"Vị làng" Đường Lâm

ANTD.VN - Muốn biết “vị làng”, xin mời ghé vào 1 trong số 956 ngôi nhà cổ ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). 

Về Đường Lâm, chủ nhân của những ngôi nhà cổ luôn nhiệt tình mời khách vào thăm nhà và… ăn cơm. Nghĩa là cái ngôi làng du lịch ấy, nhà nhà làm dịch vụ. Nhà nào cũng sẵn sàng làm bữa trưa cho khách, khách sẽ ngồi xếp chân vòng tròn mà ăn ngay trên phản với mâm cơm của chủ nhà, nhưng thực đơn thì tùng tiệm thôi. Những ngôi nhà cổ ít nổi tiếng, ít khách ghé thăm hơn lúc nào cũng kèm theo một câu chào tạm biệt chứa đầy hy vọng: “Trưa nay nếu có dùng bữa thì cứ đặt tôi nấu nhé”. 

"Vị làng" Đường Lâm ảnh 1Đường Lâm trước gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh, trấn Sơn Tây, trong đó các làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Đường Lâm cũng từng là lỵ sở của trấn Tây (Sơn Tây hay xứ Đoài, Đoài cũng là Tây) từ thế kỷ thứ XIX

Người làng hồn nhiên là thế!

Tư dinh vài trăm năm tuổi có năm gian, hai dĩ trở thành nhà hàng hoặc nơi nghỉ homestay cho khách Tây. Có nhà cổ biến thành nhà hàng thực thụ khi vừa bước vào đã thấy hai hàng hiên nhỏ hẹp kê những dãy bàn ăn bằng mây san sát, khách Tây - Ta ăn uống rào rào. Đó là ngôi nhà cổ đầu tiên tôi vào thăm, thấy ồn ào và… Tây quá, không giống “làng” tí nào nên đi tìm ngôi nhà cổ thứ hai, chủ sở hữu là anh Hà Nguyên Huyến, biên tập viên của Báo Văn nghệ.

Anh Huyến hàng ngày lên tòa soạn gần Bờ Hồ lo chuyện văn chương cho bản báo, rồi cuối tuần lại quay về lo kinh doanh và chăm sóc mấy vại tương ủ trong sân. Văn nhân, thi sĩ Hà Nội về làng Đường Lâm thường ghé nhà anh Huyến. Nhưng hôm đó thấy anh cũng đang bận rộn chuẩn bị làm cơm thết khách nào đó có vẻ rất quý, tôi lại cáo lui.

Cuối cùng tôi nghỉ chân ở nhà bác Thể, chủ nhân một ngôi nhà cực cổ mà theo bác thì ở Đường Lâm chẳng còn ngôi nhà nào đẹp và cổ hơn. Đã vào nhà bác rồi thì đừng nên đi đâu thêm nữa cho mất công. Tôi thấy cũng đúng thế thật. Nhà bác Thể rất đẹp và cổ. Chúng tôi đề nghị bác làm cho bữa cơm trưa với món thịt gà luộc, lòng mề nấu miến, giá xào, rau muống luộc và cà dầm tương. Trong lúc chờ vợ chồng con cái chủ nhà cùng túi bụi làm cơm, tôi ngồi uống nước vối trong gian khách cổ kính, lơ đãng ngắm khoảnh sân hanh nắng vàng rực hoa huỳnh anh, bậu cửa bức bàn thấp bé nhẵn bóng tay người, chiếc sập gỗ đen đơn sơ... 

Bác Thể hay chuyện, trong lúc vui miệng kể luôn với khách việc mình vô cùng chung thủy với vợ, nhiều bận cùng chúng bạn đi chơi, bạn bè “vui vẻ” bên trong còn bác tự động bỏ về. Văn hóa làng là thế! Người làng hồn nhiên là thế! Sau chừng nửa tiếng chuyện thì chúng tôi biết hết sạch gia cảnh nhà bác, biết cả tính cách và thói quen của cậu út đang học đại học trên thành phố nữa. 

"Vị làng" Đường Lâm ảnh 2Đường Lâm yên ả, thanh bình, nơi cuộc sống dường như trôi chậm lại

Đậm đà hương vị làng quê

Tiếng là nhà quê nhưng bác Thể không có gà trong sân. Lúc nào có khách đặt cơm mới đạp xe sang hàng xóm, lúc quay về một tay cầm lái, tay kia túm chân con gà sống thiến. Nhà bác cũng không sẵn thứ gì dù rất đông khách. Nhoắt cái lại thấy bà chủ nhà hay cô con gái đạp xe đi và trở về với  gói mì chính, hoặc bó miến nhỏ xíu chỉ đủ cho một mâm cơm.

Mọi thứ trên mâm thứ gì cũng tươi, cũng ngon và rất vừa miệng, đến nỗi giờ cứ mỗi lần nhìn thấy gà luộc là tôi lại nghĩ đến mâm cơm nhà bác Thể. Bác cũng card visit, trên đề “Hà Hữu Thể - Nhà cổ Đường Lâm - Điểm tham quan du lịch và phục vụ mọi nhu cầu quý khách”. 

Ngoài quỹ Nhà nước cấp phí hàng tháng cho các hộ dân để gìn giữ nhà cổ, còn nhiều công ty du lịch cũng chọn mặt gửi vàng đầu tư vào một số ngôi nhà thực cổ và thực đẹp, mà chủ yếu là đầu tư vào công trình phụ. Những ngôi nhà “hợp tác” này sẽ là nơi lui tới chủ yếu cho khách Tây của công ty. Có ngày bác Thể đông khách, cả nhà xúm vào làm cơm đến chóng mặt mới được nghỉ. Chủ nhà bảo: “Bữa nào có khách thì tôi làm cơm, bữa nào không có thì tôi nằm nghỉ khỏe”.

Kinh doanh đơn giản như thế. Lần nào về làng tôi cũng chỉ vào nhà bác Thể, ới từ đầu ngõ: “Bác Thể ơi, trưa nay cho ăn cơm với nhá”. Miêu tả chiếu lệ vài món ăn trong cái thực đơn duy nhất có gà luộc và rau muống chấm tương rồi tranh thủ đi chơi chỗ khác trong lúc bác mổ gà. Cũng có lần vừa đứng giữa sân đòi ăn cơm khi mặt trời đã giữa con sào, bác Thể xuất hiện trên bậc thềm thản nhiên: “Ăn cơm mà sao bây giờ mới báo”. Nói thế nhưng rồi vẫn lục tục dắt xe đi mua gà thay vì “nằm nghỉ khỏe” trên sập gỗ.

Mọi ngôi nhà cổ trong làng đều đã trở thành điểm du lịch. Rất nhiều nhà cổ cũng mong muốn được đông khách như bác Thể. Tôi đến đâu cũng được chủ nhà dúi vào tay tấm card visit, bảo: “Lần sau có về làng nhớ ghé thăm nhà chị”. 

Ngoài tương và chè thì món bánh tẻ cũng khá nổi tiếng, thường được bán ở cổng chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự). Ngoài cổng chùa, giống như một cái chợ, người ta bán đủ thứ quà quê từ chuối ngự, mít mật, nhót chín cho đến bánh gai, bánh tẻ, trứng gà và các loại bánh kẹo quê. Nhưng vào đến khuôn viên bên trong, tôi cho rằng đây là một trong những công trình tôn giáo đẹp nhất Việt Nam. Sùng Nghiêm Tự được xây dựng nên bởi bà chúa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng, có một thiết kế khá đặc sắc.

Những bức tượng thập bát La Hán tuy không hoành tráng như chùa Tây Phương hay ngôi chùa hiện đại ở Bái Đính nhưng lại mang dáng vẻ giản dị riêng biệt mà sang trọng của một ngôi chùa đặc trưng ở đồng bằng Bắc bộ. Giàn cây lá lung linh như một giếng trời hẹp chạy dài trước những pho tượng Phật (một kiểu tôi chưa từng gặp ở bất kỳ ngôi chùa nào) và ở gian trong, nơi thờ 18 vị La Hán khổ hạnh, bóng nắng cũng an lành chiếu rọi lên những gốc cây vài trăm năm tuổi thơm nức hương thanh khiết của mộc, lan, bưởi, sữa. 

Bữa ấy là thu, tôi đã nếm đủ dư vị làng qua thị giác, thính giác, khứu giác và vị giác. Trước khi rời làng, tôi ngồi trong một ngôi nhà ngay lối đường cái gần cổng làng. Công trình này đã xây lại hoàn toàn bằng nguyên vật liệu mới nhưng vẫn theo lối cổ Đường Lâm với tường đá ong và kèo cột gỗ. Tôi tự rót nước vối từ chiếc tích ủ trong ấm giỏ, tự bật quạt rồi tự bóc kẹo lạc. 

Ngồi trong yên ả, thanh bình, thấy cuộc sống dường như trôi chậm lại. Nơi này dường không thứ gì chuyển động, không thứ gì vội vã ngoài những sợi tóc tiên thi thoảng đu đưa trong heo may và vài chú chim sà xuống sân nhặt cơm rơi. Thảng hoặc có đôi thanh niên người Âu lưng đeo ba lô chậm rãi đạp xe qua những rơm rạ. Họ đi khắp làng bằng những chiếc xe đạp thuê giá rẻ từ một ngôi nhà cổ nào đó. 

Người Đường Lâm tự hào vì mảnh đất thiêng, quê hương của nhiều nhân tài, nhiều thế hệ danh giá làm quan to. Người Đường Lâm càng ngày càng giàu có lên. Tôi bỗng lo, như bao lần mơ hồ lo lắng khi đến Huế và Hội An: Những ngôi nhà cổ còn tồn tại đến bao giờ nữa? Liệu chúng có nhanh chóng biến mất một cách buồn thảm như nhà rường ở Huế hay không? Lúc ấy, tôi biết lấy nơi nào để thưởng thức hương vị làng khi mà Đường Lâm cũng sẽ bị đô thị hóa như rất nhiều làng quê Việt đang hóa thành bê tông, sắt thép?