Giáo viên mải đi thi, học sinh thiệt đủ đường

ANTĐ - Cứ đến thời điểm này trong năm, các trường lại tổ chức dự giờ, hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Trong khi yêu cầu đổi mới việc dạy và học đang được đặt ra với ngành giáo dục thì hoạt động này vẫn đang diễn ra theo lối mòn cũ, chạy theo hình thức, hệ quả là không những không phát huy được hiệu quả giảng dạy mà còn làm mòn tư duy của cả giáo viên và học sinh.

Giáo viên mải đi thi, học sinh thiệt đủ đường ảnh 1Học sinh cần được tự chủ tiếp thu kiến thức thay vì lặp đi lặp lại các giờ hội giảng

5 năm liền thi dạy giỏi vào một bài

“Con gái tôi kể: “Hôm nay lớp con lại được dự giờ tiết Ngữ văn mẹ ạ. Cô vừa dạy bài “Nói quá” hôm qua, hôm nay lại phải “diễn” lại. Cả lớp biết hết rồi mà cứ phải giả vờ chưa biết, chưa hiểu”. Bản thân là giáo viên, tôi rất hiểu nỗi khổ này của các con, nhưng giáo viên cũng là bất đắc dĩ bởi năm nào cũng vậy, giờ hội giảng cứ diễn ra vào thời điểm này thì giáo viên chỉ biết chia nhau vài tiết theo chương trình mà dạy chứ không thể tự chọn được” - cô Nguyễn Mai Trâm, giáo viên trường THCS Hồng Hà chia sẻ.

Nếu học sinh chỉ mất vài tiết học đi học lại một bài chuẩn bị cho kỳ thi giáo viên giỏi các cấp thì cô giáo còn  “đau khổ” hơn nhiều khi phải thi đi thi lại một bài suốt 4 - 5 năm. Có giáo viên vừa thi xong cấp trường, quay qua lo thi cấp cao hơn mà hình thức thi, thể thức thi giống nhau nên   học sinh trở thành đối tượng “thí nghiệm” bất đắc dĩ. “Giáo viên mệt mỏi tham gia các hội thi, học sinh mới là người chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Trong hàng tháng trời, các em ít được sự quan tâm của thầy cô giáo bộ môn của mình vì thầy cô còn phải chạy theo các yêu cầu của kỳ thi” - cô giáo Nguyễn Mai Trâm cho biết. Chính vì vậy mới dẫn tới tình trạng phụ huynh bức xúc khi thấy con mang hàng chục trang bài tập về nhà làm trong 2 ngày cuối tuần. Khi bố mẹ hỏi vì sao không chịu làm bài tập vào các ngày trong tuần thì con cho biết, cô quên không trả vở bài tập vì còn phải đi dự giờ nên con phải về làm bù…

Nhiều giáo viên cũng thừa nhận, việc cả trường đầu tư cho một vài giáo viên đại diện cho trường đi thi giáo viên giỏi các cấp diễn ra hàng năm. Tiết giảng đó, có thể có chất lượng hơn các tiết khác nhưng chỉ phục vụ nhu cầu “biểu diễn”, bởi  muốn có bài giảng chất lượng như vậy cần sự chuẩn bị kỹ, bao gồm cả đầu tư công nghệ thông tin, tư liệu phim ảnh…

Đổi mới ở tư duy, cách làm

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khi làm việc với Sở GD-ĐT Hà Nội về đổi phương pháp giảng dạy đã nhấn việc phải thay hình thức tổ chức dự giờ, hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi. “Mục đích dự giờ, hội giảng là để nâng cao chất lượng giảng dạy nhưng tôi biết, ở nhiều nơi lại biến tướng thành nơi để moi móc nhau, hạ bệ nhau”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh Thực tế, một số quận ở Hà Nội đã làm tốt việc đổi mới này. “Không theo các biện pháp thông thường của các tiết hội giảng, thi giáo viên giỏi, các trường ở Tây Hồ đều theo một chu trình đổi mới thực chất, đi sâu vào kỹ năng thực hành. Chúng tôi xây dựng các tiết dạy mẫu để bồi dưỡng và làm giáo cụ trực quan cho hàng trăm giáo viên các bộ môn. Thay vì đánh giá giáo viên ở tiết học đấy, chúng tôi đánh giá hiệu trưởng để thúc đẩy sự vào cuộc của toàn trường, từ cấp quản lý tới từng giáo viên bộ môn” - ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết.

Được biết, các tiết học mẫu đều được xây dựng theo xu hướng giáo dục hiện đại, để học sinh chủ động tổ chức tiếp nhận kiến thức, giáo viên chỉ giữ vai trò hướng dẫn. Ông Lê Hồng Vũ cho hay, có những tiết như Giáo dục công dân dạy về tình cảm gia đình, học sinh tự dựng các clip về bố mẹ, ông bà cảm động đến mức cả thầy và trò đều khóc. “Đây mới là cách đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục” - ông Lê Hồng Vũ khẳng định. 

Có thể thấy, cách làm mới, đáp ứng đúng yêu cầu chuyên môn dù ban đầu có khó khăn nhưng sẽ được ủng hộ. Việc chạy theo hình thức, không dám đổi mới như cách thi cử, hội giảng theo phương pháp cũ không những không phát huy được hiệu quả giảng dạy mà còn làm mòn tư duy của cả giáo viên và học sinh.