Tín ngưỡng không biến tướng, có chăng chỉ thực hành là biến tướng

ANTD.VN - Là người chủ biên cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - chốn thiêng nơi cõi thực”, Ths. Trần Quang Dũng, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long cho biết: “Khi con người đến nơi cửa thánh, điều quan trọng nhất là ở lòng thành, thánh không chê người nghèo, chỉ có những người đua đòi làm thánh bị “mang tiếng”. Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng ông quanh vấn đề này.

Cuốn sách do Thạc sĩ Trần Quang Dũng chủ biên

- PV: Cuốn sách đã lấy tên tín ngưỡng là thờ Mẫu Tứ phủ, không phải Tam phủ như UNESCO đã công nhận, ông có thể giải thích về cách gọi không đồng nhất này?

- Ông Trần Quang Dũng: Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian. Do đó, có nhiều cách gọi tên cũng là lẽ đương nhiên, ngay hồ sơ di sản trình UNESCO cũng có nêu một số tên gọi khác nữa của tín ngưỡng. Gọi là thờ Mẫu Tứ phủ hay Mẫu Tam phủ đều đúng, đều chỉ loại hình tín ngưỡng này. Nhưng theo tôi, gọi thờ Mẫu Tứ phủ là đầy đủ hơn cả, thể hiện quan niệm dân gian về thế giới bao gồm trời, đất, nước, rừng, được hiện diện trong thần điện của tín ngưỡng với Tứ phủ: Thiên, Địa, Thoải, Nhạc, dưới sự cai quản của Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn.

Xoay quanh việc gọi tên Tam phủ hay Tứ phủ, hiện nay trong dân gian cũng như trong nghiên cứu còn có nhiều cách luận giải khác nhau, tuy nhiên, hết thảy đều thể hiện sự quan tâm, trân trọng đối với loại hình tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc. 

- Ra đời sau đúng 1 năm từ ngày UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông có sự tính toán nào về thời điểm xuất hiện của cuốn sách?

- Suốt 10 năm qua, tôi và các đồng sự đã có nhiều chuyến điền dã để nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng việc cuốn sách ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 1 năm ngày UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lại có thể xem như một sự ngẫu nhiên. Dù sao, khi đón nhận tin vui cách đây 1 năm, tôi cũng như có thêm động lực, cảm thấy được tiếp thêm sức để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, đặc biệt là tăng cường tiếp xúc với những người “một đời phụng sự Tiên Thánh”. Từ đó, sớm được giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc. 

- Cuốn sách khá nhỏ gọn với 150 trang có kèm hình ảnh. Vậy lượng thông tin chắc sẽ được anh viết rất cô đọng?

Có thể nói, mặc dù có những đứt quãng về mặt lịch sử, nhưng suốt thời gian qua, rất nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong nước và nước ngoài về tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ đã được ra đời, một vài trong số đó còn là công trình nghiên cứu khá đồ sộ. Ngày nay, số lượng các tác phẩm về lĩnh vực này đang ngày một tăng lên nhanh chóng.

Khi bắt tay vào chủ biên cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ - chốn thiêng nơi cõi thực”, tôi không đặt mục tiêu tạo nên một công trình đồ sộ, mà kỳ vọng tạo nên một ấn phẩm mang tính “đại cương nhập môn”, giúp đông đảo các đối tượng độc giả có thể tiếp cận, tiếp nhận các nội dung về tín ngưỡng một cách thuận lợi nhất. Bởi vậy, việc cung cấp các kiến thức cũng theo tiêu chí là súc tích, cô đọng, dễ hiểu.

Thạc sĩ Trần Quang Dũng, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long

- Không lẽ, ông chỉ chủ yếu nhắm đến các bạn trẻ, những người mới biết đến tín ngưỡng thờ Mẫu?

- Cuốn sách hướng đến nhiều đối tượng độc giả, như các nhà quản lý, người làm công tác thông tin - truyền thông, người trực tiếp thực hành tín ngưỡng (thanh đồng, đồng đền, đồng điện…), đệ tử của tín ngưỡng, các nhà nghiên cứu, những người quan tâm, muốn tìm hiểu về tín ngưỡng… Tất nhiên, trong số các đối tượng mà cuốn sách hướng đến có cả các bạn trẻ - những người cũng rất quan tâm tìm hiểu về văn hóa của dân tộc. Mỗi đối tượng khác nhau, với những nhu cầu tìm hiểu khác nhau, đều có thể tìm thấy trong cuốn sách nhiều thông tin bổ ích, cần thiết cho mình.

- Cuốn sách dành nhiều thời lượng để trình bày về các nghi thức, nghi lễ chuẩn mực trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Ông căn cứ vào quy chuẩn nào để khẳng định, các nghi thức được trình bày hoàn toàn xác thực và giữ được tinh thần của đạo Mẫu?

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ là một tín ngưỡng dân gian, việc thực hành được lưu truyền theo lối truyền khẩu, thông qua thị phạm, hướng dẫn của đồng thầy, nên theo thời gian không tránh khỏi sự thiếu thống nhất. Khi xây dựng cuốn sách này, tôi cùng nhóm tác giả luôn ý thức sâu sắc về việc, cần thiết phải bảo tồn những nền nếp trong việc thực hành các nghi lễ của tín ngưỡng theo lối cổ.

Bởi vậy, việc trình bày các phép tắc, lễ nghi của tín ngưỡng, từng nội dung đều dựa trên tinh thần giữ gìn và kế thừa những nét đẹp cổ truyền, phát huy những yếu tố hiện đại tích cực, lấy văn hóa dân tộc làm nền tảng, và bám sát sự chỉ dạy của các nghệ nhân, các cụ đồng cổ, các vị đức cao vọng trọng trong đội ngũ thực hành tín ngưỡng, được nhiều người thừa nhận. 

- Trong quá trình tìm hiểu để ra đời cuốn sách, ông nhận thấy loại hình tín ngưỡng này đang có những biến tướng, lệch lạc nào?

- Tín ngưỡng không biến tướng, chỉ việc thực hành tín ngưỡng là đang có hiện tượng biến tướng. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn, “phú quý sinh lễ nghĩa” cũng là lẽ đương nhiên. Ngày xưa nếu không có điều kiện, một vấn hầu thánh có khi chỉ cần “mùi huệ trắng quện khói trầm thơm ngát, câu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”, hoặc có nhiều làm nhiều, có ít làm ít. Ngày nay khăn áo có thể cầu kỳ, chất liệu sử dụng tốt hơn, việc biện lễ cũng nhiều, đắt tiền hơn…

Điều này, chúng tôi - những người viết cuốn sách hoàn toàn ủng hộ, nhưng chúng tôi cũng nhất quyết bài trừ thói đua đòi, việc lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi như một số hiện tượng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Quan niệm “tốt lễ, dễ kêu”, người khó đua đòi theo người giàu có trong việc hầu thánh, hay mượn bóng thánh để kiếm tiền trục lợi, để đe nẹt người khác… đều là sai.

Chính những hiện tượng như thế đã khiến cho dư luận xã hội hiểu sai, hiểu lầm về giá trị văn hóa của tín ngưỡng đã được cha ông qua bao đời gìn giữ, trao truyền cho chúng ta ngày nay, đồng thời, đi ngược lại tinh thần nhân văn, hướng thiện của tín ngưỡng. Sau khi đọc cuốn sách này, tôi mong nhiều người sẽ hiểu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, từ đó trân trọng, nâng niu và thực hành tín ngưỡng cho đúng đạo. 

- Vậy, cái cốt lõi khi con người đến với cửa thánh là gì, thưa ông?

- Khi con người đến nơi cửa thánh, điều quan trọng nhất là ở lòng thành, thánh không chê người nghèo, chỉ có những người đua đòi làm thánh bị “mang tiếng”. Có câu “lễ bạc, tâm thành”, mà “tâm thành, thánh chứng”, mâm cao cỗ đầy, vàng nhiều mã lớn, cũng không bằng một li, một lai được dâng lên bằng cả tấm lòng thành kính. Bởi vậy, nếu yêu mến tín ngưỡng, mong mọi người hãy cùng giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng bằng chính cái “tâm” của mình. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!