Thông tin "nóng" về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Cuộc đối thoại gay gắt và "nảy lửa"

ANTD.VN - Cuộc đối thoại giữa Ban lãnh đạo Công ty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam (tên gọi của Hãng phim truyện Việt Nam sau khi cổ phần hóa) với cán bộ công nhân viên diễn ra vào chiều nay 18-9 tại “đại bản doanh” số 4 Thụy Khuê trở thành cuộc tranh cãi gay gắt khi giữa hai bên không tìm được tiếng nói chung.

Cuộc họp đột xuất này diễn ra ngay sau khi một số nghệ sĩ đã và đang công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) gặp gỡ báo giới để lên tiếng bày tỏ sự bất bình về những vấn đề hiện hữu sau 2 tháng cổ phần. Cụ thể, đó là những bức xúc liên quan đến việc Ban lãnh đạo công ty chậm trả lương, tự ý xáo trộn cơ sở vật chất, không đảm bảo việc làm cho anh em, không quan tâm đến việc làm phim...

Theo kế hoạch được thông báo, cuộc đối thoại diễn ra từ lúc 1 rưỡi chiều. Ông Nguyễn Danh Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư & phát triển phim Việt Nam đưa ra  đề nghị cán bộ công nhân viên ghi câu hỏi ra giấy rồi chuyển lên nhưng ý kiến này bị bác bỏ vì các nghệ sĩ muốn đối chất công khai. Tuy nhiên cũng phải chờ đến nửa tiếng sau, khi ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivasco) – cổ đông chiến lược của VFS sau khi cổ phần xuất hiện, cuộc đối thoại mới được bắt đầu. Ông Thủy Nguyên khẳng định mình là người chính thức giải đáp các thắc mắc từ phía cán bộ công nhân viên lẫn báo giới và sẽ trả lời trên tinh thần “nói thẳng, nói thật, cởi mở vì không có gì để giấu”.

Bác bỏ thông tin dọn kho đạo cụ để cho thuê ki-ốt

Thắc mắc đầu tiên liên quan đến việc các nghệ sĩ mới đây phản ánh, kho đạo cụ, phục trang vốn là tài sản gắn liền với hoạt động của VFS bất ngờ bị dọn dẹp để chuyển đến phòng kho của Vivasco nằm ở địa bàn quận Long Biên cách đó 40km, thậm chí nhiều đạo cụ có giá trị bị vứt đi không thương tiếc. Trong đó có chiếc mũ sắt vẫn nguyên vẹn từng được sử dụng trong nhiều phim chiến tranh từ cách đây hàng chục năm như “Biệt động Sài Gòn” được đạo diễn Nguyễn Đức Việt xót xa nhặt từ đống đạo cụ thải ra ở hàng đồng nát mang về lau chùi sạch sẽ và giữ lại tại phòng làm việc ở hãng. Không chỉ vậy, dãy nhà gồm 4 phòng ở phía mặt đường Thụy Khuê đang được sang sửa lại để cho thuê làm ki-ốt chứ không phục vụ mục đích làm phim. Vì vậy mà phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật bị gom thành 1 phòng với tên gọi phòng nghệ thuật.

2 tháng sau khi cổ phần hóa, nội bộ Hãng phim truyện Việt Nam vẫn "rối như tơ vò"

Về việc này, ông Thủy Nguyên cho biết, hiện trạng các phòng trên trước khi dọn dẹp là “toàn rác, phòng ốc ẩm thấp điêu tàn, mốc meo như ổ chuột” mà “nếu quản lý môi trường biết có khi còn phạt”. Vì thế việc chuyển đạo cụ, phục trang sang nơi khác là để sửa sang, cải tạo lại nơi làm việc cho đàng hoàng và “làm cho sạch sân, sạch nhà”. Ông Thủy Nguyên khẳng định, hiện giờ Hãng có 2 nhà chính ở phía trên và phía sau và cả hai khu này đều cần phải dọn dẹp, một làm nơi làm việc, một để đưa vào làm xưởng sản xuất phim, hoặc tiến tới có thể làm rạp chiếu phim nếu như được sự đồng ý của thành phố.

Trước thông tin các dãy nhà giáp với mặt đường Thụy Khuê đang sang sửa lại để cho thuê mặt bằng kinh doanh dưới dạng ki-ốt với giá gần chục triệu đồng/căn/tháng, ông Thủy Nguyên bác bỏ và quả quyết, đến thời điểm này Ban lãnh đạo công ty chưa ký bất cứ giấy tờ nào về việc cho thuê như trên cả nên làm gì có chuyện quán chân gà nướng sắp thuê và mở chình ình ở đấy. Mặc dù trên thực tế, dãy nhà này đang được sang sửa, lắp cửa mới nhưng đại diện Ban lãnh đạo công ty lại cho hay: “Mấy bữa nữa sẽ đập hết, đang có thiết kế mở hết ra phía đó để quảng cáo cho phim”, cụ thể sẽ treo biển to rộng 12m, cao hơn chục mét để quảng cáo phim của hãng.

Chiếc mũ sắt - đạo cụ bị rơi rớt ra hàng đồng nát trong quá trình dọn kho đạo cụ mà đạo diễn Nguyễn Đức Việt nhặt và mang về lại hãng (Ảnh: H.T.L)

Khi bị chất vấn về việc chuyển kho đạo cụ, phục trang mà không có sự giám sát, kiểm kê của cán bộ hãng, ông Thủy Nguyên thông tin rằng đã yêu cầu phòng ban liên quan thực hiện việc này, cụ thể có 1 họa sĩ tổ thiết kế và 1 họa sĩ phục trang tham gia kiểm kê, xác định đạo cụ nào mục nát, hỏng hóc và đạo cụ nào vẫn còn giá trị sử dụng. Căn cứ vào đánh giá của hai họa sĩ này, phòng tài vụ cử người lập biên bản về việc xuất – hủy. Tuy nhiên, 2 họa sĩ trên không có mặt tại cuộc họp.

Về chiếc mũ sắt vẫn sử dụng được mà đạo diễn Nguyễn Đức Việt nhặt về từ hàng đồng nát, ông Thủy Nguyên cho rằng, việc rơi ra là trách nhiệm của bộ phận giám sát và kiểm kê, nhưng việc vị đạo diễn này thấy rơi nhưng không “trả lại”  mà lau chùi rồi đem về phòng làm việc ở hãng cất là hành động mà: “nếu tôi nói mất trộm mà nó lại nằm trong tay anh thì anh tính sao?”. Nhiều nghệ sĩ không đồng tình với suy nghĩ này của ông Thủy Nguyên, riêng đạo diễn Nguyễn Đức Việt đáp trả: “Tôi mà không giữ lại thì các bà đồng nát đã mang đi rồi, cuối giờ tôi mới giữ lại, giữ lại tài sản của hãng mà bị gọi là...ăn cắp!”.

Trả lương đến khi nào anh em nghệ sĩ...chán ngồi thì thôi!

Một trong những vấn đề “nóng” khác được đưa ra “mổ xẻ” tại cuộc đối thoại là tiền lương của cán bộ công nhân viên trước và sau khi VFS cổ phần hóa. Theo đó, Vivasco từng đưa ra nhiều cam kết, trong đó có việc đảm bảo mức lương 4.800.000 đồng/tháng trong năm 2017 theo quy định của Nhà nước với 85 thành viên còn lại của hãng. Tuy nhiên sau hơn 2 tháng cổ phẩn, tháng thứ nhất (7/2017) – lương của cán bộ giữ nguyên như thời gian trước khi cổ phần (mức lương thấp nhất vẫn 540.000 đồng/tháng), còn tháng thứ hai (8-2017) chỉ một số cán bộ trong hãng được tạm ứng lương với mức thấp nhất 1 triệu đồng/người/tháng, nhiều người không có lương.

Cơ sở vật chất của Hãng phim truyện Việt Nam nhiều chục năm qua đã xuống cấp 

Trước bức xúc này, ông Thủy Nguyên thay mặt Ban lãnh đạo công ty cho biết: “Chưa bao giờ có ý định không trả lương và không thiếu tiền để trả lương”, vấn đề vướng mắc là cơ chế trả thế nào cho hợp lý. Đại diện Vivasco viện dẫn việc trước khi cổ phần, VFS lỗ hơn 7 tỷ (2015), lỗ 11 tỷ (2016) và lỗ 4,7 tỷ (trong 6 tháng đầu năm 2017). Đến thời điểm, Vivasco vẫn đang phải gánh khoản nợ 21 tỷ đồng từ trước khi Hãng cổ phần để lại. Tuy nhiên thực tế như lời ông Thủy Nguyên cho hay, không ít “cây đa, cây đề” của Hãng nhiều năm qua không làm việc gì mà vẫn được trả lương và đóng bảo hiểm đều tăm tắp.

Tuy nhiên, quan điểm của Vivasco về nguyên tắc trả lương là “có làm thì có hưởng, không làm không hưởng”. Ông Thủy Nguyên còn cho rằng, công ty này đã đưa ra 2 phương án trả lương để anh chị em trong hãng lựa chọn: một là đăng ký chấm công theo giờ thì chỉ cần có mặt hàng ngày tại hãng là có đầy đủ lương; hai là đăng ký theo sản lượng công việc, ví dụ đăng ký viết kịch bản này, làm dự án phim nọ và thực hiện ra sao. Tuy nhiên, ý kiến này của đại diện Vivasco vấp phải sự phản ứng từ nhiều nghệ sĩ bởi thực chất, việc xác định thế nào là “làm” hay “không làm” việc nhưng vẫn hưởng lương đối với lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật là rất khó. Còn nếu nói như lời đại diện Vivasco rằng, cứ đến ngồi ở hãng theo cách chấm công để hưởng lương bình thường thì chắc chắn chẳng ai lựa chọn.

Nói như lời nghệ sĩ – đạo diễn Quốc Tuấn thì điều mà anh em trong hãng quan tâm không phải là vấn đề tiền lương bởi từ lâu nay, mọi người không sống dựa vào đồng lương của Hãng mà lăn lộn bám trụ với Hãng cũng chỉ vì yêu nghề và muốn được cống hiến cho nghệ thuật. Vì vậy mọi người đều ủng hộ chủ trương cổ phần hóa VFS và mong đợi một tương lai tươi sáng hơn cho Hãng. Có điều, đến giờ thực tế đang không diễn như vậy.

Cũng tại cuộc đối thoại, ông Thủy Nguyên cho biết, khi quyết định “mua” VFS đã có kế hoạch chiến lược và đây là “bí mật kinh doanh” không tiện tiết lộ. Tuy nhiên, đại diện Vivasco quả quyết, thời gian qua đã đi thăm dò thị trường, tìm hiểu vấn đề mua kịch bản làm phim chiếu rạp, phim truyền hình, tìm nhà đầu tư phối hợp...

Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn này, Vivasco khuyến khích anh em nghệ sĩ trong công ty chủ động nếu có dự án làm phim về tỉnh, xã, huyện, thậm chí phim về....dòng họ mà có người đặt hàng thì cũng không ngại nhận làm để có việc, đảm bảo cuộc sống và khấu hao thiết bị. Vị này cũng phủ nhận thông tin mua VFS để “buôn đất”: “Ai chứng minh được tôi buôn mét đất nào, bán cái nhà nào?”.

Cũng theo ông Thủy Nguyên, trong thời gian 2 tháng sau khi cổ phần hóa, công ty này đã tìm cách liên hệ tìm hiểu thị trường, đối tác để tìm cách đặt phim. Công ty này cũng đã bàn việc trang bị hệ thống để sản xuất phim, như phim "Người yêu ơi" đã phải mua máy quay mới vì thiết bị của xưởng phim quá cũ.