Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại:

Thêm cơ sở để bảo tồn vốn quý

ANTD.VN - Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ còn là kho tàng kết tinh các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc. 

Tập hợp nghệ thuật ngôn từ

Trước hết phải khẳng định, tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có nguồn gốc lâu đời. Theo các tài liệu dân gian, người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này kết hợp trong khái niệm Thánh Mẫu, hay còn gọi là nữ thần Mẹ.

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ là Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ. Cũng theo nhiều ghi chép có từ thế kỷ 18, tục thờ Mẫu của người Việt gắn liền với Thánh Mẫu Liễu Hạnh - vị tiên nữ giáng trần được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt.

Bà được người dân thờ cúng cùng các vị thần cai quản miền trời, rừng, nước và các nhân vật lịch sử, các vị anh hùng của dân tộc. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ra đời để đáp ứng nhu cầu tâm lý của người dân, cụ thể ở đây là xã hội Lê - Trịnh.

Người dân khi gặp khó khăn về làm ăn, buôn bán, sức khỏe… thường tìm đến  Mẫu như một nơi để giải tỏa tâm lý. Đến xã hội hiện đại ngày nay, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vẫn giữ vị trí nhất định trong đời sống văn hóa và trong tâm thức của người dân, được thực hành phổ biến ở nhiều vùng miền của đất nước. 

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, khi trở thành một hệ thống tín ngưỡng, tục thờ Mẫu Tam phủ chứa đựng nhiều yếu tố Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo và đặc biệt là sân khấu của diễn xướng dân gian. Trong đó, điểm đặc sắc nhất của tín ngưỡng này là một tập hợp của nghệ thuật ngôn từ (các bài văn), nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật nhảy múa dân gian… cộng với các nghi lễ tôn giáo như dâng hương, cầu cúng, hầu đồng…

“Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vừa mang tính thực hành, vừa mang tính sân khấu rất rõ. Trong đó, về mặt vũ đạo, nó tích hợp các điệu múa từ cung đình đến dân gian của các loại hình khác nhau như tuồng, chèo… Về âm nhạc thì có cung văn với đàn, sáo, nhị… Ngoài ra, còn là các yếu tố về trang phục, không gian, thời gian”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ phân tích. 

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở nên phổ biến trong đời sống hiện đại

Âm nhạc đặc biệt

Khi nói đến tín ngưỡng thờ Mẫu thì không thể không nhắc đến nghệ thuật Chầu văn hay còn gọi là hát Văn - loại hình nghệ thuật dân gian đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, âm nhạc, cụ thể ở đây là hát Văn chính là hạt nhân trong tín ngưỡng dân gian và là thành tố quan trọng trong nghi lễ hầu đồng: “Âm nhạc của hát Văn là âm nhạc của tiết tấu. Nếu chúng ta nghe kỹ hát Văn, chúng ta sẽ thấy bộ tiết tấu đồng điệu, cái xủng xoảng, âm thanh của trống, của nhạc ngựa… Tôi cho rằng, tiết tấu của hát Văn rất gần với tiết tấu của nhạc mạnh, như vậy nó mới có khả năng kích thích, dẫn thanh đồng đi vào thế giới khác”. 

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cũng khẳng định vai trò quan trọng của người cung văn trong thực hành nghi lễ hầu đồng: “Xét về mặt nghệ thuật học, người cung văn chính là một nghệ sỹ đại tài trên sân khấu tín ngưỡng. Bằng lời ca của mình, người cung văn giới thiệu cho người dự nhân vật mà cô đồng đang nhập vào. Chính bởi lời giới thiệu này người xem hiểu được các vị thần là ai, tài năng của họ như thế nào, có thể cứu giúp được gì, làm gì… cho người dân”. 

Trong quá trình phát triển, cũng giống như các diễn xướng mang tính nghi lễ, tôn giáo khác, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng vừa chứa đựng những yếu tố nghệ thuật dân gian, vừa bị ảnh hưởng bởi những biến tướng mê tín dị đoan.

Nhưng khi đã coi việc thực hành tín ngưỡng là một di sản văn hóa thì người ta đã khẳng định những thành tựu nghệ thuật của nó, đồng thời có những biện pháp bảo tồn nhằm phát huy giá trị tốt đẹp của nó trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam.