Đừng làm trẻ phát sợ nghỉ hè

ANTĐ - Hôm nay, 25-5, hơn 1,7 triệu học sinh các trường mầm non, phổ thông toàn thành phố đồng loạt bế giảng năm học. Với nhiều gia đình, kỳ nghỉ hè của các em không chỉ là những tháng ngày nghỉ ngơi, vui chơi vì nhiều gia đình còn đang “bận” tranh cãi gay gắt về việc bố trí con học gì, chơi gì.

Nên dành cho trẻ nhiều hoạt động vui chơi bổ ích trong dịp hè 

Nghỉ hè để... đi học 

“Nghỉ hè con thích làm gì nhất?” - “Con thích nhất là về quê. Quê con ở Thanh Trì. Ở quê con còn có cụ và các anh chị” - Nguyễn Gia Huy, học sinh trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) cho biết. Tuy nhiên, cậu học sinh này chỉ được về quê vào dịp cuối tuần vì tới nay, lịch học của Huy trong dịp hè đã được lên đầy đủ. Huy và cô em gái học lớp 2 sẽ được học đàn, bơi, đánh cầu lông, cờ vua bên cạnh việc học thêm các môn văn hóa, đặc biệt là Toán, tiếng Anh…

Giống như Nguyễn Gia Huy, rất nhiều học sinh sau khi kết thúc năm học đã không có một kỳ nghỉ hè theo đúng nghĩa vì bị bố mẹ “nhồi” kín lịch học thêm. Khái niệm mùa hè là dịp nghỉ ngơi, vui chơi với các em đã trở nên xa vời, thay vào đó là những ngày chạy sô từ trung tâm này đến trung tâm khác.

Chị Mai Lan Anh, phụ huynh học sinh trường tiểu học Quang Trung cho biết: “Gia đình tôi không còn họ hàng ở quê nên nghỉ hè các con chỉ duy nhất một lựa chọn là ở nhà. Nếu không tìm chỗ học thêm thì không biết các con sẽ làm gì ở nhà cho hết 2 tháng hè. Hơn nữa, thầy cô đều nhắn phải cho con ôn tập kiến thức trong dịp hè nếu không sẽ “chữ thầy trả thầy”. Thế nên, hè mà vẫn phải đi học là chuyện đương nhiên”.

Rất nhiều bậc phụ huynh có quan niệm  nghỉ hè là dịp rỗi rãi nhất nên tập trung cho con học thêm và đầu tư ngoại ngữ để các em có thể vào học ở các trường THCS công lập chất lượng cao. Và như vậy sau cả một năm học căng thẳng các em học sinh lại phải tiếp tục bước vào một guồng quay học hành mới do bố mẹ vạch ra.

Không ít phụ huynh còn đặt ra mục tiêu cho con em mình phải chinh phục được các chương trình ngoại ngữ IELTS, TOEFL hay SAT tại các trung tâm Anh ngữ. Việc các em học sinh bị “nhồi nhét” hoc thêm một cách quá đà trong dịp hè xuất phát từ tâm lý muốn “quản lý” còn em mình nhưng mặt khác nó cũng là tâm lý “ganh đua” giữa các bậc phụ huynh vì thấy các bạn đều đi học cả, con mình không đi cũng không được. Chính bởi điều này đã tạo ra áp lực cho các em ngay chính trong kỳ nghỉ của mình. 

Hãy trả hè cho con  

Lã Phan Anh, học sinh lớp 5 trường tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa) cho biết, “Nghỉ hè rất thoải mái, con không hề phải học thêm hay mang theo sách vở để tự học, cho đến tháng 8 mới là lúc con phải tham gia các lớp học thêm”. Mẹ của Phan Anh chia sẻ, cháu khá tự giác, ít phải nhắc nhở và biết tự lên kế hoạch cho bản thân nên bố mẹ cũng yên tâm về thành tích học tập của con cũng như không có kế hoạch bắt buộc phải học thêm trong mấy tháng hè tới.

Đào Dương Hoàng Long, học sinh lớp 10 chuyên Hóa trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho biết, trường em đã chính thức nghỉ hè và hiện Long đang có khá nhiều dự định cho kỳ nghỉ hè sắp tới. “Môn thể thao yêu thích của em là bóng rổ nên dịp hè này chắc chắn em sẽ giành thời gian luyện tập. Đây cũng là dịp em có thể tập trung cao cho việc học thêm tiếng Anh để đạt mục tiêu đi du học.

Việc bố trí thời gian học các môn văn hóa khác cũng sẽ được trải đều trong tuần để không quá tải như trong năm học. Ngoài ra, em còn tham gia các câu lạc bộ hoạt động xã hội tình nguyện. Đây là những hoạt động có ý nghĩa tích cực mà chúng em không thể bỏ qua trong dịp hè này” - Hoàng Long cho biết.

Với thành tích giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2015-2016, Long đang rất băn khoăn về việc sắp xếp thời gian hè để cùng các bạn nhận một vài đề tài nghiên cứu khoa học do trường đại học Việt Pháp hỗ trợ. “Vậy bố mẹ em có để em tự quyết định việc làm của em trong dịp hè này không?”. “Kế hoạch nghỉ hè đều do em tự quyết định. Em sẽ tự biết sắp xếp để có một kỳ nghỉ hè có ích và vui vẻ” - Hoàng Long khẳng định.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, dịp nghỉ hè, việc các phụ huynh nên làm là để con em mình được thư giãn, không nên nhốt con ở nhà hay ép con học văn hóa... Đối với lứa tuổi mầm non, tiểu học, cần tham gia xen kẽ các hoạt động nâng cao kiến thức sống, gần gũi với thiên nhiên, phát triển năng khiếu. Phụ huynh phải nắm bắt sở thích, mong muốn cũng như tố chất của con, nếu thấy con có năng khiếu thì nên cho đi học các lớp năng khiếu.

Phụ huynh nên đáp ứng sở thích chứ không nên ép các em học theo ý thích của bố mẹ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên để con em mình chủ động lên kế hoạch, thực hiện theo nguyện vọng. Đó chính là cách để phụ huynh giảm áp lực cho bản thân, đồng thời rèn luyện cho con kỹ năng sắp xếp, tự chủ trong các hoạt động học tập, vui chơi của mình.