Viết thư tay đang dần trở nên xa lạ

ANTD.VN -Triển lãm “Về một thời ngây ngô” của nhà sưu tập Nguyễn Thị Dạ Thương gây chú ý với người xem, bởi những lá thư tay nối liền hai thế kỷ đã đánh thức cả một trời ký ức trong mỗi người. 

Tìm về một thời ký ức xa xưa

100 bức thư tay của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong suốt 1 thế kỷ qua đã làm nên một triển lãm có cái tên khá ngộ “Về một thời ngây ngô”. Có ý kiến cho rằng, cái tên triển lãm khá buồn tẻ, sao lại là “thời ngây ngô” mà không phải một mỹ từ gây sốc hơn như “thời xa nhớ”, “thủa lưu luyến”… Hơn nữa, viết và gửi thư theo lối truyền thống sao lại gọi là “ngây ngô”. Tuy vậy, Nguyễn Thị Dạ Thương, chủ bộ sưu tập thư tay đã nhất quyết bảo vệ quan điểm. Theo chị, một số bức thư tay nếu ngược dòng thời gian, sẽ ứng với thời điểm chị học cấp 3, đúng thời ngây ngô trong đời người.

Nhìn ngắm những bức thư tay được trưng bày lần này, người xem như được trở về thời ông bà, bố mẹ mình đã sống. Ở thời đại đó, những lá thư là phương tiện truyền tin duy nhất để mọi người giữ liên lạc và biết được tình hình của nhau, nhất là với người ở xa. Vì thế, hầu như lá thư nào cũng dài, cũng ngồn ngộn cảm xúc và đầy những thông tin.

Bên cạnh những lá thư dạt dào cảm xúc của những đôi lứa, triển lãm còn trưng bày các bức thư thời chiến, thời bao cấp… Dù khác nhau về nội dung, về nét chữ nhưng ở những bức thư đó, điều người xem cảm thấy xúc động chính là cái tình trong mỗi bức thư. Hồn chữ đã chở hồn người. Có những bức thư run rẩy cảm xúc của những nhớ thương, nhưng cũng có những bức thư lại mạnh mẽ, quyết liệt cho một ý chí ra trận…

Tất cả đã được trưng bày tại không gian thư viện A Letter Home (20 ngõ 33 Tân Ấp, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội).  Do vậy, nói triển lãm “Về một thời ngây ngô” là để tìm lại một trời ký ức, một thời tuổi trẻ đã qua của các thế hệ cụ ông, cụ bà quả không ngoa. Và cũng từ triển lãm ấy, những người trẻ còn tìm thấy hình ảnh gia đình Việt Nam, về cách ứng xử, đối đãi giữa những người Việt với nhau, qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm. Nhiều ký ức vụn vặt được lưu giữ trong các bức thư đã làm nên một triển lãm ý nghĩa, là những dấu ấn thời đại được giữ gìn qua nét chữ.

Nếm trải cảm giác ngóng chờ tin của người thân

Triển lãm càng trở nên ý nghĩa hơn khi được ra đời trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, giúp con người sống chậm lại để tận hưởng cuộc sống nhiều chiều. Ở thời đại ấy, việc viết thư tay đang dần trở nên xa lạ, khi khoảng cách địa lý được rút ngắn lại chỉ với vài dòng tin nhắn, cuộc điện thoại, thậm chí có thể nhìn thấy nhau như thể đang ngồi cạnh. Chính vì vậy, việc tạm rời xa những chiếc điện thoại thông minh, chiếc máy tính hiện đại để ngắm nhìn 100 bức thư với đủ loại chất liệu giấy, đa số đã ngả vàng, loang ố màu thời gian, hít hà mùi giấy cũ là một trải nghiệm không thể bỏ qua của những tâm hồn hoài niệm.

Không chỉ có thế, người xem còn được nếm thử cảm giác hồi hộp, thấp thỏm ngóng chờ tin ai hàng tuần, hàng tháng qua lá thư tay.

Dù không nói ra, nhưng chủ  nhân của cuộc triển lãm này, chị Nguyễn Thị Dạ Thương có mong muốn những người đến xem triển lãm, sẽ bớt chút thời gian để ngồi lại bên trang viết, gửi đến người thân một lá thư. Bởi khi viết tay, ý nghĩ, tâm trạng, tình cảm đều chuyển lên mặt giấy. Khi viết tay, mỗi ký tự đặt xuống mặt giấy là một luồng năng lượng. Mà suy cho cùng, một tình yêu, một tình thương, một niềm cảm mến gửi cho nhau là muốn người nhận lấy được cái hồn, đâu phải để nhận một thông tin. Thế thì chỉ có viết tay, chỉ cách đó thôi.

Triển lãm “Về một thời ngây ngô” diễn ra từ ngày 7-1 đến ngày 7-2 tại không gian thư viện A Letter Home (20 ngõ 33 Tân Ấp, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội).