Chương trình GDPT mới sẽ chỉ còn 8 bộ môn

ANTĐ - Chiều 5-8, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được công bố với nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành.

Theo dự thảo này, chương trình giáo dục phổ thông chỉ còn 8 lĩnh vực giáo dục thay vì tối đa 13 môn học như hiện nay. Các môn sẽ được tích hợp thành các lĩnh vực gồm: Ngôn ngữ và văn học; Toán học; Đạo đức - Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học Xã hội; Khoa học Tự nhiên; Công nghệ - Tin học.

Dự thảo cũng đưa ra  mục tiêu hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: Sống yêu thương; Sống tự chủ; Sống trách nhiệm. Cùng với đó là các năng lực chủ yếu: Năng lực tự học; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Năng lực thẩm mỹ; Năng lực thể chất; Năng lực giao tiếp; Năng lực hợp tác; Năng lực tính toán; Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Nhiều năng lực, phẩm chất được yêu cầu hình thành bên cạnh trang bị kiến thức với học sinh


Mục tiêu giáo dục của từng bậc học cũng có nhiều điều chỉnh. Cụ thể Chương trình giáo dục cấp tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự hình thành và phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực được nêu trong mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông; định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt; có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để tiếp tục học trung học cơ sở.

Chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở nhằm giúp học sinh duy trì và nâng cao các yêu cầu về phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông nhằm giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc trên cơ sở duy trì, nâng cao và định hình các phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp trung học cơ sở; có khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.