Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê: "Sẵn sàng tham gia để trả lại vị thế môn Sử"

ANTĐ - “Tôi mừng vì bước đầu Bộ GD-ĐT đã thống nhất được những vấn đề cơ bản về vị trí, phương thức cải cách môn Lịch sử. Tôi chờ đợi Bộ sẽ triển khai như thế nào...”, GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ sau buổi tọa đàm về môn Lịch sử trong tổng thể chương trình giáo dục phổ thông giữa Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngày 7-12 . 

Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê: "Sẵn sàng tham gia để trả lại vị thế môn Sử" ảnh 1Thống nhất tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình và SGK giáo dục phổ thông mới

Không phản đối tích hợp

- PV: Thưa giáo sư, buổi hội thảo đã thống nhất những điểm mấu chốt nào về môn Lịch sử?

Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê: "Sẵn sàng tham gia để trả lại vị thế môn Sử" ảnh 2

- GS.NGND Phan Huy Lê: Vấn đề môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông nên thu gọn lại, chỉ xoay quanh điểm mấu chốt vị trí của nó như thế nào, tích hợp hay không và chia tách ra sao. Buổi hội thảo đã thống nhất một số vấn đề như sau:

Về vị trí của môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông: Sẽ tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình và SGK mới.  Chúng tôi kiến nghị, Lịch sử bắt buộc và độc lập trong nền giáo dục phổ thông và phải được đối xử xứng đáng.  

Chúng tôi thống nhất, phần lịch sử Việt Nam hay còn gọi là Quốc sử cực kỳ quan trọng và phải đặt ngang vị trí với Ngữ văn và Toán và trở thành môn học cơ bản, bắt buộc trong giáo dục phổ thông. Vì Lịch sử là môn nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn. Tri thức của loài người bắt nguồn từ sử. Chưa nói đến thời điểm hiện nay, chúng ta luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam thì vị trí của môn Sử càng cần được quan tâm hơn.

- Có người nói giới sử học không muốn tích hợp và quay lưng với tích hợp dù đó là xu thế thế giới hiện nay?

- Chúng tôi không phản đối tích hợp. Tuy nhiên, tích hợp Lịch sử không phải là gán ghép cơ học, ghép bộ phận này với bộ phận khác. Tích hợp phải dựa trên nền tảng khoa học. Sử học bản thân đã tích hợp và trong quá trình giảng dạy học sinh, tích hợp là cần thiết.

- Vậy chúng ta sẽ tích hợp như thế nào, thưa giáo sư?

- Cấp tiểu học thì tích hợp với môn Cuộc sống quanh ta và Tìm hiểu xã hội. Nhưng không đơn giản chỉ đưa ra tên gọi, phải nghiên cứu sâu, chọn kiến thức lịch sử nào để đưa vào. Không nên coi đây là công việc tùy tiện, mà phải chọn lọc, liên kết để trở thành “món ăn” phù hợp với trẻ. Khi phân hóa từ THCS, trong dự thảo, môn Khoa học xã hội thực chất chỉ có Sử và Địa. Sao lại gọi như thế được, tên gọi không đúng nội dung. Bộ GD-ĐT và giới sử học đã thống nhất bỏ môn Khoa học xã hội và trả về là môn Lịch sử và Địa lý. Lịch sử từ cấp 2 phải là môn độc lập và bắt buộc.

- Có ý kiến cho rằng giữa môn Sử và Địa có thể tích hợp?

- Vẫn tách ra nhưng một vài phần có thể tích hợp, có những nội dung tích hợp tốt hơn tách. Ví dụ chủ quyền Biển Đông nên tích hợp, cụ thể kiến thức nền tảng về tự nhiên, khí hậu, hải đảo lồng vào lịch sử Biển Đông, chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là sự kết hợp rất đẹp giữa Sử và Địa. Tuy nhiên, viết SGK như thế nào là vấn đề kỹ thuật, phải nghiên cứu kỹ.

Ở bậc THPT, tôi mừng khi chính người thiết kế môn học, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã chủ động đề xuất bỏ môn Công dân với Tổ quốc; hai phần An ninh quốc phòng, Giáo dục công dân có thể tích hợp và trả Lịch sử về môn độc lập. Về vấn đề phân luồng học sinh, tôi cho rằng vẫn phải có nền phổ thông bắt buộc, trong đó có môn Lịch sử.

Cần thiết phải cải cách toàn diện và hệ thống

- Dù đã thống nhất được những điều cơ bản về vị trí môn Lịch sử, nhưng vẫn có băn khoăn về việc cải cách chương trình để Lịch sử trở thành môn hấp dẫn. Giáo sư nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Chúng tôi đấu tranh để có vị thế xứng đáng cho môn Sử, chứ không phải để duy trì môn Sử như hiện nay. Chúng tôi nói duy trì môn Sử như thế này là vô nghĩa, thậm chí có người nói, nếu thế thì bỏ luôn. Môn Sử sa sút đến vô độ, bắt trẻ lao dịch nặng nề để lấy điểm, đi thi. Sa sút về việc dạy và học là đáng báo động. Trong cải cách giáo dục, khi đặt lại vị trí môn Sử phải kèm theo yêu cầu cải cách toàn diện và hệ thống. 

Làm thế nào vực dậy môn Sử, biến thành môn học đầy hứng thú? Vấn đề mấu chốt là hãy nhìn môn Sử theo cách khoa học. Hiện tại chương trình SGK chưa nhìn nhận vấn đề này nên chủ yếu áp đặt. Phân tích chung chung, ta thắng địch thua, học sinh chán là phải.

Lịch sử ở cấp học phổ thông hiện nay thực chất là lấy giáo trình đại học tóm tắt lại và bắt trẻ học. Đây là gông cùm đối với giới trẻ, không tiếp thu được là điều dĩ nhiên (!?)

Trên cơ sở trả lại vị trí môn Lịch sử, chúng ta sẽ viết lại chương trình, SGK. SGK hiện nay phải xóa bỏ, trên tinh thần hoàn toàn mới. Điều này liên quan đến hệ thống thay đổi việc đào tạo giáo viên Sử trong trường sư phạm.

Tôi mừng dù còn nhiều vấn đề cần phải bàn nhưng bước đầu đã thống nhất được vài điều cơ bản. Tôi chờ đợi Bộ GD-ĐT dựa trên sự thống nhất này để triển khai tiếp. Tôi cũng đề xuất phải thay đổi cách làm, cần có nhiều chuyên gia lịch sử và phản biện trực tiếp, nâng cao tính dân chủ. Và tất nhiên, chúng tôi sẵn sàng tham gia!