Điểm 10 và điểm 0?

ANTĐ - Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2016, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định, kỳ thi năm nay đã phần nào chiếm được niềm tin của xã hội về tính công bằng, nghiêm túc, chất lượng. 

Để đạt được điều này, hàng chục nghìn giám thị từ hơn 100 trường đại học lớn cả nước đã được cử về khắp các tỉnh, thành phố để phối hợp, giám sát lẫn nhau trong một kỳ thi chung mang tính quốc gia. Kỳ thi cũng khiến cho chính quyền các cấp, ngành phải vào cuộc để đảm bảo cho hơn 800.000 thí sinh dự thi trong 4 ngày diễn ra kỳ thi.

Mọi chuyện xem như suôn sẻ và đã có nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT “trả lại” kỳ thi này cho các địa phương thay vì phải can thiệp theo cách hiện nay bởi “sân nhà” có vẻ đã không còn được phát huy trong kỳ thi lần này. Vậy nhưng vụ việc hy hữu đã xảy ra khi một thí sinh được đánh giá là học lực trung bình yếu trong ba năm THPT lại nghiễm nhiên đạt điểm 10 vốn khó “như lên trời” đối với nhiều thí sinh dự thi năm nay (cả nước chỉ có 100 điểm 10 tại kỳ thi THPT quốc gia). Đáng nói là cùng với điểm 10 môn Vật lý, thí sinh này lại “ẵm” kèm một điểm 0 môn Toán.

Nếu điểm 10 gây ngạc nhiên cho các thầy cô trực tiếp giảng dạy thí sinh này thì điểm 0 lại chẳng tạo phản ứng gì. Sự việc khó có lời giải và chính Chủ tịch Hội đồng thi phải đưa ra quyết định thành lập một hội đồng chấm thi chấm lại bài thi của thí sinh này. Trong khi chờ kết quả chấm lại bài thi thì câu hỏi mà nhiều người phải đặt ra là phải chăng có sự thiếu chặt chẽ trong việc coi thi khi mà phòng thi của thí sinh này đã có 3 trên tổng số 100 điểm 10 của hơn 800.000 thí sinh cả nước? Niềm tin lẫn sự hy vọng của cả xã hội một lần nữa lại bị lung lay. 

Lại nói, tại một hội đồng thi của Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì, một phụ huynh chờ con ngoài điểm thi cho biết, đây đã là năm thứ ba đưa con đi thi với một mong muốn duy nhất là lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT. Có thể thấy, có được tấm bằng này không còn là điều hiển nhiên với mọi trường hợp sau 12 năm học phổ thông. Không còn có chuyện cứ thi là đỗ dù rằng còn không ít tâm lý “cứ cho chúng nó đỗ tốt nghiệp để còn có cái bằng mà đi làm”. Còn bao nhiêu gia đình phải trông chờ vào con em mình học xong phổ thông là đi làm, góp thêm phần thu nhập cho gia đình.

Thế nhưng xét rộng ra, nếu cứ “thả rông”, học thế nào cũng tốt nghiệp thì liệu 12 năm đèn sách có ý nghĩa gì? Xa hơn nữa, nó sẽ làm mất đi niềm tin của cả xã hội. Bởi chính các em, sẽ thiếu áp lực, mất đi mục tiêu, chắc chắn sự phấn đấu cũng yếu dần trong khi đấy, tốt nghiệp ra trường, những lao động trẻ này sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.

Một tấm bằng không thay thế được thực lực, đặc biệt là khi Việt Nam đang bị cảnh báo về khả năng thua ngay trên sân nhà trong cuộc cạnh tranh nguồn nhân lực từ phổ thông tới chất lượng cao khi đã gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean với sự di chuyển tự do của lao động các nước thuộc khối này.