Điểm thi thấp nhưng điểm sàn đại học vẫn cao

ANTĐ - Ngày 28-7, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm sàn đại học 2016 ở tất cả các khối là 15 điểm dù trước đó, đánh giá phổ điểm các khối thi cho thấy khối D, C thấp hơn khối A, B. Mức điểm này được cho là nhằm nâng cao chất lượng đầu vào đại học.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga

- PV: Kết quả thi năm nay không cao bằng năm trước vậy vì sao Bộ GD-ĐT vẫn đưa ra mức điểm sàn xét tuyển đại học bằng năm 2015?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc xác định điểm sàn hay gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu gồm nhiều thành viên từ các trường đại học chứ không phải chỉ có Bộ GD-ĐT. Việc xác định điểm sàn dựa trên 3 yếu tố, trong đó yếu tố đầu tiên là ưu tiên bảo đảm chất lượng. Từ khi thi 3 chung, chưa năm nào đạt được điểm trung bình 5 điểm/môn.

Phổ điểm lệch trái, nghiêng về phía điểm thấp. 2 năm qua, phổ điểm lệch hẳn bên phải, nhất là khối A. Như vậy, chất lượng về tổng thể tăng đều qua các năm. Thực tế, năm nay trung bình môn tăng, tuy nhiên không nên so sánh phổ điểm năm ngoái với năm nay để đưa ra kết luận tăng, giảm. Cần thời gian dài, nhìn tổng thể để nhận thấy xu hướng chất lượng tăng.

- Năm trước, nhiều trường lo khan nguồn tuyển. Vậy năm nay, với ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu này, Bộ có đảm bảo các trường không gặp khó khăn khi xét tuyển?

- Phổ điểm năm nay thích hợp cho các trường xét tuyển. Trừ môn Ngoại ngữ phổ điểm lệch trái, các môn còn lại đều lệch phải, tức là nghiêng về phía điểm cao. Hội đồng xác định điểm sàn gồm 27 thành viên từ các ĐHQG, ĐH vùng, ĐH lớn, ĐH ngoài công lập thảo luận công khai trên cơ sở 3 phương án Bộ đưa ra nhưng cuối cùng đều thống nhất cao với phương án 15 điểm cho tất cả các khối với quyết tâm đảm bảo chất lượng chứ không chạy theo chỉ tiêu.

Các trường đã xác định chỉ tiêu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình. Trường có thể giảm bớt chỉ tiêu nếu ưu tiên chất lượng. Do đó, tuyển đủ chỉ tiêu hay không đủ chỉ tiêu hiện nay không còn quan trọng. Năm nay, cả nước có trên 100 trường ĐH đăng ký tuyển sinh riêng bằng hình thức xét học bạ với  102.000 chỉ tiêu.

Các trường ĐH còn lại tuyển sinh bằng lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia với 320.000 chỉ tiêu. Việc thống nhất điểm sàn 5 khối thi truyền thống năm nay là 15 điểm sẽ tạo hệ số dôi dư là 1,27. Thực tế, số thí sinh bảo đảm nguồn tuyển cao hơn số này vì các trường còn sử dụng các phương thức tuyển sinh khác nên nguồn tuyển dư khá nhiều.

Đạt 15 điểm trở lên thí sinh mới được quyền đăng ký xét tuyển đại học

- Năm nay, môn Tiếng Anh có mức điểm thấp nhất, kéo theo khối D cũng có mức trung bình thấp hơn các khối còn lại. Vậy việc áp cùng mức điểm sàn với các khối khác có ảnh hưởng đến thí sinh khối D hay không?

- Khi xác định điểm sàn Bộ cũng có băn khoăn mức đó cao với khối D, tuy nhiên, các trường đều ủng hộ phương án 15 điểm. Thực tế, thí sinh đạt 5 điểm môn Ngoại ngữ cũng rất nhiều, đủ để đáp ứng nguồn tuyển khối D nên các trường tuyển khối D không phải lo lắng và các thí sinh quyết tâm theo khối D vẫn được đảm bảo quyền lợi.

- Mức điểm sàn cao cũng sẽ khiến các trường ĐH ở các vùng khó khăn khó tuyển sinh. Vậy Bộ có hướng giải quyết tình trạng này thế nào?

- Năm 2015, theo đề nghị của Ban chỉ đạo 3 vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ, Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH ở vùng khó khăn khi tuyển những thí sinh địa phương được hạ thấp hơn điểm sàn của Bộ 1 điểm. Mục đích là để các trường đào tạo nhân lực cho địa phương đáp ứng nhu cầu phát triển. Năm nay, nếu các cơ quan này tiếp tục đề nghị thì Bộ sẽ xem xét. Còn nếu không, các trường sẽ tuyển sinh như các trường ĐH khác.