Tranh con giáp vẽ quanh năm

ANTĐ - Tranh con giáp lâu nay được mặc định rằng Tết nào, tranh nấy. Nhưng suy nghĩ này đến thời điểm hiện tại đã không còn phù hợp. Họa sỹ bây giờ vẽ tranh con giáp quanh năm, miễn sao tranh đẹp và có khách hàng. 

Tranh con giáp vẽ quanh năm ảnh 1

Tranh con dê của Lê Trí Dũng ấm cúng và thắm thiết tình cảm gia đình

Sáng tạo độc đáo của họa sỹ Việt Nam

Vẽ tranh con giáp là một sáng tạo độc đáo của các họa sỹ Việt Nam. Tranh con giáp thực chất là tranh Tết được kế thừa và phát triển từ các dòng tranh dân gian như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ… nhưng sinh động và đa dạng về hình thức thể hiện. Cũng giống như dòng tranh dân gian, tranh con giáp ban đầu thường được các họa sỹ vẽ trên giấy khổ nhỏ, chất liệu rẻ tiền và mau hỏng như chì, bút sắt, màu nước hay bột màu. Chỉ với vài ba nét vẽ giản lược, hình ảnh con giáp đã hiện ra với vô vàn hình thù, màu sắc, còn phong cách thể hiện cũng đủ cả hiện thực, siêu thực rồi ấn tượng.

Tranh vẽ ra để treo trong nhà hoặc đem tặng bạn bè. Còn cách thưởng thức của người được tặng cũng nhiều kiểu. Người nào cẩn thận, trân trọng nghệ thuật thì lồng khung kính treo trên tường. Người nào xuề xòa thì dán trên tủ, trên cánh cửa… Hết năm lại bóc đi để thay thế một bức tranh con giáp khác. Dòng tranh này bắt đầu phát triển từ những năm 1960 ở Hà Nội. Các họa sỹ Đông Dương là người đã khai mở dòng tranh con giáp ngày Tết với những tên tuổi như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… và được các thế hệ họa sỹ kháng chiến, đổi mới, tiếp nối cho tới ngày nay. 

Những năm tháng chiến tranh và bao cấp đầy gian khó, cái Tết đơn sơ, giản dị như được tô thắm hơn với sự xuất hiện của các bức tranh con giáp trong nhà. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân vẫn nhớ mãi những lần được tới thăm họa sỹ Bùi Xuân Phái và họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm vào ngày Tết. Những bức tranh con giáp có dòng chữ “Chúc mừng năm mới” được hai họa sỹ vẽ luôn là tặng phẩm nhiều ý nghĩa đối với ông. Nguyễn Quân trân trọng đem về để lên mâm ngũ quả, vừa để cẩn báo tổ tiên món quà ngày Tết, vừa để cho xôm không khí ngày xuân.

Những bức tranh thường được hai danh họa phác thảo bằng những nét vẽ giản đơn, bay bổng và mang ước nguyện trước thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Chính vì được vẽ trong không khí xuân rạo rực nên các bức tranh con giáp của họa sỹ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm ngoài ý nghĩa thể hiện ước vọng về năm mới còn có ý nghĩa tâm linh. Một bức tranh đẹp mang lại niềm dự cảm cho người họa sỹ về một năm mới tốt lành. Còn nếu bức tranh ấy dang dở hoặc không làm bạn bè thấy thích thì cũng chưa hẳn là bức tranh mang lại may mắn cho cả năm. 

Tranh con giáp vẽ quanh năm ảnh 2

Tranh “Ông Gióng” của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

“Đầu ra” cho tác phẩm khá rộng mở

Ban đầu, dòng tranh này được vẽ để tặng, để cho là chính nhưng do nhu cầu thưởng thức của người dân là có thật nên các họa sỹ đã đầu tư, đi sâu vẽ tranh con giáp một cách nghiêm túc và nhiệt huyết hơn. Chất liệu được sử dụng cũng bền vững hơn như sơn mài, sơn dầu, lụa… chứ không còn là các tờ giấy mỏng gây nhiều khó khăn cho công tác bảo quản như trước. Khổ tranh không còn bó hẹp ở kích thước nhỏ mà được các họa sỹ mạnh tay vẽ trên khổ lớn.

Thay vì vẽ vào dịp Tết, tranh con giáp ngày nay được vẽ quanh năm. Năm nay vẽ là để đón con giáp của năm sau, cứ như vậy, dòng tranh này đã thu hút một lượng lớn các họa sỹ tham gia sáng tạo. Theo đánh giá của họa sỹ Còm (Nguyễn Hữu Khoa), dòng tranh này không quá cầu kỳ về đầu tư sáng tạo, vẽ nhanh và đơn giản nhưng “đầu ra” lại khá rộng mở. Giá tranh vừa túi tiền nên gần Tết lượng khách tìm đến với các họa sỹ khá đông. Ai cũng mong muốn được sở hữu một bức tranh con giáp của họa sỹ mình hâm mộ để treo trong nhà. Chính vì thế, giá tranh cũng dao động theo tên tuổi của họa sỹ chứ không nhất thiết căn cứ vào sự đầu tư thời gian, vật chất để sáng tác. 

Người họa sỹ nổi tiếng nhất của dòng tranh con giáp là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Một năm ông có thể sáng tác vài chục bức và hoàn toàn không bị lệ thuộc vào trật tự thời gian. Ông là người đại diện cho các họa sỹ Việt Nam cất lên tiếng nói của dân tộc mình qua các tác phẩm hội họa con giáp ngày xuân. Ở tranh Nguyễn Tư Nghiêm, cái tình đậm đà của người Việt Nam và triết lý sâu xa của đạo Phật  được thể hiện rõ nét qua hình hài các con vật. Nguyễn Tư Nghiêm đã lấy cảm hứng từ truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam để đưa vào tác phẩm hiện đại. Cái tài này của ông đến nay ít người sánh kịp.

Và ông cũng là người có khá nhiều tranh được các nhà sưu tầm nước ngoài tìm mua, trong khi phần lớn các tác phẩm tranh con giáp chỉ tìm được đầu ra tại thị trường nội địa. Tranh vừa đẹp, vừa rẻ sẽ không khó khăn để có mặt trong ngôi nhà của chủ nhân người Việt. Nói là vậy nhưng một khi đã đầu tư sáng tác, họa sỹ nào cũng muốn tranh của mình được trả giá xứng đáng. Với những khó khăn hiện nay của mỹ thuật Việt Nam thì dòng tranh này được đón nhận vào mỗi dịp giáp Tết cũng đã là điều hứng khởi đối với những người làm công việc sáng tạo. 

Họa sỹ trẻ thờ ơ với dòng tranh con giáp

Nhiều người cho rằng, việc thương mại hóa khiến dòng tranh con giáp đang dần bị mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu là vẽ khai bút, cầu ước nguyện ngày xuân. Thực tế không phải vậy bởi vẫn có những họa sỹ trung thành với cách làm này và một mực chỉ vẽ để… chơi và tặng bạn bè, không có nhu cầu bán mua.

Họa sỹ Vũ Tuyên cho biết: “Tôi không coi dòng tranh con giáp như một dòng tranh thị trường. Đơn giản, đó là dòng tranh mang lại hứng thú cho tôi trong những ngày cận Tết khi sắc thắm hoa đào đã hiện diện trong ngôi nhà của mình. Dòng tranh hoa sen đã thành chủ đạo trong các sáng tác của tôi, nên tranh con giáp chỉ được vẽ như một thú vui ngày xuân, tuyệt đối không có bán mua”.

Trong khi thế hệ họa sỹ kháng chiến, đổi mới vẫn đang miệt mài sáng tác tranh con giáp vào mỗi dịp Tết đến xuân sang thì các họa sỹ trẻ ngày nay, lớp họa sỹ hiện đại đang bỏ lửng dòng tranh này và hầu như không có ý định tiếp nối. Giám tuyển Nguyễn Như Huy đánh giá “Các họa sỹ trẻ đang theo đuổi nhiều trào lưu nghệ thuật mới, hấp dẫn và sinh động hơn. Dòng tranh con giáp không tạo được hứng thú với họ. Hơn nữa, do dòng tranh này chỉ bó hẹp trong phạm vi nội địa, không được các nhà sưu tầm nước ngoài tìm mua nên rất khó được các họa sỹ trẻ quan tâm”. 

Dù đậm đà bản sắc dân tộc nhưng tranh con giáp ngày xuân sẽ đi về đâu nếu lớp thế hệ họa sỹ cũ ngày một vắng dần? Người trẻ luôn tìm thấy sự hấp dẫn ở những trào lưu nghệ thuật mới, nhưng suy cho cùng, nghệ thuật luôn cần tới bản sắc văn hóa của một đất nước hiện diện trong tác phẩm. Vậy thì, việc quay lại vốn cổ của cha ông, tiếp thu và phát triển lên tầm cao mới không hẳn đã là con đường cũ. Có chăng, chỉ có những cách làm cũ mà thôi. Tranh con giáp sẽ là gợi ý thú vị cho những sáng tạo nghệ thuật mới, trẻ trung, hợp thời. Và hơn cả, ngày Tết, người yêu nghệ thuật Việt Nam sẽ thấy vui hơn khi các tác phẩm nghệ thuật con giáp không còn thưa vắng theo thời gian.