Tranh giả - mảng tối ngầm trong hội họa Việt Nam

ANTĐ - Thực tế tranh giả đã tồn tại từ rất lâu và những người buôn bán tranh vẫn ngang nhiên kinh doanh, kiếm lời. Đó là mảng tối đang tồn tại trong nền hội họa Việt Nam. mảng tối này đã phá hoại, làm mất uy tín của cả một nền hội họa Việt Nam cả ở trong nước và nước ngoài.  Vậy tranh giả ở đâu mà ra, luật pháp sẽ xử lý thế nào đối với hành vi kinh doanh tranh giả? Chúng ta đã có những quy định pháp luật để điều chỉnh chưa? 

Tranh giả -  mảng tối ngầm trong hội họa Việt Nam ảnh 1

Họa sỹ Thành Chương khẳng định bức tranh “Trừu tượng” được ký tên họa sỹ Tạ Tỵ trong triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu” là của ông và đây là bức tranh giả

Nhìn từ một cuộc triển lãm 

Triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu về ” gồm 17 bức sơn dầu, sơn mài, những bức tranh mang tên của các danh họa Việt Nam như họa sỹ  Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tiến Chung, Dương Bích Liên, Tạ Tỵ… Bộ tranh này của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM khai mạc vào ngày 10-7. Triển lãm vừa khai mạc đã dậy lên một làn sóng cho rằng đa số tranh treo ở đây là những bức tranh giả.

Trước khi triển lãm, nhà sưu tập Vũ Xuân Chung có đến gặp tôi, nhờ tôi xem số tranh này và nói muốn triển lãm 17 bức mà Chung mua từ nước ngoài về. Chung đã cầm một bộ hồ sơ ảnh chụp những bức tranh đó, mỗi bức ảnh được gắn vào một tờ giấy có đóng dấu, chữ ký, tên tranh, chất liệu, tên tác giả và do ông Jean Francois Hubert ký xác nhận là tranh thật mà anh mua được số tranh này từ ông.

Chung cho biết: “Theo sự hiểu biết của em, ông Jean Francois Hubert là chuyên gia cao cấp về mỹ thuật châu Á, là nhà giám định tranh của hãng đấu giá Christie Hồng Kông, nên em rất yên tâm và hài lòng khi mua được số tranh này, khi có sự chứng nhận của ông Hubert là tranh thật”.

Nhìn 17 bức tranh được chụp ảnh, tôi đã ngồi yên lặng rất lâu - một sự ngỡ ngàng, nghi ngại trào dâng - tôi nói với Chung: Nếu em đã tin chị thì chị sẽ nói sự thật, trong số 17 bức tranh này, có nhiều bức chị thấy không đúng, nó giống như  những bức tranh chép lại, khô cứng và hình khối, đường nét không đúng của tác giả vì từ bé chị đã được gần gũi những họa sỹ này, suốt ngày ngồi xem các bác vẽ nên chị không yên tâm về những bức tranh này của em, nó không ổn. 

Chung tham khảo ý kiến của tôi, nhưng khi tôi nói ý kiến của mình cho cậu ấy thì cậu ấy cười rất tự tin và nói rằng: “Mua tranh ở trong nước có thể em còn bị mua nhầm, chứ mua tranh từ nước ngoài về, do những người danh tiếng của hãng đấu giá danh tiếng trên thế giới xác nhận đóng dấu, có cả giấy xuất nhập khẩu, đóng thuế hải quan, xác nhận của cả lãnh sự Pháp - làm sao còn nhầm được”. Và thế là cậu ấy tổ chức triển lãm và mời ông Hubert sang tham dự. Nhưng về sau được biết ông Hubert từ chối không sang vì thời gian gấp gáp quá.

Sau cuộc triển lãm, đã có những ý kiến phản hồi về các bức tranh giả trong triển lãm. Đã có những ồn ào trong cuộc triển lãm này. Nhưng hình như chưa có thông tin nào đặt câu hỏi vậy số tranh đó ông Hubert mua của ai. Có ai thắc mắc về nguồn gốc xuất phát từ đâu có để ông ấy sở hữu được số tranh này?

Thật giả lẫn lộn

Lại nhớ hơn 10 năm trước, hãng đấu giá Christie châu Á mở cuộc bán đấu giá lần đầu tiên cho các họa sỹ Việt Nam, sống tại Việt Nam. Ông Filip - Giám đốc hãng Christis gửi Email cho tôi, đặt vấn đề mong tôi dành cho ông 6 ngày ở Việt Nam  để thẩm định xem 2 bức tranh được in trong quyển Catalogue của hãng chuẩn bị đấu giá  Mở quyển Catalogue in trang trọng là một bức tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái vẽ phong cảnh mỏ Đèo Nai bằng sơn dầu và một bức vẽ chân dung bà mặc áo dài màu vàng vẽ trên lụa của họa sỹ Nguyễn Sáng.

Tôi nói với ông Filip, bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái là bức được giải thưởng và hiện đang nằm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tại sao còn có bức này? Nhưng bức này đã được chép bởi một người có tay nghề cao. Còn bức chân dung của họa sĩ Nguyễn Sáng thì tôi chỉ xin nói 90% là tranh giả - còn nói 100% thì phải có cả hội đồng hoặc máy móc thẩm định khoa học. Tôi tin đó là tranh giả.

Cuối cùng cuộc bán đấu giá vẫn diễn ra, 2  bức tranh đều được bán.  Lập tức một làn sóng phản ứng rầm rộ từ trong nước xác nhận đó là tranh giả bởi bức chân dung của họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ, người mẫu vẫn còn sống và bà xác nhận bức đó bà vẫn còn giữ và họa sĩ chỉ vẽ duy nhất một bức. Do đó, hãng Christie phải hoàn lại tiền cho người mua.

Ông đã gọi điện xin lỗi tôi và nói thật sự ông không phải là người thấu hiểu hội họa Việt Nam, rất tiếc đã không nghe ý kiến của tôi, nhưng ông cũng nói ông bị “quây rất chặt” bởi nhà sưu tập và người bán khẳng định 100% đó là tranh thật nên đã mắc phải lỗi nhầm lẫn này.

Và một câu chuyện khác, Filip muốn tôi đưa đi xem bảo tàng và tranh của một vài người sở hữu tranh của các danh họa Việt Nam để ông mua cho riêng mình. Tôi đã đưa ông đến gia đình một họa sỹ, ông Filip chọn mua 2 bức tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái nhưng giá cả chưa thống nhất nên ông về nước.

Ít lâu sau, ông gọi điện thoại cho tôi nói - họa sỹ đã gửi ảnh 2 bức tranh đó trực tiếp đến hãng đấu giá vì thế phải có người thẩm định xác nhận thật giả xong mới quyết định được đấu giá. Ông không mua 2 bức đó được nữa vì nó đã thuộc về quyết định của hãng đấu giá. Đồng thời ông cũng báo cho tôi biết một chuyên gia thẩm định tranh cho hãng đấu giá Christie ở Pháp đã khẳng định đó là bức tranh giả. 

Cách đây đã lâu, tôi được Hội Mỹ thuật TP.HCM giao trách nhiệm cùng 3 người khác có thể có quyền ký xác nhận tranh thật, tranh giả.  Một nhà sưu tập Hàn Quốc mang ra cho tôi xem mấy bức tranh và một quyển sách in những tranh ông đã mua ở Việt Nam, tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái. Ông muốn tôi xác nhận đó là tranh thật. Thật là khủng khiếp khi toàn bộ số tranh ông sưu tập  đều là tranh giả, và tôi xin lỗi không thể ký được vào bất kỳ bức nào của ông ấy. Tôi cũng không hiểu ông sẽ xoay xở ra sao với mấy chục bức tranh giả mà ông đã bỏ cả đống tiền để mua ấy.

Cần có hội đồng thẩm định

Quay trở lại câu chuyện thẩm định tranh. Một chuyên gia nước ngoài được giữ trọng trách xác nhận tranh của họa sỹ Việt Nam là thật hay giả, có thể chuyên gia đó có một số nghiên cứu, hiểu biết về hội họa Việt Nam nhưng chỉ là với tư cách cá nhân và như vậy thì đó chỉ là nhận định chủ quan, mà nhận định chủ quan thì cũng có thể có sai lầm. Tại sao trong ban thẩm định quan trọng của một hãng đấu giá tranh nổi tiếng châu Á như vậy lại không có một chuyên gia người Việt nào nằm trong hệ thống quan trọng của ban thẩm định đó? Một lỗ hổng nghiêm trọng đã tồn tại hơn 20 năm nay?

Còn việc trước đây, Hội Mỹ thuật TP.HCM bầu ra mấy người giao nhiệm vụ thẩm định tranh, sau rồi cũng đi vào ngõ cụt bởi thực tế cũng không có đủ chức năng để thực hiện đến nơi đến chốn việc thẩm định tranh. Việc được bầu ra này, cũng chỉ là cho có thôi chẳng có quy chế, xác nhận rõ ràng gì. Vì thế nó nhanh chóng tan rã.

 Tôi nhớ thời họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - mỗi lần các họa sỹ Việt Nam có triển lãm tranh, ông đều cho người ra chụp ảnh, lưu lại tác phẩm năm tháng sáng tác của từng họa sỹ để lập hồ sơ theo dõi từng bước đi của từng giai đoạn của mỗi họa sỹ để luôn có hồ sơ tham khảo cho nhiều năm sau. Sau này tôi không thấy làm như vậy nữa.

Ở Việt Nam chúng ta còn có kiểu thẩm định tranh bằng việc lấy xác nhận của những người thân như vợ chồng, con của các họa sĩ và coi chữ ký xác nhận của họ như một bảo hành đúng. Tôi nghĩ cách làm này cũng chỉ là một tham khảo thêm. Việc thiếu hụt hệ thống nghiên cứu khoa học, bài bản của những người lãnh đạo văn hóa, việc thiếu hụt sự nghiên cứu khoa học cơ bản, dài hơi về những sáng tác của đời một họa sỹ cho thấy chúng ta  chưa quan tâm đúng, thậm chí có thể nói là  gần như bỏ lơi đối với mảng việc hết sức quan trọng này.

Tranh của họa sỹ từ chỗ đổi một cốc cà phê lấy một bức tranh, giờ bức tranh đó giá từ mấy chục ngàn đến mấy trăm nghìn USD và tương lai sẽ còn cao hơn nữa. Xét cho cùng đó  cũng là xứng đáng với những tài năng thật sự được đánh giá thẩm định công bằng. Song đồng tiền cũng khuấy động tạo nên một mảng tối ngầm có tác hại rất lớn từ bao lâu nay đó là những bức tranh giả liên tục ra đời là một tác hại lớn cho nền nghệ thuật của Việt Nam ở trong nước và thế giới.

Nó cũng là tác hại không nhỏ cho những người thiếu hiểu biết, đam mê cũng kinh doanh kiếm lời trong nghệ thuật và họ chỉ biết mua tranh bằng cách mua tên tác giả đã nổi tiếng mà không nghiên cứu để biết rằng thật sự họa sỹ đó tài năng thế nào, cuộc đời và những thăng trầm trong sáng tác của họ ra sao, phong cách vẽ sáng tạo của họ thế nào? Chính bởi vậy nên tranh giả vẫn tiếp tục tồn tại và vẫn có người bỏ ra cả một đống tiền để mua tranh giả chỉ vì những cái tên nổi tiếng có sẵn chứ không phải họ thật sự hiểu nghệ thuật sáng tạo và cái đẹp của họa sỹ mà họ sưu tầm.

Tranh giả - mảng tối ngầm trong nền hôi họa Việt Nam vẫn tồn tại. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có những nhà nghiên cứu chuyên ngành tâm huyết để nghiên cứu một cách khoa học về những họa sỹ và sự sáng tạo riêng của họ - những người đóng góp thêm vào di sản văn hóa, niềm tự hào của dân tộc. Cũng chưa có những quy định cụ thể của pháp luật để xử lý những vụ làm tranh giả đã ngấm ngầm hủy hoại thị trường tranh Việt Nam từ lâu. Điều đó đã để lại tai tiếng rất có hại cho nền nghệ thuật Việt Nam trong thời hội nhập.