Viết thật về đời lính chiến

ANTĐ - Không lý tưởng hóa hình tượng người lính, cũng không tìm cách tô vẽ quá khứ, cuốn “Hồi ức lính” là những tâm sự thực thà nhất mà một người lính có thể viết ra, để cho bất cứ ai đã từng khoác lên mình màu áo xanh, đã trải qua những gì khốc liệt nhất của một cuộc chiến có dịp nhìn lại một thời tuổi trẻ của mình. 

Viết thật về đời lính chiến ảnh 1Tác giả Vũ Công Chiến

Phải đợi đến gần 40 năm sau cuộc chiến tranh, Vũ Công Chiến mới có dịp ngồi lại để viết về ký ức thời chiến của mình. Lý do đơn giản là cho đến tận bây giờ, bạn bè và cả người thân của ông vẫn nghĩ rằng “cầm súng chiến đấu chắc là ở đâu đó thôi, và với ai đó thôi, còn tôi chắc là ngồi bàn giấy”. Vì một chút tự ái này mà Vũ Công Chiến bắt đầu viết.

Từ cuối năm 2013, ông bắt đầu chia sẻ về cuộc sống của mình nơi chiến trường trên facebook, và nhận được sự ủng hộ của nhiều độc giả và cả những người bạn chiến đấu năm xưa. Ông từng tâm sự, những đồng đội khi biết ông ra sách chỉ nhắn nhủ là “phải viết thật, không bịa đặt”, còn lại không có yêu cầu gì khác. Bởi vậy, cuốn “Hồi ức lính” đã chạm đến tâm tư của những chàng thanh niên  bước vào cuộc sống quân ngũ ngay khi bước vào đời.

Viết thật về đời lính chiến ảnh 2

Lần đầu tiên họ nếm trải những cơn mưa rừng Trường Sơn, ứa nước mắt vì nhớ nhà, nhớ người thân. Lần đầu tiên họ cảm thấy bị tổn thương khi những bức thư chan chứa tình yêu thương đã bị bỏ lại nơi tiền tuyến. Lần đầu tiên biết thế nào là sốt rét rừng miên man khiến cơ thể bủn rủn, rã rời. Và cũng chính những người lính ấy ngượng ngùng, đỏ mặt khi thấy những thiếu nữ Lào, cũng thấy bồi hồi xao xuyến, rung động, cũng nhớ thương. 

Cũng chính vì tính chân thật, người đọc có thể tìm thấy những chi tiết về cuộc sống trong quân ngũ từng bị coi là chuyện tối kỵ. Đó là cuộc đào ngũ tập thể tại đại đội, trong đó có Trọng, một trong số những người anh thân thiết mà ông sát cánh trong những thời khắc sinh tử; đó là chuyện người lính tên Định bắn nhầm đồng đội và bị khai trừ khỏi Đảng, nhưng anh vẫn chuyên tâm chiến đấu và công tác tốt nhằm gột rửa “vết nhơ”; đó là tình cảnh rơi nước mắt của những cô gái thanh niên xung phong, một mực xin có thai với những người lính, bất chấp búa rìu dư luận, chỉ để được đơn vị giải quyết cho về nhà.

Nếm trải những tháng ngày đằng đẵng ở rừng trong cái đói cái khát, những cuộc hành quân bòn rút sức lực, kiệt quệ thể xác, những trận bom đạn rát mặt từ kẻ thù, họ họ cũng từng có ý muốn bỏ cuộc. Vũ Công Chiến không tìm cách lý tưởng hóa người lính như những người anh hùng, mà họ cũng là con người, cũng từng yếu lòng muốn vứt bỏ tất cả khi đứng trước thử thách nghiệt ngã của chiến tranh. Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa, “chỉ mong hòa bình để được buông tay súng”.