Xung quanh dư luận về vườn tượng 12 con giáp 'khỏa thân': Bình thường hay có 'vấn đề'?

ANTD.VN -Những bức tượng 12 con giáp “mình người, đầu thú” trong thế phô bày các bộ phận “nhạy cảm” tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu (Đồ Sơn, Hải Phòng) không chỉ khiến dư luận xôn xao mà còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều đến từ các họa sĩ, nhà điêu khắc.  

Xung quanh dư luận về vườn tượng 12 con giáp 'khỏa thân': Bình thường hay có 'vấn đề'? ảnh 1

Vườn tượng 12 con giáp tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu

Không thể tùy tiện lắp “mình người, đầu thú”

Chia sẻ với PV Báo An ninh Thủ đô, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cho biết, cùng là tượng khỏa thân nhưng đối với các bức tượng đẹp và lịch lãm thì người ta gọi là tượng “nude”, còn các bức tượng xấu quá thì bị gọi là tượng… “cởi truồng”.

Trước đó, chia sẻ về vườn tượng 12 con giáp “mình người, đầu thú”, ông Hoàng Văn Thiềng, Giám đốc công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dấu lý giải, vì đơn vị này làm du lịch nên phải tìm cách tạo được sự mới lạ để hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, quan điểm của ông Hoàng Văn Thiềng khiến không ít người băn khoăn, nhất là khi những hình ảnh du khách đến vô tư tạo dáng phản cảm bên các bức tượng này lan truyền khắp mạng xã hội.

Xung quanh dư luận về vườn tượng 12 con giáp 'khỏa thân': Bình thường hay có 'vấn đề'? ảnh 2

Bộ tượng 12 con giáp "mình người - đầu thú" khiến dư luận xôn xao trong những ngày vừa qua

Trước ý kiến cho rằng, những bức tượng 12 con giáp mang tính giải trí thì có nhưng tính giáo dục thì cần phải xem lại, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt nhận định, giải trí có nhiều cách bởi có nhiều loại tầng văn hóa khác nhau. Vì thế nhà điêu khắc này cho rằng, có thể chủ đầu tư bộ tượng này thấy thẩm mỹ, tạo hình của những bức tượng 12 con giáp phô bày các bộ phận “nhạy cảm” trên cơ thể là bình thường, nhưng đối với cộng đồng thì đó lại là vấn đề. Không ít các bậc phụ huynh băn khoăn việc Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu không giới hạn độ tuổi khách tham quan, trong khi bộ tượng 12 con giáp “mình người, đầu thú” không phù hợp với lứa tuổi trẻ nhỏ.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cũng cho biết thêm, trong tín ngưỡng tối cổ có hình ảnh “mình người – đầu thú”. Tuy nhiên đó là một tín ngưỡng lớn, dày dặn chứ không phải cứ lắp bất cứ mình người nào với đầu thú nào với nhau là được. Theo đó, việc gắn đầu một con vật nào đó vào cơ thể của con người phải dựa trên nhiều cơ sở, trong đó có cơ sở tôn giáo chứ không thể làm tùy tiện.

Du khách tạo dáng phản cảm bên một bức tượng gây tranh cãi tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu

Vừa không có tính thẩm mỹ, vừa phản cảm

Về ý kiến của ông Hoàng Văn Thiềng, Giám đốc công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dấu cho rằng những bức tượng 12 con giáp mang biểu tượng văn hóa phồn thực và thể hiện sự giao lưu văn hoá, họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định ông không thấy tín ngưỡng phồn thực của người Chăm được thể hiện ở những bức tượng 12 con giáp nêu trên.

Họa sĩ Vi Kiến Thành nhấn mạnh, đồng bào Chăm khi làm sinh thực khí rất cách điệu, còn những bức tượng 12 con giáp được người ta làm theo tả thực. Tả thực ở đây là lấy đầu thú lắp vào mình người một cách tùy tiện về tư duy và thẩm mỹ, không có giá trị gì về mặt nhân văn. Do đó, theo họa sĩ Vi Kiến Thành thì bộ tượng 12 con giáp không những không có tính thẩm mỹ mà còn phản cảm, dư luận nói bộ tượng thiếu tính nhân văn cũng đúng.

Lý giải điều này, họa sĩ Vi Kiến Thành cho rằng bộ tượng 12 con giáp không mang đến nội dung, thông điệp cho người xem. Họa sĩ Vi Kiến Thành nêu ví dụ, ở một số nước trên thế giới, người ta tạc tượng nhân sư tức đầu người - mình thú, còn ở đây thì làm ngược lại kiểu đầu thú - mình người. Cụ thể, tượng nhân sư được làm để hướng đến giá trị nhân văn, dù tạo hình con thú có như thế nào thì người làm tượng vẫn mong muốn chúng có suy nghĩ và tình cảm của con người bởi con người là tinh hoa của vũ trụ.

Do đó, họa sĩ Vi Kiến Thành thắc mắc không hiểu theo triết lý gì mà bộ tượng 12 con giáp tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu lại làm ngược lại?

Cùng với đó, họa sĩ Vi Kiến Thành không bàn về nghệ thuật của bộ tượng trên, bởi theo ông, đó là sản phẩm tuỳ tiện kiểu giao cho người thợ đục đá làm theo ý tưởng của người đặt hàng.

Họa sĩ Vi Kiến Thành tiết lộ, mới đây ông vừa vừa thảo một văn bản để trình lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ký, liên quan đến chuyện đặt các tác phẩm tượng - biểu tượng ở những nơi công cộng. Mặc dù văn bản chưa ký xong nên chưa thể ban hành, song dưới góc độ quản lý, họa sĩ Vi Kiến Thành nhận thấy cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn của các cơ quan chức năng đối với việc đặt các tác phẩm tượng - biểu tượng ở những nơi công cộng.

Theo đó, các sở chủ quản tại các tỉnh, thành phố phải kiểm soát việc đặt các tác phẩm tượng - biểu tượng ở những nơi công cộng. Trường hợp cá nhân/tổ chức làm tượng đặt ở những vị trí công cộng thì chắc chắn phải chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Kiểm soát ở đây bao gồm kiểm soát về mặt nội dung, nghệ thuật... với mục đích đảm bảo những tác phẩm được đặt ở ở nơi công cộng phải mang giá trị nhân văn và mỹ cảm cho đời sống con người.