Trải nghiệm mùa đông Seoul

ANTD.VN - Sáng 27 Tết, Seoul ủ sương trên tất cả những gì mà đám tuyết đêm qua vừa rời đi. Những cành cây sẫm đen khô khẳng, những chiếc ghế băng giả gỗ, những con giống xanh đỏ trước cổng bến tàu điện ngầm Myeongdong, và cả nắm tay cầm của cánh cửa ra vào 7-Eleven, cũng lạnh cóng như một cục đá. 

Những ngôi nhà truyền thống được phủ một lớp tuyết mỏng càng trở nên lấp lánh hơn

Bảy giờ sáng, khu mua sắm sầm uất nhất Hàn Quốc vẫn ngủ yên một cách dễ chịu, thi thoảng vài chiếc ô tô lặng lẽ vọt qua cùng tiếng êm ru của bánh xe lướt qua mặt nhựa. Tôi vừa hồi hộp chui lên khỏi metro. Rét thế này thì vẫn chịu đựng được, chúng tôi bảo nhau thế.

Xuyên Tết mà vẫn bình yên

Đây là lần thứ năm tôi đến Seoul. Mấy bận trước đều vào tháng 10, khi ráng xanh mướt của những rặng phong, anh đào và ngân hạnh đã nhất tề thay màu sang vàng, nghệ, đỏ, nâu…, nhưng cũng là lúc tôi phải khoác áo dạ chống rét. Tháng 10 còn thế, nữa là Giao thừa thì xuống âm độ. Tôi dọa 2 người bạn đồng hành, mà bụng cũng run cầy sấy, nhớ lại mùa thu năm 2012 được mời đến tư gia của nhà thiết kế thời trang Choi Bok Ho ở ngoại ô Daegu để ăn tiệc vườn.

Lúc bấy giờ vừa mặc áo jacket, vừa choàng chăn dạ và ngồi trước lò sưởi đang cháy đùng đùng mà vẫn còn lẩy bẩy vì lạnh. Trước đó, chúng tôi đã vội đi săn đồ chống rét, vào cửa hàng chuyên bán áo xuất Hàn, kiếm mấy chiếc lông vũ dài đến đầu gối và lại may mắn tìm được đôi giày đi tuyết bán ế ở một cửa hàng tầm tầm trên phố Hàng Điếu. Sang đến Seoul, hóa ra cả thành phố người ta mặc giống mình, rặt một kiểu áo lông vũ dài đến gót chân màu đen hoặc tím than, như đồng phục. 

Ở Hà Nội cũng chỉ tìm được loại đến đầu gối là cùng, dài tận gót thì ế không ai mua. Còn người Sài Gòn mà có đến xứ Hàn vào mùa đông thì chịu chết không tậu được áo. Đôi ủng đi tuyết mới thật là thứ… đặc chủng. Nó dài đến bắp chân, mặt ngoài là vải chống thấm, bên trong lót lông, đi nhẹ và êm ái tới mức ngày rảo vài chục cây số cũng thường. Đóng đủ lệ bộ, thêm đôi găng tay, chiếc mũ len đội đầu, tôi lang thang giữa mùa đông lạnh giá của Seoul, Gyeongju, Busan xuyên Tết mà vẫn bình yên. 

Cảm giác phiêu trên con tàu tốc hành vượt thời gian

Nhà nghỉ Namsan Garden khuất nẻo trong con ngõ đối diện phố đi bộ Myeongdong. Vị trí của nó được đánh 9,2 điểm trên Agoda vì gần bến tàu điện ngầm, lại nằm ở trung khu mua sắm. Chỉ hiềm mỗi cuối ngày lê bước về “nhà” khi chân đã rã rời và sống mũi lạnh băng vì tuyết thì lại phải leo qua vài con dốc ngoắt ngoéo mới tới được chân cổng. Seoul có địa hình không bằng phẳng. Chỗ tôi đang ở vừa leo vừa thở hồng hộc vì cái vali rất nặng. Đây có lẽ từ thời tiền sử đã từng là một quả đồi.

Được bao quanh bởi 8 ngọn núi, Seoul nhờ thế mà bớt đi cái dáng vẻ công nghiệp tẻ nhạt và vô cảm của một thành phố phát triển thần tốc. Đứng giữa quảng trường Gwanghwamun vào giờ này có thể nhìn thấy rặng núi tím bảng lảng phía sau những mái cong màu ghi sẫm của cung điện Gyeongbok. Nếu cố tình quên đi những khách sạn năm sao và tòa thị chính đang bu kín xung quanh thì bỗng dưng được một cảm giác rất phiêu trên con tàu tốc hành vượt thời gian, thuở những chiến binh của vua Sejong ùa quân như vũ bão để đánh đuổi cướp biển Nhật Bản bảo vệ bờ cõi cho triều đại Joseon thịnh trị.

Tôi cũng từng đứng trên lan can đỉnh đồi trong công viên Bầu trời vào lúc chiều tà, nhìn về phía Seoul thấy mình giống nhân vật chính trong một bộ phim viễn tưởng lãng mạn được sản xuất từ mấy xưởng ăn khách của Hàn Quốc: Những tòa nhà chọc trời được  bao quanh bởi sông Hàn đang lọt thỏm trong dãy núi đã úa màu chiều, và cả dải giang san ấy lại in một khung tím đậm lên ráng tà đã ửng cam hồng.

Còn mình đây thì có lẽ đang trong bộ đồ bó sát kiểu Manga, khăn choàng bay phấp phới trên lưng và khoanh tay ngắm nhìn thành phố xem có cần phải giải cứu khỏi nguy biến của người hành tinh khác. Dẫu sao, nếu không có bát sơn chạy vòng xung quanh và nhấp nhô những ngõ nhà trên dốc thoải thì Seoul bớt tới chín phần thơ mộng.

Từ mặt ngõ lên đến cổng nhà nghỉ còn dựng đứng thêm dăm mét nữa. Giờ này lễ tân vẫn chưa làm việc, người ta báo cho tôi từ ở nhà như vậy. Chúng tôi đành ngồi tạm trên chiếc xích đu trong vườn mà uống hộp sữa dưa hấu vừa mua tạm từ cửa hàng tiện lợi      7-Eleven. Bộ bàn ghế đá ẩm ướt vì tuyết đêm và hơi lạnh mới dịu ngọt làm sao. Nó không buốt đến váng óc mà trong vắt trong một bình minh áp Tết. Trái lại, bên trong thì nóng sực hơi người.

Quầy lễ tân chỉ là một chiếc bàn nhỏ có máy vi tính kê ngay gian bếp chung tí hon. Phòng khách lát gỗ nâu và đám giày dép buộc phải cho vào tủ đựng bên ngoài. Tôi mê nhà nghỉ vì chúng ấm cúng như một ngôi nhà thay vì chốn tạm của khách qua đường. Chỉ riêng việc đi chân đất trong nhà nghỉ cũng đã thấy giống “nhà mình” rồi. Trừ cái nội quy đi lại cần khẽ khàng, nói năng phải thầm thì, dùng bếp và nhà vệ sinh chung nên giữ sạch như bệnh viện, ăn xong tự rửa bát, thì mọi thứ ở đây đều rất tuyệt vời. 

Cung điện Hoàng gia Gyeongbokgung (còn gọi cung Gyeongbok), là cung điện đẹp nhất Thủ đô Seoul, Hàn Quốc

Bữa ăn “thành công” duy nhất ở xứ Kim chi

Người Hàn và Nhật thích sự tiện lợi nên họ sáng tác ra lắm công nghệ mà đối với người phương Tây thì mắc cười, ngoài những nhà vệ sinh với hệ thống lò sưởi, giật nước, vòi rửa tự động thì còn có chăn điện, đêm nằm ấm lừ mà vẫn được hít thở không khí mát mẻ của mùa đông thay vì hơi khô nóng phả ra từ điều hòa hai chiều. Lò sưởi ở Namsan Garden không lắp trên tường hay trần nhà mà chôn xuống dưới lớp sàn gỗ, đi đến đâu ấm chân đến đấy. Hơi nóng sẽ tỏa nhiệt dần từ dưới lên trên một cách dễ chịu, nhưng chớ có ngủ đêm mà bỏ quên nhiệt độ ở số to nhất thì sẽ bị sấy khô như một quả chuối ép. 

Tôi nhận được một phòng nhỏ hai giường có vỏ chăn vàng ươm hình quả chuối. Đặt lỉnh kỉnh đống thực phẩm mang theo gồm túi xôi vò, chục gói mì, hai chiếc bánh chưng, dăm cái giò, một quả bưởi và gói bò khô lên hai bậu cửa sổ buốt như tủ lạnh, tôi ngủ say như chết đến tận một giờ chiều cho tới khi bị những trận vã mồ hôi đánh thức dậy. Là do tôi không biết đường mà chỉnh nhiệt độ lò sưởi âm sàn. Đêm qua, tôi hầu như thức trắng trên máy bay, và sau một chập ngủ bù lại sức, giờ đã là lúc phải đi kiếm đồ ăn.

Trước ngày lên đường, tôi nhắc liên tục trên ô chat nhóm rằng các bạn đồng hành nên nhớ mang theo thực phẩm đi. Còn các vật dụng khác, dù có cần đến đâu thì quần áo, giày dép, mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm trong vali cũng phải nhường chỗ cho đồ ăn. Cô bạn thuở nhỏ của tôi có vẻ không vui, thấy sao mà sắm sanh gạo mì khổ thế, bảo cậu có vẻ quan trọng việc ăn uống nhỉ, đi chơi thì vào nhà hàng mà thưởng thức cho ngon lành, đàng hoàng.

Nhà văn Di Li 

Nhà văn An Hạ thì tới lui gửi các đường link về ẩm thực Hàn Quốc, những là Bulgogi (thịt nướng), Japchae (miến trộn), Seolleongtang (canh bò), Dakjuk (cháo gà), Hotteok (bánh nhân ngọt)… Nàng háo hức bảo toàn món ngon thôi chị ạ, em sẽ ăn sạch cả Seoul cho coi. Tôi thở dài, có nói cách nào người chưa từng trải cũng không hiểu, mới phẩy tay ra điều: “Thôi, cứ trải đi rồi biết”. 

Bữa đầu tiên chúng tôi tìm được một hàng thịt nướng khá ngon ở khu phố cổ. Bò và lợn nướng lên cuộn với lá mơ thơm rồi chấm nước sốt kiểu Hàn Quốc. Lại thêm ly nước quế nóng để gà miệng vị thơm cay, ngọt dịu, khi ngoài kia tuyết lây phây đã bám mờ cả mặt kính. Sướng đến thế là cùng. Ba giờ chiều rồi, dạ dày đang gắt gỏng mà lại được bữa xì xèo thịt nướng thế này, người ta liếc nhìn tôi thắc mắc: Đồ ăn Hàn ngon đấy chứ! Tôi phản biện: Đồ nướng không phải một món đặc trưng.

Nó là loại thực đơn quốc tế, vì hầu như quốc gia vùng miền nào trên thế giới này cũng có món nướng cả. Từ Mù Căng Chải đến tận  Sahara, từ Mông Cổ tới Rome, từ Lào tới New York, và người Thái, người Tàu, người Nga, dân tộc nào cũng ăn đồ nướng cả. Đó là kiểu “nấu ăn” giản đơn từ thời nguyên thủy. Bò, cá, lợn, gà… cứ hơ lên đống lửa là xong. Có khác nhau chỉ ở phần gia vị ăn kèm mà thôi. Vì thế món nướng tuyệt đối không thể coi là một đồ ăn Hàn hay đồ ăn của bất kỳ dân tộc nào được.

Tất nhiên, đó cũng là bữa ăn “thành công” duy nhất của chúng tôi trong suốt kỳ nghỉ Tết ở xứ Kim Chi.