10% học sinh có nguy cơ trầm cảm nặng

ANTĐ - Có tới 90% học sinh được tư vấn tâm lý do gặp khó khăn khi bố mẹ gây áp lực hay ly hôn, bên cạnh đó là hàng loạt áp lực do điểm số hay khúc mắc trong quan hệ tình cảm, quan hệ với bạn bè, thầy cô. Những vấn đề đặt ra từ  phòng tư vấn tâm lý một trường THPT này cho thấy,  công tác tư vấn học đường đang được đòi hỏi như hoạt động không thể thiếu trong trường học.

10% học sinh có nguy cơ trầm cảm nặng ảnh 1Chia sẻ, tư vấn tâm lý đang là nhu cầu bức thiết trong trường học

Vướng mắc tâm lý gia tăng vì bố mẹ ly hôn

Học sinh hiện nay đang gặp không ít khó khăn về vấn đề tâm lý tuổi mới lớn. Hậu quả của việc không tìm được hướng giải quyết vướng mắc này có thể rất nghiêm trọng. Mới đây nhất, sự việc khiến các bậc phụ huynh cũng như thầy cô giáo đau xót, phải suy nghĩ là trường hợp em Trần Hoàng H. – học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn nhảy xuống sông tự tử vì bị điểm kém.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, ở Hà Nội cũng đã xảy ra những vụ việc hết sức đáng tiếc khi có những học sinh ngoan, học giỏi lại tự tử vì bị nghi lấy trộm tiền quỹ lớp hay vì bị đăng ảnh ghép trên Facebook. “Học sinh hiện nay chịu nhiều áp lực do kỳ vọng của gia đình, áp lực điểm số, thứ hạng, khúc mắc trong quan hệ với thầy cô, bạn bè, các cám dỗ của trò chơi điện tử, mối quan hệ xã hội chưa được sàng lọc… Chưa kể đến các vấn đề tâm lý, giới tính, bạo hành gia đình… Có thể thấy, học sinh lúc này đặc biệt rất cần chia sẻ, tư vấn. Tôi cho rằng những trường hợp đáng tiếc nói trên hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu các em được chia sẻ, tư vấn kịp thời”- ông Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Liên tục nhận được những yêu cầu giải đáp thắc mắc từ học sinh qua điện thoại, đặc biệt qua Facebook, bà Bùi Thị Kiều, giáo viên tư vấn tâm lý, trường THPT Marie Curie, TP.HCM cho biết, có tới 90% vướng mắc của học sinh xuất phát từ mâu thuẫn trong quan hệ gia đình. Đặc biệt  khi tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, các em càng có nhiều áp lực về tâm lý.

Cá biệt, hiện trường này đã thống kê một lớp có tới 50% bố mẹ ly hôn khiến các em chịu những cú sốc về tinh thần rất lớn. Kết quả kiểm tra sàng lọc của trường THPT Marie Curie, TP.HCM cho thấy, những học sinh có nguy cơ cao trầm cảm, tự tử chiếm tới 5-10% học sinh toàn trường. Được biết, kết quả này vẫn đúng trong 3 năm liên tục nhà trường tiến hành kiểm tra sàng lọc. Tương tự, tại Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng khẳng định, có những lớp, tỷ lệ học sinh có bố mẹ ly hôn lên tới 30-40%, điều này khiến cho việc giáo dục trong trường học gặp nhiều khó khăn. 

Cần sớm tháo gỡ khủng hoảng tâm lý học sinh

Ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, học sinh hiện nay chủ yếu  ở  trường từ sáng đến tối mới về nhà nếu học bán trú. Do vậy, ngoài nhiệm vụ giảng dạy nhà trường phải gánh thêm trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, tâm lý học sinh, bởi vậy công tác tư vấn tâm lý trường học đang rất được ngành giáo dục quan tâm. Được biết, tại Hà Nội, hiện có hơn 20 trường tham gia dự án thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường.

Hoạt động này đã góp phần giải quyết được vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn những trường hợp khủng hoảng tâm lý mức độ nghiêm trọng như muốn tự tử vì bố mẹ chia tay hay phát hiện, giải quyết trường hợp học sinh bị bạo lực tình dục nhiều năm… Tuy nhiên, với con số trên 1.000 trường học trên địa bàn Thủ đô, số trường thực hiện được công tác tư vấn tâm lý còn quá khiêm tốn.

Nói về hiệu quả của công tác tư vấn tâm lý, bà Bùi Thị Kiều khẳng định: “Chính vì kiểm tra sàng lọc và tiến hành tư vấn kịp thời, trường đã phát hiện 3 trường hợp tâm thần hoang tưởng và ngăn chặn thành công ý định tự tử hay hành hung bạn. Những trường hợp này phải được sự can thiệp của bệnh viện và sau khi phát hiện, điều trị, các em đã quay trở lại trường học tập”.

“Có thể thấy, nếu không được tư vấn, chia sẻ, giải tỏa kịp thời thì những vấn đề tâm lý của học sinh dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Nhẹ thì chán học, bỏ học, nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường, tự tử. Một số học sinh dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội như lô đề, cờ bạc, nghiện game, rượu bia, thậm chí ma túy, mại dâm, sống buông thả, sao nhãng học hành, dẫn đến kết quả học tập yếu kém, bị buộc thôi học, thậm chí vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự” - ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT nhận định.

Trước vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng ngành giáo dục cần mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học tâm lý giáo dục đến với giáo viên, phụ huynh, học sinh để giải quyết vướng mắc đang cản trở việc học tập của học sinh, góp phần định hướng, phát triển nhân cách lành mạnh, toàn diện cho học sinh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ sẽ đề xuất mô hình tư vấn tâm lý áp dụng tại các trường phổ thông. Mục tiêu là tư vấn để giáo dục hình thành các kỹ năng xã hội; tư vấn những vấn đề tâm lý lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; giới tính và sức khỏe sinh sản; gia đình; hướng nghiệp... Tại các trường sẽ xây dựng các phòng tâm lý tư vấn riêng, có chuyên gia tâm lý chuyên sâu.

Tổ chức các buổi nói chuyện giữa chuyên gia tâm lý với các em học sinh; tăng cường hoạt động ngoại khóa để thu hút học sinh nhằm nâng cao kỹ năng sống.