Sông nước Cà Mau

ANTD.VN - Đến Cà Mau, tôi ra bến tàu với dự định sẽ đi tàu cao tốc đến thẳng Đất Mũi thay vì đi đường bộ đến thị trấn Năm Căn rồi mới bắt ca-nô ra Xóm Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ở nhà cứ nghĩ đến Cà Mau là Đất Mũi và U Minh ngay bên nách. Ai ngờ đến nơi còn phải đi tiếp 100 cây số đường sông nữa. Chính vì thế mà cũng khối người Cà Mau còn chưa một lần đi ra rẻo đất bé xíu nằm giữa biển Đông và biển Tây. 

Sông nước Cà Mau ảnh 1Đất mặn Năm Căn làm cho thị giác người “chu du” thỏa mãn bởi vẻ hoang sơ của miền quê sông nước

Chuyến đi nhớ đời trên sông

Ra đến nơi đã thấy có một “xe ôm” đứng chắn ngang báo tin không vui: “Đi Đất Mũi hả, tàu vừa rời bến được 3 phút. Để tui điện cho chủ tàu chạy chậm lại rồi lên đây tui chở đuổi theo tàu”. Nghe lời đề nghị kỳ quặc ấy tôi thấy nghi hoặc nên vội vã xua tay. Mấy bác “xe ôm” bến tàu lắc đầu trước sự dại dột của tôi: “Không đi thì thôi vậy, chờ 1 tiếng nữa mới có chuyến”. Chờ thì chờ chứ, phi xe máy đuổi theo tàu tốc hành trên sông có khác gì cảnh quay trong phim “Tất cả các dòng sông đều chảy”, nhân vật còn phi xe ngựa đuổi theo tàu thủy.

Tám rưỡi mới có tàu chạy ra Đất Mũi, nhưng chỉ 20 phút nữa thôi là có tàu đi Năm Căn. Tôi quyết định sẽ “transit” ở Năm Căn rồi bắt tàu đi tiếp, cớ chi mà phải ngồi đợi. Tuy nhiên trong lúc vội vã ấy, tôi cũng để ý trên bảng giờ tàu không có một chữ nào liên quan đến Đất Mũi. Tất cả đều đến những địa danh khác như Năm Căn, Gành Hào, Rạch Tàu…

- “Rạch Tàu là ở đâu hả anh?” - Tôi hỏi người trực.

- “Nằm chéo góc với Đất Mũi” - Anh ta trả lời chính xác thế.

Tôi mua một vé tàu 60.000 đồng đến Năm Căn. Có lẽ một trong những chuyến đi thú vị và nhớ đời nhất của tôi là ở trên con sông này. Giống như cư dân Hậu Giang và Tiền Giang - nơi này người ta cũng sống trong những ngôi nhà 2 mặt tiền: mặt tiền lộ và mặt tiền sông. Nhà có mặt tiền sông cũng phát tài chẳng khác nhà mặt phố. Hầu như nhà nào cũng tận dụng mặt quay ra sông để kinh doanh cả. Những ngôi nhà được xây nhô ra sông bằng các cột chống vững chãi. Những vựa cá, vựa tôm, vựa gạo… ủ ê, xám xịt và cũ kỹ tấp nập người vào ra, khuân vác trên bến dưới thuyền. Trong những quán xá sông nước ấy, không chỉ có cá mú và mắm muối, người ta mở bất cứ thứ gì có thể như một dãy phố lớn: từ studio chụp ảnh cưới, tiệm thuốc Tây, cửa hàng bán điện thoại cũ cho đến trại hòm (bán quan tài). Nếu khi chiều tàn, có muốn ngồi ngóng phố thì chủ nhà bắc ghế ra mặt tiền sông chứ không thiết ngồi quay ra mặt lộ. 

Tàu tốc hành nhưng cũng chậm như rùa. Tôi ngó tốc độ tối đa chỉ 30km/giờ. Tàu đang chạy ngon trớn trên sông bỗng dừng phắt lại. Ngó sang thấy có cô gái trèo lên tàu từ một vỏ lãi bằng gỗ. Người đi rồi, vỏ cứ trôi tự do trên sông. Tôi tò mò lắm mà không tiện hỏi, nhưng muốn biết cái thuyền gỗ đó sẽ như thế nào? Ai mang nó về? Tàu tiếp tục đi tằng tằng, lừ lừ, hễ qua những khu đông dân cư lại hú còi ầm ĩ. Rồi thoắt cái tàu giảm tốc độ, táp vào một ngôi nhà. Trên sân có sẵn một ông cụ đứng nghiêm chỉnh, tay cầm ca táp.

Ông cụ nhảy xuống dưới tàu một cách lanh lẹ rồi tự tìm chỗ ngồi. Tàu cứ thế chạy, rồi dừng, rồi quẹo ngang quẹo dọc, cho chị phụ nữ bế em nhảy xuống, cho bà cụ xách làn nhảy lên. Tàu tiếp tục hú còi bắt khách. Có người từ mũi tàu tót cái là vào ngay nhà, từ cửa sổ mạn tàu ngó lên đã thấy ba lô để ở cửa, áo cởi ra vắt thành ghế. Tiện không gì bằng. Có người thì ghé nhờ vào nách nhà người khác rồi từ đó vài bước ra đường lộ để đi tới nơi cần đến. Có người lại nhảy lên một mỏm đá vô danh, hoặc bước xuống tàu từ một mũi đất không tên. Họ thuộc đường sông, thuộc từng mỏm đá và bất cứ hõm đất nào có thể ghé được thuyền. 

Tàu “dù” tự tung tự tác

Trên mũi tàu có một cậu đóng vai trò “lơ xe”, sẽ ra hiệu cho lái tàu đón khách và nhân tiện đỡ khách lên xuống tàu. Đi xe đò mà như thế thì tức điên, thì sốt ruột muốn chết, nhưng lần đầu tiên chứng kiến cảnh tàu “dù” đón trả khách trên sông, tôi thích chí quan sát từ đầu đến cuối. Thậm chí qua cửa sổ còn căng mắt quan sát xem có ai đứng trên bờ. Từ đàng xa mà nhìn thấy dăm khách đang tụ lại nghiêm trang trên một hom đất, mắt dõi theo con tàu đang đến gần là tôi phấn khởi suýt kêu lên nhắc lái tàu “Lại có khách kìa”.

Lại ngần ấy động tác: Tàu trôi lại gần, cậu lơ đu người vào cột chống nhà để thay cho cái neo, với tay đỡ khách xuống thuyền, khách ổn định chỗ ngồi sau khi nhồi hàng đống thúng mủng tùng phèo vào chỗ để chân của tôi (tôi ngồi ngay ghế đầu nơi có cái hốc rất rộng để nhét đồ), sau đó lơ đến tận nơi để thu tiền, xé vé. Khách nào muốn lên bờ thì bảo trước cho lái tàu biết dăm phút, anh ta sẽ đỗ lại. Chỗ nào sát rừng đước, không có chỗ táp thì cũng giống cô gái lúc đầu leo lên tàu bằng ghe gỗ, nhiều khách được người nhà chèo vỏ lãi ra giữa dòng đón về. Giống như tôi vẫn được người nhà chở bằng xe máy ra ô tô vậy.

Người sống quanh dòng sông rộng lớn này thực sự coi vỏ lãi giống như một chiếc xe máy. Toàn tỉnh hiện có tới 7 vạn chiếc vỏ lãi và hơn 400 ca nô, chưa kể gần trăm tàu cao tốc nữa. Tất cả cộng lại thành một luồng giao thông tấp nập trên sông. Chỉ hiềm nỗi ngoài mấy biển báo giao thông đường thủy nhô cao vót trên mấy chiếc cột dưới lòng sông, không có cảnh sát nào tuýt còi, nên đi lại ở đây tự tung tự tác. 

Sông nước Cà Mau ảnh 3Trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên sông nước với chợ nổi Cà Mau

“Không, tôi đi Đất Mũi”

Cuối cùng, sau một chầu bắt, trả khách, tàu cũng cập bến Năm Căn. Bến tàu cũng đồng thời là bến xe khách luôn. Trên bờ, xe buýt đậu. Dưới sông, tàu khách neo. Nghỉ ngơi đã có một quán nước nhô ra sông bằng những ván gỗ. Chủ quán bán cơm bình dân, bún nước lèo và các loại “soft drink” đóng lon. Chỗ đi vệ sinh cũng có đầy đủ, hiềm nỗi toilet chỉ là mấy ván gỗ thưa nhô cheo leo trên sông, cửa ra vào là một tấm vải hoa. Người sông nước sống nhờ hải sản trên sông, tắm giặt, bơi lội, giải trí trên sông, di chuyển trên sông và khi xả các loại chất thải từ hữu cơ đến vô cơ cũng đều bắt sông hứng nốt.

Lúc ngồi đợi trên bến, một anh chàng Năm Căn ra gạ từng khách thuê vỏ lãi để đi ra Đất Mũi. Anh ta bảo chờ tàu sẽ rất lâu, tới hơn một tiếng nữa, vả lại đi vỏ lãi có thể vào tận Đất Mũi, còn tàu chỉ đỗ ở bến, từ đó phải bắt xe ôm rất xa. Giá thuê là 1.500.000 đồng, rồi cứ 15 phút quay lại hạ giá một lần, cuối cùng giảm còn 500.000 đồng. Tôi từ chối. Tôi sợ vỏ lãi. Cái xuồng con tròng trành mà từ báo chí chính thống cho đến dân phượt đều đồn đại vô số ly kỳ về việc chỉ cần tàu to đi qua, sóng đánh mạnh là vỏ lãi bị lật. Hơn nữa ban nãy lái tàu bảo tôi chỉ chờ nửa tiếng là có tàu đi qua. Giá đến Đất Mũi 60.000 đồng, mắc mớ chi mà thuê vỏ lãi. 

Nhưng chờ hoài, chờ mãi, ngắm sông chán chê vẫn chưa thấy tàu Đất Mũi. Tàu bè tấp bến Năm Căn rất đông, nhưng toàn đi Gành Hào và Rạch Tàu. Người người lần lượt xuống tàu, hơn tiếng sau ngó quanh chẳng còn ai. Mỗi lần tàu đến, dân trên bến lại trỏ tôi “Có xuống tàu không?”. Tôi xua tay: “Không, tôi đi Đất Mũi”. Miết sau lại thấy một tàu nữa xuất hiện từ đàng xa. Mong ngóng và mừng rỡ. Đến gần lại thất vọng khi thấy chữ Rạch Tàu.

- Không, tôi đi Đất Mũi. 

- Tàu này đi Đất Mũi mà - Người ta lao xao - Bảo người ta đi cho người ta biết. Tội quá à!

- Không, tôi không đi Rạch Tàu. Đi Đất Mũi kia.

- Tui đảm bảo tàu này là ra Đất Mũi - Anh phụ tàu khẳng định chắc nịch. 

Anh chàng kiêm dịch vụ bán vé số và cho thuê vỏ lãi cũng bảo như thế.

Tôi bán tín bán nghi leo xuống. Thêm hai chục hành khách nữa khẳng định với tôi tàu này đi Đất Mũi. Đến đó tôi có thể bắt “xe ôm” ở chợ để ra Đất Mũi, cách có 2 cây số thôi. Lúc này mới chợt nhớ ra lúc ở bến Cà Mau, không thấy bất cứ một ký tự nào liên quan đến Đất Mũi, chỉ rặt Gành Hào và Rạch Tàu. Nghĩa là... Rạch Tàu cũng chính là Đất Mũi. Đành tự vỗ trán mắng mình. Hôm về nhà rồi tra từ điển mới ra chính xác: “xóm Rạch Tàu, xóm Đất Mũi thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, TP Cà Mau”. Hai xóm nằm cùng trên một hòn đảo. Nghĩ mới bực gã trực bến ở Cà Mau, trả lời chính xác cứ như nhà địa lý - Rạch Tàu nằm chéo góc với Đất Mũi. Tôi đã bỏ qua không biết bao nhiêu chuyến tàu ra Đất Mũi.