Văn trẻ mới chỉ dừng ở mức sôi nổi, nhiệt tình

ANTD.VN - Việc xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm văn học na ná nhau, thiếu cá tính ngay cả trong giới văn học trẻ hiện nay đang làm nảy sinh những câu hỏi, liệu đây có phải là sản phẩm của sự thiếu trải nghiệm hay chỉ đơn thuần là các gương mặt trẻ đang lúng túng trong việc định hình cái tôi của chính mình? 

Nhiều tác phẩm văn học trẻ thời gian gần đây bị đánh giá là thiếu cá tính 

Không tìm ra cái mới

Tại Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ lần thứ 9 - một trong những sự kiện đáng chú ý được giới văn sỹ quan tâm diễn ra 2 ngày nay, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Trưởng ban Nhà văn trẻ có nhận định, một trong những vấn đề của văn học trẻ đó là “sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng, giữa đa dạng với độc đáo”.

Ông cho rằng, rất nhiều tác giả, tác phẩm xuất hiện rầm rộ, nhưng ít tác giả, tác phẩm đặc sắc. Không phủ nhận văn trẻ đã đồng hành cùng dân tộc qua các biến cố lớn, “đã sôi nổi, đã nhiệt tình”, nhưng theo Nguyễn Bình Phương, “đa phần mới chỉ dừng ở đấy”.

Trong khi đó, thực tế đang đặt ra vô số vấn đề về kinh tế, đạo đức, văn hóa, thậm chí là về cả lý tưởng và hơn bao giờ hết xã hội cần những tác phẩm đề cập một cách ráo riết, đến tận cùng số phận con người, cũng như cần những cắt nghĩa, những cảnh báo, cần cả khoảng yên bình, sâu lắng để tâm hồn được tĩnh lại. Vậy mà thật hiếm tác phẩm văn học đủ sức quyến rũ và độ tin cậy để độc giả có thể bấu víu vào đó. 

Nhà phê bình Ngô Hương Giang thẳng thắn: “Trong một năm nay, tôi thấy  dường như văn học không có sự nổi bật về yếu tố cá nhân. Nhiều tác phẩm viết ra hao hao giống nhau, thiếu sự sáng tạo. Điều này rất khác so với các tác phẩm tôi đọc trước đây.

Chẳng hạn của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, các yếu tố chất liệu của anh rất đời thường, như bối cảnh nông thôn hay trong nhà giam… Nhưng ngôn ngữ của anh vừa pha trộn báo chí vừa pha trộn chất giễu nhại thời đại, điều đó đem đến cảm giác con người ta cần thức tỉnh”. Nhà phê bình Ngô Hương Giang cho rằng, cái cốt lõi của việc sáng tạo đó là nhà văn trẻ phải xác định cá tính cũng như quan điểm cá nhân của mình. Mà điều này trong các tác phẩm hiện nay đang rất thiếu. 

Đi nhiều chưa chắc đã viết hay

Lý giải về sự thiếu những yếu tố mới trong các tác phẩm văn học trẻ, nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang nhận định một phần là do sự thiếu đi, thiếu trải nghiệm của một bộ phận những cây bút trẻ hiện nay. Anh viện dẫn, “thi sỹ giang hồ” Nguyễn Bính dành hầu hết tuổi trẻ của mình để đi. Ông phiêu du góc bể chân trời để phục vụ cho việc viết.

Còn nhà văn “Trăm năm cô đơn” Gabriel J.G Márquez cũng dành rất nhiều thời gian chuẩn bị cho nghiệp viết của mình qua hành trình di chuyển giữa hai châu lục Âu - Mỹ và cả Mỹ La-tinh. Lê Vũ Trường Giang cho rằng, nếu ngồi một chỗ chẳng khác nào giống như những biến thể “văn nghệ salon”.

Nếu không chịu trau dồi tri thức, nhà văn sẽ trở thành con ếch trong cái giếng của chính mình. Trường Giang cho biết, khi mà sự hoang hóa con chữ đến rất nhanh, nếu không đọc, không tìm tòi thì nhà văn rất dễ lặp lại chính mình. 

Nhà văn trẻ Nhật Phi, người giành giải Nhất cuộc thi “Văn học tuổi 20” lại bày tỏ quan điểm khác. Tác giả của “Người ngủ thuê” nhận định: “Tôi cho rằng khi xã hội bị cào bằng, tính địa phương hóa bị tẩy trắng thì ở một mức độ nào đó, đi đến đâu cũng vậy thôi. Như Franz Kafka, cả đời ông là một công chức quanh quẩn bên chiếc bàn làm việc, luôn bức bối vì ít thời gian để viết.

Nhưng bằng suy nghiệm, bằng trải nghiệm thời thơ ấu và bằng trí tưởng tượng, ông vẫn trở thành một đại tác gia”. Nhật Phi cho hay, “hành trình lớn nhất của nhà văn đó là hành trình đi ra khỏi cái tôi”, chứ không phải là hành trình địa lý. Cái quan trọng nhất tôi cho rằng, các nhà văn phải “mở được cái đầu của mình”.

Đồng tình với quan điểm này, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ: “Tôi tin rằng mỗi người có một cách nhập cuộc của riêng mình. Không phải ta cứ đi nhiều, cứ lăn xả vào đời sống là ra được tác phẩm tốt. Có những người, có những “tạng” viết như Nguyễn Văn Học, phải đi mới phải viết nhưng những người như Đinh Phương, Nhật Phi… có cách sáng tạo của riêng mình dù chẳng cần đi đâu cả. Mỗi nhà văn đều có một sự thu nhận của mình, có cách xử lý hiện thực của mình và họ biết mình cần gì ở hiện thực ấy”.