kiện mới báo cáo Bộ GD-ĐT. Bộ yêu cầu lập hội đồng thẩm định chương trình đào tạo, cơ sở vật chất. Trường đáp ứng yêu cầu thì mới được phép mở ngành.

- Với yêu cầu cao về chất lượng sinh viên ngành y, dược, có ý kiến cho rằng đầu vào không chuẩn thì đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, có thầy giỏi cũng không biến học sinh dốt thành học sinh giỏi. Trường sẽ giải quyết vấn đề đầu vào như thế nào?

- Tôi không coi nhẹ đầu vào nhưng đầu vào chỉ có tính tương đối và điều quyết định là quá trình đào tạo. 20 điểm đã có thể lọc được những học sinh nghiêm túc. Trong quá trình đào tạo 6 năm, để tốt nghiệp, sinh viên phải thi ít nhất 50-60 học phần. Chỉ cần một học phần chưa đỗ sẽ không được cấp bằng. Đầu ra kiểm soát 50-60 lần, khác với tốt nghiệp THPT. ĐH Y Hà Nội lấy đầu vào 27,5 điểm là vì chỉ tiêu chỉ có 500 trong khi có cả chục nghìn thí sinh dự thi. Thí sinh còn lại không dốt nhưng đã hết chỉ tiêu.

Với đầu vào như dự kiến của trường, chúng tôi sẽ tập trung coi trọng đầu ra theo đúng yêu cầu đào tạo đại học ngành y, dược. Ngoài ra, theo dự thảo Luật Dược, người hành nghề dược không phải có bằng là được làm mà phải có chứng chỉ hành nghề, tương tự như ngành y. Qua 5 năm xem xét cấp lại. Đây là rào cản về kỹ thuật với sự quản lý của cơ quan Nhà nước để sinh viên tốt nghiệp đạt chất lượng mới được tiếp xúc với bệnh nhân. 

-  Học phí ngành y, dược cao sẽ đem lại lợi nhuận không nhỏ, đây có phải là một trong những nguyên nhân mở ngành của trường?

- Chúng tôi chưa có kinh nghiệm tính học phí ngành này nên phải tham khảo các trường. Hiện ĐH Duy Tân lấy hơn 2 triệu đồng/tháng với ngành dược, ngành y là 5 triệu đồng/tháng. Ở Nhật, học phí ngành dược bằng 1,7 lần ngành kinh tế, ngành y lấy gấp đôi ngành dược. Học phí ngành dược ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thu 2,5 triệu đồng/tháng, so với ngành kinh tế gấp 1,7 lần. Để đào tạo một bác sĩ rất công phu, chi phí cao nên phải thu cao. Còn trường chúng tôi vẫn đang hoạt động phi lợi nhuận, chưa bao giờ chia lãi mà chỉ để tái đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng đào tạo.

Đang cần dược sĩ cho 30.000 nhà thuốc tư nhân

PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, quy hoạch nhân lực y tế, năm 2020 phải có 2,4 dược sĩ/vạn dân. Con số phải bổ sung 17.400 người, trung bình mỗi năm cần khoảng 3.500 dược sĩ. Nếu chỉ nhắm vào 3 trường ĐH Dược lớn thì không đủ vì mỗi năm chỉ tuyển khoảng 500.

Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến khích đào tạo y, dược ngoài công lập theo văn bản 16-3-2012 khi các trường công lập không đáp ứng đủ nhân lực. Thực tế cho thấy, 30.000 nhà thuốc tư nhân không có dược sĩ hướng dẫn hàng ngày. Như vậy, nước ta đang cần vài chục nghìn dược sĩ có mặt ở nhà thuốc để hướng dẫn người dân chứ không để thực trạng sử dụng thuốc tùy tiện như hiện  nay.