Giáo sư Ngô Bảo Châu: Việt Nam đang làm ngược với thế giới

ANTĐ - “Định lượng chất lượng các bài báo nghiên cứu khoa học của ta được đăng tải trên các tạp chí nước ngoài còn thấp. Để ngăn sự tụt dốc này, chúng tôi tập trung nghiên cứu việc xây dựng đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu khoa học của các trường đại học. Khi làm vấn đề này, tôi thấy hơi lạ khi việc xây dựng đội ngũ khoa học chúng ta làm ngược lại với thế giới ở tất cả các bước...”. Đây là một trong những phát biểu có sức hút mạnh của GS Ngô Bảo Châu trong những hoạt động của ông tại Việt Nam.

Cơ chế còn nhiều vướng mắc khiến khâu dạy và học ở môi trường đại học chưa đạt hiệu quả

Tất cả các bước đều đi ngược 

Đây là điều GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh về quy trình xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu của giáo dục ĐH trong hội thảo cải cách giáo dục ĐH Việt Nam vừa kết thúc ngày 1-8. Trong khi các trường ĐH trong nước chủ yếu phụ thuộc vào nhân lực do mình tự đào tạo thì các trường ở các nước ưu tiên ứng viên nơi khác để tạo ra máu mới. Trong khi ĐH Việt Nam phụ thuộc vào cơ quan nhà nước thì ĐH ở các nước thực hiện tự chủ khoa học. ĐH Việt Nam không khuyến khích giáo sư nước ngoài trong khi các nước không phân biệt giáo sư nước ngoài hay trong nước… 

Đặc biệt, theo GS Ngô Bảo Châu, quy trình tạo nguồn của các trường ĐH trong nước phản ánh những điểm yếu nhất trong công việc xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu. Đó là sự thiếu hấp dẫn của vị trí làm việc, thiếu tính cạnh tranh trong tuyển dụng và thiếu tính linh hoạt trong tổ chức cán bộ. Các trường quan tâm tới việc giữ chân những sinh viên giỏi của trường mình, tạo điều kiện đi du học, cấp học bổng với ràng buộc bởi một lời hứa sau khi học xong sẽ quay lại làm việc cho trường. Tính thiếu hấp dẫn của vị trí làm việc là nguyên nhân khiến người ta cần ràng buộc bằng cam kết với những sinh viên được đi học ở nước ngoài. Điều này dẫn đến những hệ lụy như phương pháp tạo nguồn mang nặng tính chủ quan; các trường chỉ ưu tiên tuyển những người mình đào tạo ra, những đối tượng mình “quy hoạch”… Những  người trẻ được đào tạo từ nguồn “khác” trở nên hãn hữu dẫn đến việc thiếu cạnh tranh, tất yếu chất lượng giảm.

 Bên cạnh đó, GS Ngô Bảo Châu cho rằng quy trình tuyển chọn của các trường ĐH còn mang nặng tính hành chính, tuân theo quy trình tuyển chọn chung của công chức nhà nước, không có đặc thù riêng của môi trường hàn lâm. GS Ngô Bảo Châu lấy ví dụ ở Pháp, quy trình tuyển chọn nhân sự dạy ĐH phải có đặc thù so với các mảng khác của hệ thống công chức. Theo đó, tiêu chí hàng đầu là khả năng nghiên cứu khoa học, tất cả những yêu cầu hành chính khác chỉ là điều kiện đi kèm. Hầu như bộ phận hành chính không có chức năng tham gia vào việc tuyển chọn, trong khi ở Việt Nam những người làm hành chính tham gia rất nhiều vào việc này, GS Ngô Bảo Châu phân tích. 

Thu nhập thấp, chế độ cứng nhắc 

Cùng với quan điểm tạo nguồn bằng chính sản phẩm của các trường ĐH gây ra tình trạng mất cạnh tranh, không có cơ hội “tạo máu mới” cho các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của trường. GS Ngô Bảo Châu còn cho rằng ràng buộc lớn nhất của các trường ĐH Việt Nam là chế độ thu nhập cứng nhắc. Điều này là yếu tố chính làm cho các vị trí hàn lâm không hấp dẫn được các cá nhân xuất sắc. 

“Thu nhập thấp đã đành, mà cơ chế rất cứng nhắc. Điều này rất phức tạp, cá nhân tôi không có lý giải thấu đáo” - GS Ngô Bảo Châu thừa nhận. Ông cho biết, lương một TS mới về làm giảng viên khoảng gần 3 triệu đồng tháng, ngoài ra có những ưu đãi như trích từ kinh phí các đề tài bổ sung vào lương nhưng đây không phải là biện pháp giải quyết được vấn đề thu nhập. Trong khi đó, mức lương chính thức của một giảng viên ĐH thể hiện rõ nét sự ưu tiên của xã hội với giáo dục ĐH và nghiên cứu khoa học. Với thang lương hiện tại, mức lương cơ bản của giảng viên ĐH không đảm bảo cho họ một mức sống trung lưu trong xã hội mà theo GS Ngô Bảo Châu, mức sống trung lưu của giảng viên nghiên cứu luôn là điều kiện cần cho một hệ thống giáo dục tốt. Để nghiên cứu tốt thì ứng viên tuyệt đối cần thời gian tư duy tự do, không bị ràng buộc bởi cơm, áo, gạo, tiền.

Dẫn chứng cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cũng nêu một ca khó mà bản thân ông cho là “kỳ lạ” khi áp với chính GS Ngô Bảo Châu. “Lẽ ra lương của anh Châu phải do chính Viện của anh quyết định vì anh Châu là Viện trưởng. Nhà nước chỉ giao cho anh kinh phí, còn lương và chế độ cho các giáo sư ở Viện thì phải do anh Châu quyết định. Còn ở nước ta thì cả tôi và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng không ký được... Lương của giáo sư mà các cơ sở không quyết định được thì nói gì đến tự chủ?” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Điều này cũng phần nào trả lời cho câu hỏi được Bộ trưởng Nguyễn Quân đặt ra trước đó: “Chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực cải cách nhưng vì sao con tàu giáo dục ĐH được đặt lên đường ray rồi, được cung cấp nguồn năng lượng rồi mà vẫn rất ì ạch?”. 

Hội thảo cải cách giáo dục Đại học Việt Nam năm 2014 do Nhóm đối thoại giáo dục phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức tại Trung tâm Hoa Kỳ TP.HCM vừa kết thúc sau 2 ngày làm việc. Các chuyên gia có tiếng trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều vấn đề khiến cho giáo dục ĐH nước ta chưa phát triển như mong muốn từ vấn đề nhân sự, tự chủ tài chính, nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn… Nhóm đối thoại giáo dục ra đời từ gần một năm nay với sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu với mục tiêu tập hợp những trí thức Việt Nam trưởng thành và thành đạt ở nước ngoài, có trải nghiệm về nền giáo dục Việt Nam cùng thảo luận, nghiên cứu, phân tích, từ đó đưa ra các ý tưởng, giải pháp mang tính khả thi đóng góp cho nền giáo dục của đất nước.