Từ tiểu thuyết đầu tay "Gái điếm" đến sức vóc của một nhà văn trẻ từng làm đủ nghề

ANTD.VN - Tôi quen nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học đúng vào thời điểm anh khởi nghiệp bằng 2 tập thơ, in trong các năm (2003-2005). Tôi thoáng giật mình với những câu thơ của anh: “Giấc mơ tôi góc vườn xây mộ trắng. Ngu ngơ câu thơ phơi xác trăng rằm. Ai đã chọn túi vàng quên quả khế. Cổ tích bay theo cánh rạc chim đàn” (trích trong tập thơ “Hóa mùa”). Ấy thế rồi Học đã rẽ lối sang đường văn, cùng với cuộc mưu sinh nhọc nhằn… 

Từ tiểu thuyết đầu tay "Gái điếm" đến sức vóc của một nhà văn trẻ từng làm đủ nghề ảnh 1

Dâu bể cùng những con chữ

Nguyễn Văn Học đúng như cánh chim trong câu thơ, mải miết bay trong nỗi cô đơn, lạc đàn tìm nơi dựng tổ. Anh ra đi từ miền quê nghèo Phú Xuyên (Hà Tây cũ), kiếm việc làm, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Du lịch, năm 2002. Có thể nói Nguyễn Văn Học đã dấn thân sống, tìm bến đậu của mình, với một hiện thực chát chúa. Câu chuyện bất ngờ ngay cả đối với chính anh khi kiếm đồng tiền đầu tiên trong cuộc đời. Đó là một nhà “vòm” đúng nghĩa của nó, ẩn nấp sau cái tên mỹ miều karaoke, ở ngoại ô thành phố Hà Nội. Nguyễn Văn Học làm nhân viên bảo vệ, khui rượu, và điều hành công việc trong nhà nghỉ, quán karaoke...   

Hiếm có người vừa viết, vừa hít thở ngay trong một môi trường sặc mùi sống sít của làn da, và những tiếng cười điên dại như anh. Ngọn đèn le lói, trong căn phòng nhỏ bé chỉ soi tỏ trang giấy, mà Nguyễn Văn Học viết từng con chữ nóng bỏng vừa bật ra. Nhiều lúc Học muốn bứt thoát khỏi cái kiếp nạn này, nhưng cuộc mưu sinh xui khiến cùng với những khao khát khám phá một hiện thực, mà lâu nay văn chương đã bỏ quên hay cố tình né tránh. Phải nói đó là một sự quả cảm của tuổi trẻ. Sống với nó mà không bị cám dỗ. Gần kề với những thân phận đau khổ để cảm thông, chia sẻ và tìm ra ánh sáng trong con đường hầm không dễ gì với một bản lĩnh còn non nớt tuổi đời. Những hiện thực tăm tối ấy đã tràn lên những trang tiểu thuyết đầu tiên của anh.  

Nguyễn Văn Học có một sự kiếm tìm hiện thực của riêng mình. Đó là sự dấn thân đầy cam go, và phải chống  chọi với những cám dỗ chết người. Sau này khi về học tại trường Đại học Văn hóa (Khoa Sáng tác-Lý luận-Phê bình văn học, niên khóa 2005-2009), anh liên tiếp viết được hai tiểu thuyết và hai tập truyện ngắn, truyện ký về thân phận “kiếp hoa”, với vốn sống tích lũy trong mấy năm trời. Đặc biệt là cuốn tiểu thuyết “Gái điếm” (NXB Văn học-2008). Sự ra đời của cuốn sách đã gây dư luận ban đầu đáng khích lệ đối với một cây bút trẻ như Nguyễn Văn Học.  

Và cũng từ đây, Nguyễn Văn Học kết hợp vừa sáng tác, vừa viết báo để kiếm sống. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh trở thành nhà báo chuyên nghiệp, hiện là phóng viên Báo Nhân dân. Tình yêu cuộc sống bừng dậy trong anh với nhiều cung bậc cảm xúc khi tiếp cận với hiện thực. Những trang văn lấp lánh với biết bao câu chuyện anh phát hiện từ cuộc sống. Lại những đêm trăn trở lao tâm khổ tứ với từng con chữ. Ào ạt và đam mê. Liên tục hàng năm, anh đều cho ra đời những cuốn sách, khi là tập truyện ngắn, khi lại liên tiếp in một loạt tiểu thuyết. Phải nói anh viết như lên đồng trong những đêm thức trắng. Nào là “Đường dài hạnh phúc” (2008); “Bão người” (2009); rồi đến “Cao chạy xa bay” (2010); “Hỗn danh” (2011)… và mới nhất là “Vết thương hoa hồng” (2016).

Tất cả tới 9 cuốn tiểu thuyết trong vòng 10 năm. Ấy là chưa kể cùng với thời gian này, Nguyễn Văn Học còn cho ra đời 10 tập sách khác, gồm truyện ngắn và ký sự báo chí. Có thời anh sụt cân, sức khỏe giảm sút vì sự lao động khổ sai trên cánh đồng chữ nghĩa. Quả là sức làm việc phi thường của Nguyễn Văn Học đã đem lại nhiều thành tựu đáng khích lệ cùng với những giải thưởng văn chương, báo chí do Báo Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam và Bộ Văn hóa-Thể thao và du lịch…trao tặng. Năm 2015, Nguyễn Văn Học được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội, với sự hiện diện là một tác giả trẻ chuyên viết tiểu thuyết đầy tiềm năng.

Mười năm gọi tên “Hỗn danh”

Nhìn qua những bộ sách nhiều thể loại của nhà văn Nguyễn Văn Học, mới thấy anh như một thợ cầy cần mẫn gieo trồng trên nhiều mảnh ruộng. Không biết sau này anh “dồn điền đổi thửa” thế nào, nhưng xem ra anh có xu hướng trường sức, viết dài với những quy mô hàng trăm trang cho một phận đời. Trong bộ 9 cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Văn Học, dư luận bạn đọc dành sự quan tâm đặc biệt đến tác phẩm “Hỗn danh”.

Có nhà phê bình nhận định, từ “Hỗn danh” đã xuất hiện một tác giả tiểu thuyết với đúng nghĩa nhất. Nhân vật rõ nét và điển hình cho những con người khát danh vọng bằng mọi giá. Họ có thể đạp đổ mọi đối tác, quan hệ và sẵn sàng gây tội lỗi để đoạt lấy danh lợi. Sự xảo trá của con người đáng lên án và tác giả đã bóc trần sự thật đen tối đằng sau những vinh quang hào nhoáng.

Thông qua nhân vật họa sĩ Bình, tác giả đã dẫn dắt người đọc bằng những câu chuyện sinh động, để lên án những thói háo danh, kệch cỡm. Cùng với đó là những nhân vật ca sĩ, người mẫu, nhà văn, giáo sư… Nhiều người trong số họ bị tha hóa và biến chất trong sự nghiệp của mình. Đó là sự nhiễu loạn của một thị trường ngầm trong thế giới văn hóa văn nghệ, nơi mà biết bao người khao khát danh vọng hão huyền. Tác giả đặt cho cái tên “Hỗn danh” là vì vậy.

Sự phản biện của tác giả khá sắc sảo với bút pháp huyền ảo thông qua những giả định, cách điệu của nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật. Chủ đề chồng lớp, đan xen đã làm nên sức nặng của tác phẩm. Đáng chú ý, hình tượng năm cô gái trong tranh, như một sự hiện diện của tác giả với những cảm xúc hồn nhiên và tràn đầy nỗi khát khao muốn làm người tốt nhưng không được. Những cô gái ảo mà thực bày tỏ thái độ về thế giới con người, cùng những sắc mầu “Hỗn danh” khốc liệt và cay đắng… Nhiều bạn đọc nói cuốn tiểu thuyết này của nhà văn Nguyễn Văn Học có sức thu hút bởi bố cục mới lạ và nghệ thuật kể chuyện sinh động, cùng những chi tiết hấp dẫn. 

Mấy năm sau, nhà văn Nguyễn Văn Học còn in được bốn tiểu thuyết khác, nhưng chính anh cũng từng bày tỏ, “Hỗn danh” mới là một mốc son của mình. Nó được viết trong căn nhà trọ nhỏ bé, xiêu vẹo vì cái nóng hun người. Những con chữ cứ tràn ra trong những đêm thức trắng. Anh bỏ hết mọi việc kiếm tiền để tập trung viết nó, với tâm trạng đầy bức xúc, bởi không thể không viết ra.

Cuốn sách được viết đi viết lại mấy lần mới hoàn thành. Nóng bỏng vấn đề xã hội. Nồng nhiệt trong thái độ phản biện để tìm tới chân lý. Đam mê với thủ pháp nghệ thuật thể hiện. Tất cả làm nên giá trị của cuốn sách mà anh gửi gắm tâm huyết hàng tháng trời vật vã từng con chữ. Anh quan niệm nghiệp viết văn là kể những câu chuyện đánh thức lương tri con người, truyền cho họ những khát vọng, sáng tạo và tình yêu cuộc sống. “Hỗn danh” là một sự kiếm tìm thỉnh lên tiếng chuông báo động về sự tha hóa đạo đức của con người. Nhà văn Nguyễn Văn Học đã có độ ngân vang của tiếng chuông đó qua sự sống sinh động của những cuộc đời, trong hàng trăm trang sách. 

Đúng như nhà văn đã từng tâm sự, mỗi chặng đường đi thực tế luôn luôn là những bài học mới và những ý tưởng sẽ nảy sinh. Công việc làm báo đã giúp Nguyễn Văn Học có điều kiện dấn thân với sự nghiệp của mình. Và, tôi biết ngọn lửa đam mê trong trái tim anh đã bừng lên với những ý tưởng mới, với hình tượng người lính ngày đêm tuần tra trên biển đảo quê hương. 

Xem ra 15 năm làm nghề, in được tới hơn hai mươi đầu sách và hàng trăm bài báo, quả vốn liếng của anh thật đáng nể. Nguyễn Văn Học là thế. Đam mê và nồng nhiệt. Tôi tin những mùa vàng trên cánh đồng văn chương của anh ngày thêm nở rộ và thơm hương.