Tận tâm với nghề

(ANTĐ) - Vào một buổi sớm đầu năm 1955, tại phố Tràng Thi, Hà Nội bên dãy số chẵn, đối diện với tòa nhà Thư viện Quốc gia, số 31 có một lớp dạy nghề được mở. Tên của lớp là: “Đánh máy chữ - Lê Ngọc”. Lớp học là gian hàng sát hè, sáng choang cửa kính. Bên trái có cửa ra vào nhỏ. ở tủ kính bên phải khá rộng chỉ bày một chiếc máy đánh chữ to để ngỏ ở chính giữa và có đặt mảnh bìa trắng ghi: “Dạy đánh máy chữ - Lê Ngọc”.

Tận tâm với nghề

(ANTĐ) - Vào một buổi sớm đầu năm 1955, tại phố Tràng Thi, Hà Nội bên dãy số chẵn, đối diện với tòa nhà Thư viện Quốc gia, số 31 có một lớp dạy nghề được mở. Tên của lớp là: “Đánh máy chữ - Lê Ngọc”. Lớp học là gian hàng sát hè, sáng choang cửa kính. Bên trái có cửa ra vào nhỏ. ở tủ kính bên phải khá rộng chỉ bày một chiếc máy đánh chữ to để ngỏ ở chính giữa và có đặt mảnh bìa trắng ghi: “Dạy đánh máy chữ - Lê Ngọc”.

Bức ảnh Bác Hồ được đánh bằng máy chữ từ năm 1951
Bức ảnh Bác Hồ được đánh bằng máy chữ từ năm 1951

Người tổ chức lớp là một thanh niên trắng trẻo, cao dong dỏng, đeo kính trắng trạc tuổi 30, đĩnh đạc như một viên chức Nhà nước, áo quần chỉnh tề, đeo cravát, đi giầy đen, đảm nhiệm luôn cả việc làm thủ tục nhập học và dạy đánh máy chữ nhưng không là thầy giáo. Người đến học thưa gửi là anh, là bác, là cậu tùy theo tuổi và cương vị của mình. Chủ lớp học cũng không tự nhận mình là giáo viên. Bởi đây là lớp dạy tư và người dạy tự học rồi làm nghề đánh thuê tại nhà rồi thuê cửa hàng mở lớp dạy đánh máy chữ, nộp thuế cho Nhà nước. Xuất thân là học sinh - thanh niên Hà Nội, anh Lê Ngọc học xong là theo nghề đánh máy chữ từ trước ngày Thủ đô được giải phóng, là nghề tự do, tự học nên nghề.

Khi lớp học được mở, thời gian đầu chỉ có số người quen, con em bạn bè, thân thích tới theo học. Tiền học phí tùy người học. Nói chung để học nghề này ít nhất cũng cần một tháng. Ai cần học nhanh hơn hoặc lâu hơn cho tay nghề tinh xảo, sử dụng thành thạo các loại máy chữ là tiếng Việt, tiếng Pháp và sau thêm tiếng Nga... chủ lớp học cũng đáp ứng. Không một ai khi học xong lại kêu học phí cao, không ai bảo ai đều nghĩ là rẻ, người dạy giỏi, tận tâm. Từng có học viên đến xin học mà chỉ một tuần, dùng được máy đánh ra chữ kịp đi công tác nước ngoài.

Để chứng minh tay nghề của mình, chủ lớp đã dùng máy chữ “vẽ” chân dung Bác Hồ, chân dung lãnh tụ Lênin, chụp ảnh, phóng to, bày trang trọng ở phía trên hai chiếc máy chữ có sẵn trong tủ kính, ai đi qua phố Tràng Thi, vào Thư viện Quốc gia đều thấy. Nhiều người thấy lạ còn dừng chân xuýt xoa thưởng thức.

Ngày ấy, kể từ năm 1955 trở đi, nhiều cơ quan Nhà nước, đoàn thể đóng ở Hà Nội rất cần nhân viên đánh máy chữ, nghe tiếng lớp đánh máy chữ Lê Ngọc, đã cử người tới học. Một số tỉnh gần, xa Hà Nội cũng có cơ quan cho người ra Hà Nội học. Một tháng, hai tháng là đánh máy tốt.

Do ngày một đông học viên, tới năm 1963-1964, lớp đánh máy chữ Lê Ngọc chuyển về phố Hàng Bài, gần phố Vọng Đức, cạnh Rạp Tháng 8 bây giờ. Vẫn ông chủ trước đây, mà chỉ một mình thôi, thường dạy từ 15 tới 20 học viên tới học. Có người từ tận Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên về và có cả những người tu hành nhập học lớp đánh máy chữ Lê Ngọc.

Cứ như thế, từ đầu năm 1955 đến tận năm 1995, ông mới dừng việc dạy đánh máy chữ cho hàng nghìn học viên. Từ năm 1980, ông đã bỏ công cùng người con trai cả của ông biên soạn cuốn “Đánh máy chữ”, sau thêm cả máy vi tính để truyền lại kinh nghiệm đánh máy chữ cho đời sau.

Nghề đánh máy chữ ở nước ta đã có từ đầu thế kỷ 20. Lớp dạy đánh máy chữ Lê Ngọc là một trong số ít lắm lớp dạy nghề từ sau ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Dù sau đấy, cũng đã có những lớp dạy đánh máy chữ khác nữa ở Hà Nội, song lớp dạy đánh máy chữ Lê Ngọc vẫn có một sắc thái riêng, cống hiến riêng cho nghề đánh máy chữ ở Hà Nội.

Cụ Lê Ngọc năm nay đã 85 tuổi, vẫn ở căn gác 173 phố Bà Triệu, cụ có biết bao nhiêu là học trò mà chưa có ai gọi cụ là THẦY.

Ghi chép của Phong Thu