Đủ cách ép trẻ học thêm hè

ANTĐ - Với lý do nhằm củng cố, nâng cao kiến thức cho con, vừa giúp chúng tránh xa trò chơi điện tử và các tệ nạn xã hội, lại giải quyết được vấn đề trông trẻ, không ít phụ huynh đã biến kỳ nghỉ hè của con thành học kỳ iii bằng việc ép các con vào những lớp học thêm gần như cả tuần. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ.

Đủ cách ép trẻ học thêm hè ảnh 1

Trong kỳ nghỉ hè, thay vì nhồi nhét con vào các lớp học văn hóa, phụ huynh nên cho trẻ đi dã ngoại, trau dồi thêm kỹ năng sống

 Lấy mất kỳ nghỉ hè của con

Do nhà neo người, bố mẹ ở xa, công việc hai vợ chồng khá bận rộn nên giống như năm trước, ngay từ thời điểm cậu con trai học lớp 5 chuẩn bị nghỉ hè, chị Đoàn Kim Dung ở khu chung cư Sông Đà (đường Hoàng Minh Giám, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã liên hệ với một số giáo viên nhận dạy thêm và tới trung tâm để đăng ký học hè cho con.

Với lịch học 3 môn văn hóa là Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh dày đặc trong tuần, con trai chị Dung chỉ được nghỉ duy nhất ngày chủ nhật. Trong những ngày con đi học, ngoài tiền học, chị Dung đóng thêm tiền ăn cho con buổi trưa để không phải mất công đưa đón. Mấy ngày đầu, con trai chị Dung tỏ thái độ không hợp tác, kiên quyết đòi ở nhà với lý do được nghỉ hè. Chỉ đến khi chị Dung dọa nếu không đi học sẽ cắt chuyến du lịch vào cuối tháng 6 tới, cu cậu mới miễn cưỡng đồng ý, song vẫn tỏ ra khá mệt mỏi, chán nản.

“Đành rằng trẻ nghỉ hè cần được nghỉ ngơi, nhưng nếu để con ở nhà một mình, chúng rất dễ sa đà vào trò chơi điện tử hoặc suốt ngày chúi đầu vào truyện tranh, lười vận động, vừa hại mắt lại dễ béo phì. Hơn nữa, năm tới con tôi vào cấp 2, nếu không học thêm, cháu không thể theo kịp các bạn ở trường điểm vì hầu hết số học sinh này đã học trước chương trình hoặc tham gia các khóa học nâng cao. Do vậy, tuy phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ, tôi vẫn phải cho con đi học thêm trong dịp hè, dù bị không ít người chê trách đã lấy mất kỳ nghỉ hè của con” - chị Dung chia sẻ.

Có thể nói, tình trạng dạy thêm, học thêm trong dịp hè diễn ra khá phổ biến ở tất cả các cấp học.

Ngay khi năm học vừa kết thúc, các lớp học thêm lập tức “khai giảng”. Ngay cả trẻ mầm non chuẩn bị vào lớp 1 cũng bị nhồi vào các trung tâm để luyện viết chữ đẹp, học Tiếng Việt, làm Toán. Không chỉ “lùa” con đến các trung tâm, các địa chỉ giáo viên nhận dạy thêm mà một số phụ huynh còn thuê gia sư đến nhà để kèm cặp con trong dịp hè… Theo cô  Nguyễn Thị Ly - nguyên giáo viên trường Tiểu học Tây Tựu A, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nếu không có trường điểm thì việc học thêm rất thừa.

Nhưng thực tế vẫn tồn tại một điều mà ai cũng thấy, không đi học thêm thì các em không thể vào được các trường này và dù có vào được bằng các con đường khác nhau thì cũng khó theo kịp. Do vậy việc học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra dù Bộ GD&ĐT cấm dạy thêm học thêm văn hóa đối với học sinh Tiểu học. Chính vì vậy, cô Nguyễn Thị Ly cho rằng, việc dạy thêm, học thêm không có lỗi, mà lỗi một phần là do bất cập trong quy định thi cử, việc không thống nhất giữa nội dung, chương trình SGK, phương pháp dạy học…

Lợi bất cập hại

Về nguyên nhân khiến việc dạy thêm học thêm diễn ra tràn lan trong thời gian qua, một số giáo viên khi được hỏi đều cho rằng, việc này xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của phụ huynh. Với mong muốn con mình phải là người đứng đầu, luôn đạt kết quả cao nhất, nhiều bậc cha mẹ đã tạo áp lực lên chính con em mình, bắt chúng phải dành phần lớn quỹ thời gian cho việc học văn hóa với lịch học kín mít, dù là trong kỳ nghỉ hè. Bên cạnh đó, việc thiếu những sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên ở các thành phố lớn cũng là lý do khiến các em bị nhồi nhét vào các lớp học.

Ngoài ra, có một số giáo viên do nhu cầu tăng thu nhập đã gợi ý phụ huynh viết đơn tự nguyện xin cho con đi học…

Theo Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, việc cho trẻ học thêm văn hóa trong dịp hè có tính 2 mặt. Lợi ở chỗ các em được hoàn thiện, nâng cao kiến thức, ôn luyện lại các môn còn yếu. Song nếu việc học này quá đà, trẻ sẽ không còn thời gian để vui chơi, rèn luyện, trau dồi các kỹ năng sống nên rất dễ pháttriển lệch lạc, hình thành tâm lý chán ghét việc học, sợ đến trường, thậm chí gây ra những hệ lụy về tâm lý như căng thẳng, lo âu, trầm cảm…

Điều đáng nói, hiện vẫn có một số phụ huynh suy nghĩ rằng, càng cho trẻ học nhiều trẻ càng giỏi. Điều này là không có cơ sở. Trước khi cho con đi học thêm hè, cha mẹ không nên tự ý quyết định, áp đặt trẻ theo ý mình, mà cần cân nhắc xem môn học nào thực sự cần thiết với trẻ nhằm giúp các con có thể phát huy hết năng lực, sở trường và niềm đam mê của bản thân.

Để đảm bảo cho trẻ được phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, trong kỳ nghỉ hè, bên cạnh việc cho con ôn lại kiến thức cũ, phụ huynh nên cho trẻ tham gia các lớp học phát triển kỹ năng sống, lớp học năng khiếu, đi du lịch, về quê, dã ngoại... để trẻ có cơ hội khám phá bản thân, rèn tính tự lập, có đời sống tinh thần phong phú.

Nhìn các cháu học thêm mà xót ruột

Tôi nhớ cách đầy gần 60 năm, vào quãng những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 việc học phổ thông của lứa tuổi chúng tôi đúng là thời gian đáng nhớ nhất của cuộc đời một con người, nhất là những trò giỏi, ham học. Suốt trong 10 năm phổ thông ngày chỉ có nửa buổi học. Nửa buổi còn lại tha hồ vui chơi.

Một tuần thì có thêm một buổi lao động. Hồi cấp 1, 2 thì đi lấy lá cây giúp bà con nông dân ủ làm phân xanh. Lên cấp 3 thì nửa ngày lao động làm vườn thực vật cho nhà trường, hay tham gia gặt khi vào vụ thu hoạch lúa. Hồi ấy việc học thêm (lúc đó gọi là học phụ đạo) chỉ dành cho những học sinh quá kém trong lớp.

Học sinh nào thuộc diện này đều lấy làm xấu hổ nên nhiều người cố học thật giỏi để thoát khỏi diện phụ đạo. Học trò ở thành phố độ ấy tôi không tường lắm, còn đám học trò nông thôn chúng tôi thì khỏi nói.

Đủ mọi trò chơi tạo ra hứng thú cho những ngày hè. Câu cá, mót lúa, mót khoai, đi bơi, đá bóng, chơi bi, đánh đáo, đánh khăng… Cùng bố mẹ, anh chị lên mạn ngược, xuống miền biển thăm bà con, họ hàng nghỉ mát… Tóm lại, mỗi kỳ nghỉ hè là thời gian vui chơi thỏa thích, không vướng bận một chút gì về việc học hành, để khi từ giã những ngày hè học sinh chúng tôi náo nức, thanh thản bước vào năm học mới…

Nhớ lại những năm tháng đang tuổi học trò phổ thông của mình khi đã vào tuổi 70, nhìn lại việc học hành của các cháu tôi và của học trò hiện nay tôi thấy việc học của các cháu giống như những hình phạt bắt buộc làm mất đi mọi hứng thú về việc học tập. Tôi có 4 cháu nội.

Cháu học cao nhất lớp 7, cháu học thấp nhất là lớp 1. Sức học của các cháu nếu xét như thời của tôi thì đều không thuộc diện phải học phụ đạo. Nhưng tất cả 4 đứa đều không thoát được sự học thêm đáng sợ vì học thêm bây giờ trở thành một hình thức bắt buộc đối với tất cả các học sinh trong lớp không kể học giỏi hay học kém.

Lịch học thêm của cháu nội tôi, một học sinh lớp 7: Buổi sáng học ở lớp. 12h về, ăn cơm nghỉ qua loa đến 13h30. Hôm nào không học thêm ở trườngthì đến nhà cô giáo học thêm môn Văn đến 15h30. Không kịp về nhà lại lao đến nhà thầy giáo Tóan học thêm hai tiếng đến 18h. Về ăn vội vàng đến 19h lại tới nhà cô giáo Tiếng Anh học đến 21h. Ngày nào cũng như nhau khiến đến tôi cũng xót ruột, thương cháu. Đó là chưa kể cũng vì sự học thêm gần như chiếm hết thời gian của các cháu trong dịp hè, đánh mất những năm tháng tuổi thơ đẹp nhất mà đáng ra các cháu được hưởng.