Giữ môn Lịch sử trong Chương trình, Sách giáo khoa mới: Trách nhiệm lớn cho con cháu mai sau

ANTĐ - Quốc hội đã chính thức yêu cầu Bộ GD-ĐT giữ môn Lịch sử trong chương trình, sách giáo khoa mới (CT-SGK). Đây được đánh giá là cơ hội nhưng đồng thời cũng là sức ép đối với nhà trường trong việc làm thế nào để học sinh yêu thích môn học này cũng như hiểu rõ về lịch sử hào hùng của dân tộc. 

Giữ môn Lịch sử trong Chương trình, Sách giáo khoa mới: Trách nhiệm lớn cho con cháu mai sau ảnh 1Học sinh sẽ yêu thích lịch sử nếu được tiếp cận từ nhiều hình thức học tập

Cần một cuộc cách mạng trong giảng dạy 

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Mai Hạnh, phụ huynh học sinh trường THCS Giảng Võ cho biết: “Tôi cũng là giáo viên phổ thông nên với kinh nghiệm thực tế, tôi rất lo lắng với ý tưởng tích hợp môn Lịch sử vào các môn học khác như dự kiến của Bộ GD-ĐT. Tích hợp là xu thế giáo dục hiện đại nhưng với điều kiện thực tế của nước ta, từ đào tạo tới tư duy với những khó khăn về kinh tế… giáo viên khó có thể ngay lập tức theo kịp yêu cầu này.  Trong khi đó, bản thân môn Lịch sử lâu nay chưa được coi trọng đúng với vị trí của nó, giờ đây lại còn tích hợp thì rất dễ bị hòa tan”.

Chị Mai Hạnh cũng cho biết, mặc dù môn Lịch sử không phải tích hợp vào các môn khác, nhưng nếu vẫn giữ nguyên cách dạy và học như hiện nay thì không hấp dẫn, khó nhớ với học sinh. Vấn đề đặt ra là tới đây SGK Lịch sử sẽ thay đổi theo hướng nào để học sinh tìm thấy hứng thú với môn học này.

Ths. Lê Thị Thu Hương, Giảng viên khoa Lịch sử trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho rằng, việc Quốc hội yêu cầu giữ lại môn Lịch sử là sự khẳng định vai trò, tầm quan trọng của môn học này. Vì vậy, đối với các nhà giáo dục, đây thực sự là áp lực lớn trong việc làm sao truyền tải môn học đến học sinh, sinh viên một cách hiệu quả nhất. “Người làm CT-SGK mới sẽ chịu áp lực phải làm sao để CT-SGK mới thực sự đổi mới, khắc phục những hạn chế của CT-SGK cũ. Tuy nhiên, làm cho học sinh yêu thích môn này hay ngược lại để Lịch sử trở thành môn học bị ngán ngẩm sẽ phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của giáo viên, những người trực tiếp đưa kiến thức đến cho học sinh. Tôi cho rằng sẽ phải có một cuộc cách mạng giảng dạy môn Lịch sử trong trường học” - Ths Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh. 

Đội ngũ trẻ sẽ tham gia viết sách

“Việc giữ lại môn Lịch sử mới là thành công bước đầu” - PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, ĐH Sư phạm Hà Nội bình luận - “Vấn đề khó khăn hơn chính là làm sao xây dựng CT-SGK mới thực sự hài hòa giữa yêu cầu kiến thức và tâm lý học sinh”. Lâu nay, vấn đề học sinh không quan tâm, không lựa chọn môn Lịch sử được quy cho việc Bộ GD-ĐT không bắt buộc phải thi Lịch sử, do nhu cầu công việc xã hội không liên quan đến môn Lịch sử.

Tuy nhiên, nếu từ nhà trường, học sinh được dạy Lịch sử từ những giáo viên yêu nghề, có phương pháp giảng dạy tốt, nội dung kiến thức phù hợp thì dù không thi cuối cấp, học sinh vẫn yêu, vẫn thích khi tiếp cận môn Sử.

“Chúng tôi có nhiều ý tưởng cho CT-SGK mới. Nếu được lựa chọn là người tham gia làm 

CT-SGK Lịch sử mới, tôi sẽ huy động đội ngũ giáo viên, giảng viên trẻ, có năng lực, trình độ chuyên môn cao cả về Lịch sử cũng như những kiến thức giảng dạy hiện đại. SGK mới phải thực sự đẹp, hấp dẫn, nhiều tư liệu, không nặng về kiến thức” - PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ chân thành bày tỏ. Được biết, định hướng CT-SGK mới đang bàn đến việc tích hợp môn Lịch sử - Địa lý ở bậc Tiểu học và đưa kiến thức 2 môn này dưới dạng câu chuyện và chủ đề.

Ví dụ như khi học về chủ đề “Đất nước tươi đẹp”, học sinh sẽ được học theo các bài tích hợp 2 môn này như đi thăm dòng sông Hồng, học sinh sẽ được học về những sự kiện lịch sử trên dòng sông này, những đặc điểm địa lý, văn hóa dọc sông Hồng, đồng thời đưa ra các cảm nhận của mình... Môn Lịch sử ở bậc THCS cũng được tích hợp kiến thức giữa trong nước và thế giới. “Trước đây học sinh phải học hết phần lịch sử cổ đại hay phong kiến thế giới rồi mới học đến những giai đoạn đó trong Lịch sử Việt Nam. Nay các giai đoạn này sẽ có hai phần thế giới và Việt Nam ngay trong mỗi bài học” - PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ chia sẻ. Đặc biệt ở bậc THPT, bộ môn Lịch sử cũng được định hướng theo các chủ đề bao gồm cả kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật.

Ngoài các phân khúc lịch sử từng giai đoạn cho lớp 10, 11, 12 thì có những chủ đề xuyên suốt các thời kỳ từ cổ đại tới hiện đại với các tên gọi hấp dẫn, dẫn dắt học sinh theo sự kiện từ quá khứ tới hiện tại như chiến tranh thế giới đến các cuộc khủng bố, bạo động hiện nay như vấn đề Trung Đông, khủng bố IS, sự kiện 11-9 ở Mỹ… “CT-SGK mới phải kèm theo phương pháp giảng dạy mới. Điều này vẫn phải đòi hỏi chính ở đội ngũ giáo viên và các trường sư phạm. Đây mới là những thách thức thực sự đối với môn Lịch sử” - PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh.

Nghệ sĩ ưu tú Trung Anh: Tất yếu không thể bỏ môn học Lịch sử

Lịch sử là môn học không thể tích hợp và càng không đưa vào làm môn học tự chọn. Nếu không coi trọng lịch sử thì người Việt Nam đã từ bỏ nguồn gốc của mình, từ bỏ những hiểu biết sơ đẳng về thăng trầm của đất nước, dân tộc mình. Với suy nghĩ như vậy, tôi không bất ngờ khi Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 đã yêu cầu giữ môn Lịch sử trong chương trình SGK mới, một quyết định sáng suốt và được dự đoán từ trước. 

Tất yếu không thể bỏ môn học Lịch sử, nhưng điều đáng nói, Bộ GD-ĐT lại đưa ra một dự thảo gây nên bất bình trong dư luận như vậy là không đáng. Không chỉ gây lãng phí, hao tổn chất xám của xã hội để tranh cãi một việc được coi như đương nhiên, dự thảo đề ra còn tạo nên hiệu ứng xã hội không đáng có và là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử giáo dục nước nhà.