Cảnh báo hồ sơ ảo xét tuyển đại học

ANTĐ - Ngày 30-7, Bộ GD-ĐT đã công bố quy trình tuyển sinh của các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Thí sinh sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc nộp và rút hồ sơ. Phần khó sẽ rơi vào các trường với khả năng xuất hiện hồ sơ ảo ở một số nhóm ngành.

Trường phải công bố rõ chỉ tiêu từng tổ hợp

Theo quy trình tuyển sinh mới công bố, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga yêu cầu các trường công bố trên trang điện tử của trường mình về chỉ tiêu từng ngành, cũng như tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành hoặc nhóm ngành.

Để giúp thí sinh có căn cứ đăng ký xét tuyển, đối với những trường dùng đồng thời tổ hợp truyền thống (A, A1, B, C, D) và tổ hợp mới để xét tuyển, Bộ yêu cầu phải nêu rõ chỉ tiêu xét tuyển dành cho mỗi loại tổ hợp.

Cảnh báo hồ sơ ảo xét tuyển đại học ảnh 1

Các trường cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh nộp và rút hồ sơ xét tuyển

Những trường sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho một ngành phải quy định và công bố độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp. Các trường cũng phải công bố các điều kiện bổ sung dùng để xét tuyển trong trường hợp có nhiều thí sinh ở cuối danh sách trúng tuyển có điểm xét tuyển bằng nhau dẫn đến vượt chỉ tiêu.

Nhiều trường chọn thí sinh đăng ký bằng ngưỡng đầu vào

Trường Đại học Công đoàn vừa thông báo xét tuyển những thí sinh có kết quả thi THPT quốc gia đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT trở lên. Tương tự, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng dựa vào kết quả thi THPT quốc gia do các trường đại học chủ trì để xét tuyển. Ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển:  Hệ đại học: Từ 15 điểm cho các tổ hợp môn thi. Trường Đại học Thủy lợi có điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển là: Tối thiểu đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ 

GD-ĐT; thí sinh tốt nghiệp THPT có điểm trung bình các năm học THPT đạt từ 5,5 trở lên. Đại học Luật Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng đều nhận hồ sơ của thí sinh có điểm tổ hợp 3 môn bằng ngưỡng đầu vào của Bộ GD-ĐT.
Bảo Anh

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng yêu cầu các trường cần công khai điểm trúng tuyển vào trường những năm trước, bố trí tổ tư vấn tuyển sinh và cung cấp số điện thoại cho thí sinh. Trường hợp thí sinh đề nghị rút hồ sơ để chuyển sang trường khác, các trường cần tạo điều kiện cho thí sinh.

Để tránh thất lạc hồ sơ, ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga yêu cầu “các trường cần quản lý hồ sơ một cách khoa học, đảm bảo việc tìm kiếm và trả hồ sơ cho thí sinh một cách thuận lợi và thông báo cho thí sinh thời gian có thể bắt đầu đăng ký lại vào trường khác sau khi rút hồ sơ”.

Đây là điểm thí sinh cần đặc biệt lưu ý vì danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển sẽ được cập nhật vào phần mềm quản lý tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Chỉ khi nhà trường cập nhật danh sách thí sinh rút khỏi trường mình lên phần mềm quản lý của Bộ GD-ĐT thì thí sinh đó mới có thể nộp hồ sơ ở trường khác. Nếu không cập nhật dữ liệu từ nhà trường, thí sinh dù rút hồ sơ ra vẫn không thể nộp hồ sơ sang trường khác vì chỉ có một tên duy nhất ở một trường. 

Các trường lo ngại rối dữ liệu

Trước lo ngại của các trường về hồ sơ ảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích: “Với đợt 1 thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào 1 trường, như vậy sẽ không có hiện tượng thí sinh ảo. Tuy nhiên, do thí sinh có quyền vừa đăng ký xét tuyển bằng học bạ, vừa đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi nên các ngành có điểm trúng tuyển bằng ngưỡng sẽ phải tính đến một tỷ lệ nhất định thí sinh ảo. Ngoài ra, các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung do thí sinh có quyền sử dụng đồng thời cả 3 giấy chứng nhận kết quả thi nên sẽ có tỷ lệ thí sinh ảo nhưng sẽ ít hơn các năm trước”.

Bên cạnh đó, nỗi lo quá tải truy cập nguồn dữ liệu cũng khiến các trường cẩn trọng khi không dám chốt với thí sinh thời gian cập nhật thông tin theo quy định. Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: “Có thể xuất hiện tình trạng nghẽn mạch vì tất cả các trường đều phải vào hệ thống dữ liệu tuyển sinh quốc gia để lấy điểm của thí sinh.

Trong 20 ngày tuyển sinh đợt 1, nhà trường sẽ cố gắng cập nhật thông tin 3 ngày một lần, tuy nhiên còn tùy thuộc vào tình trạng truy cập mạng quốc gia. Danh sách trúng tuyển tạm thời sẽ được cập nhật nhưng thí sinh cần thông cảm nếu nhà trường không đảm bảo đúng lịch vì khó khăn nói trên”. 

Ông Trương Tiến Tùng, Phó Hiệu trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội cũng cho biết, vấn đề nhận và trả hồ sơ của thí sinh khá phức tạp. “Hội đồng tuyển sinh của trường phải họp đến 30-7 mới có thể đưa ra thông tin xét tuyển vì phải bố trí chi tiết các khâu nhận, trả hồ sơ cũng như cập nhật thông tin lên mạng.

Đây đều là các khâu quan trọng, không thể nhầm lẫn và phải tách riêng để tránh thất lạc, nhầm lẫn bởi vừa có thí sinh đăng ký mới, vừa có thí sinh rút hồ sơ” – ông Tùng cho biết.