Bác sĩ "Kinh Công"!

ANTĐ - Nhiều người đã gọi những bác sĩ có thể sẽ được đào tạo tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ bằng cái tên như vậy để thể hiện sự châm biếm. 
Bác sĩ "Kinh Công"! ảnh 1

Thật ra, với xu hướng xã hội hóa giáo dục, việc các trường ĐH, CĐ dân lập mở ra các ngành học “hot” để thu hút học viên, đáp ứng nhu cầu xã hội và nuôi sống ngôi trường của mình cũng là chuyện bình thường. Hiện ở nước ta bác sĩ, dược sĩ đang thiếu trầm trọng, mới đạt 7,6 bác sĩ và 2,2 dược sĩ/10.000 dân. Trong khi đó, số lượng các trường đào tạo ngành Y - Dược và trường có khoa y lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều thí sinh muốn học ngành này cũng phải gác lại ước mơ vì không có cửa vào, điểm tuyển sinh năm nào cũng cao chót vót. Rõ ràng là ngành “hot” rồi. 

Vậy thì, lẽ ra có thêm một cơ sở đào tạo ngành Y thì dư luận phải mừng mới phải chứ, tại sao lại khiến dư luận hoang mang, giới y khoa ngao ngán? Dư luận không phải không có cái lý. Bởi bao năm qua, ngành Y, dược chưa bao giờ hết “hot”, nhưng trong bao nhiêu trường ĐH lớn bé, công tư của Việt Nam, có mấy trường dám vào tranh hùng. Ngành học khác nhà trường có thể chạy theo trào lưu, năng lực có “kém” một chút thì vẫn có thể khắc phục, nhưng với ngành Y thì tuyệt đối không được phép vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của người dân. 

Với ngành Y, những vấn đề liên quan đến đào tạo vô cùng phức tạp đòi hỏi sự chuẩn bị và đầu tư rất lớn về thời gian, kinh phí, nhân lực và công sức. Về vấn đề này, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết đã mất 3 năm để chuẩn bị với cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ gần 50 GS, PGS, ThS sẽ tham gia giảng dạy. Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế cũng đã thẩm định hồ sơ và các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học.

Theo đó kết luận về cơ bản nhà trường đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các điều kiện về đội ngũ bám theo các điều kiện mở ngành (Thông tư 08) và tham khảo các điều kiện mở 2 ngành này tại công văn số 7836 của Bộ Y tế; cơ sở vật chất, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, thư viện về cơ bản đã bám theo quy định của Bộ GD-ĐT để đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo 2 ngành Y đa khoa và Dược học. Hồ sơ đã cơ bản đảm bảo theo đúng quy định của Thông tư 08. Đoàn thẩm định cũng ủng hộ việc mở ngành đào tạo Y đa khoa, Dược học trình độ đại học sau khi bổ sung đầy đủ các minh chứng và hoàn thiện hồ sơ mở ngành.

Dù vậy dư luận vẫn chưa yên lòng. Theo giới chuyên môn thì đối với đào tạo ngành Y, việc thực hành là vô cùng quan trọng. Sinh viên trước hết phải học lý thuyết, sau đó đến học trên mô hình, tiếp theo là học trên xác ướp và học trên xác tươi. Vì vậy trường Y là phải có nhà xác. Chi phí xây dựng một nhà xác với công nghệ làm lạnh, chi phí để bảo quản các xác sau khi được hiến rồi đưa đi chôn cất cũng vô cùng tốn kém, trường đã đảm bảo? Thêm các đội ngũ giảng viên đang giảng dạy, hoặc đang có tên trong danh sách giảng dạy đã đủ điều kiện để đảm nhận 2 ngành học y dược này chưa, đã được thẩm định hay chưa, vẫn là điều khiến người ta lo lắng!

Công bằng mà nói, việc quyết định đào tạo ngành Y và Dược của ĐH Kinh doanh và Công nghệ là táo bạo và có thể cần khuyến khích với điều kiện nhà trường phải đủ cơ sở vật chất và năng lực. Cái “điều kiện” kia là rất quan trọng và trách nhiệm thẩm định, giám sát tất nhiên thuộc về Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế. Nhà trường, ngoài việc chuẩn bị kỹ càng, cũng cần thông tin rộng rãi để dư luận có đánh giá thực sự khách quan.