Mỗi người mỗi ý, bàn tán với khen chê đủ cả, người thì bảo có vấn đề gì đâu, ca khúc đó có phải là ca khúc không được phép hát đâu, người thì lại cho rằng ca khúc này không phù hợp với lứa tuổi của các em; phụ huynh thì có phần chột dạ; còn người mừng nhất có lẽ là ca sỹ Sơn Tùng MT-P - tác giả của ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” đã được “phổ cập” tới cả bậc Tiểu học, các em mới chỉ ở độ ngoài 6 tuổi… Ai cũng có cái lý của mình, dư luận là vậy, còn đối với quan điểm của những nhà quản lý giáo dục thì kịch liệt phản đối và cho rằng dù là sinh hoạt ngoại khóa nhưng việc để cho ca sỹ hát bài dành cho người lớn để học sinh Tiểu học nghe và hưởng ứng theo là không phù hợp. Và cũng ngay lập tức, nhà trường cũng khẳng định: Đây là một sự cố... “ngoài ý muốn” bởi bài hát này không nằm trong kịch bản của chương trình sinh hoạt ngoại khóa mà chỉ phát sinh khi cựu học sinh lên giao lưu.
Thôi thì nghĩ gần câu chuyện là nhỏ, nhưng nghĩ xa, rộng ra một chút cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm. Thử đặt lại vấn đề về gia đình xem thế nào. Câu hỏi đặt ra là khi rời nhà trường trở về nhà các bậc phụ huynh cho con em mình nghe gì, xem gì? để khi chỉ cần có người xướng lời một ca khúc của lứa tuổi yêu đương thì học sinh Tiểu học lại thuộc làu làu ca từ và hát theo được. Điều đó cho thấy chính các bậc phụ huynh nếu không “kiểm soát” chặt chẽ con em họ không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành những con rô-bốt của thế giới truyền thông, tiếp nhận và nhận sự tác động một cách bị động những giá trị văn hóa từ phim ảnh, ca nhạc “đi ra” từ ánh sáng và công nghệ của các thiết bị trong gia đình như tivi, dàn ca nhạc, Internet…
Và một điều nữa mà báo chí cũng tốn không ít giấy mực là chúng ta quá thiếu ca khúc dành cho các em ở độ tuổi đến trường, trong khi nhu cầu âm nhạc của các em là rất lớn, nếu có thì nghèo nàn, thưa vắng và không dễ tìm thấy ca khúc có sức lan tỏa rộng rãi. Chuyện gì đến ắt sẽ đến, các em sẽ nghe những ca khúc được bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, dễ nghe trong một trí nhớ không chủ định, nghe nhiều thành quen, nhớ và không cần hiểu. Nhưng những ca từ giai điệu mang âm sắc không thuộc về lứa tuổi của các em sẽ ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực về cảm xúc và suy nghĩ của các em. Một độc giả đã đưa ra nhận định rằng: trẻ em ngây thơ, chỉ cần bài hát có giai điệu hay, cuốn hút, nội dung dễ nhớ, không quá triết lý là sẽ thích, không cần bắt chúng cũng thuộc, đây là điều mà các nhạc sỹ nên suy ngẫm để có thể sáng tác được những ca khúc thu hút với trẻ em.
Một câu chuyện đã xảy ra có lẽ không nên bàn ai đúng ai sai trong lúc này mà nên bàn cách làm thế nào để các em học sinh được tiếp cận với sản phẩm văn hóa sạch, phù hợp với lứa tuổi.
Gia đình - Nhà trường - Xã hội, những mối liên kết chặt chẽ cần nhìn lại. Gia đình, ở đó có ông-bà-cha-mẹ phải gần gũi, tạo không gian văn hóa an toàn cho con em mình. Nhà trường, môi trường giáo dục thuần khiết cần có sự bảo đảm an toàn cho những hoạt động văn thể của học sinh. Môi trường xã hội thì sao, cần cho các em được sống trong môi trường văn hóa tinh thần trong lành, và có những ca khúc hay phù hợp với lứa tuổi của các em. Như vậy các em sẽ được thụ hưởng những giá trị văn hóa mát lành để nuôi dưỡng tâm hồn các em lớn lên một cách trong sáng nhất. Và những sản phẩm văn hóa không phù hợp sẽ tự bị thải loại.