Sẽ có tour du lịch kết nối Hà Nội - Hải Dương và vùng Đông Bắc

ANTD.VN - Không có nhiều du khách biết tới Kinh Môn - một huyện miền núi thuộc tỉnh Hải Dương, nằm kế bên hai trung tâm kinh tế lớn là Quảng Ninh và Hải Phòng. Nơi đây cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ nằm trong hệ thống cánh cung Đông Triều. Bên trong núi đá vôi ẩn chứa những hang động kỳ bí mà ít du khách biết tới. 

Chùa và động Hàm Long khiến bao du khách ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp hoang sơ

Mới đây, một đoàn khảo sát du lịch Hải Dương vừa khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn huyện Kinh Môn, Hải Dương gồm: chùa Nhẫm Dương, hang Tĩnh Niệm, chùa và động Hàm Long, động Tâm Long, hang Đốc Tít, trang trại đà điểu tại thị trấn Minh Tân, hang Chùa Mộ, đền Cao - An Phụ, chùa và động Kính Chủ, tượng đài Trần Hưng Đạo…

Tiềm năng thấy rõ

Ông Trịnh Xuân Tùng - Trưởng phòng Quản lý lữ hành Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Để khai mở du lịch Hải Dương cần rất nhiều yếu tố, phải có liên kết giữa các ngành, các vùng. Cơ quan quản lý Nhà nước nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khảo sát trực tiếp các dịch vụ, điểm đến”. Ông Trịnh Xuân Tùng nhấn mạnh: “Hải Dương có tài nguyên du lịch tuyệt vời, nhưng tài nguyên chỉ là tài nguyên, nó không thể là điểm đến nếu không có truyền thông, không có đầu tư”. 

Hiện tại, Hải Dương có những khu di tích có thể đón được khách ngay, ví như đền Cao - An Phụ và động Kính Chủ. Để lên được đến đền Cao - An Phụ, du khách sẽ phải leo dần lên các bậc đá. Từ trên đền Cao nhìn xuống, phong cảnh Kinh Môn hữu tình, xa xa phía Đông Bắc của núi An Phụ nhìn về dãy Yên Tử sừng sững, phía Tây Bắc là Nam thiên đệ lục động - động Kính Chủ, phía Tây Nam là miền châu thổ mênh mông.

Chùa Tường Vân rêu phong đã hàng trăm năm, tục gọi là chùa Cao vì nằm trên đỉnh núi cao nhất của An Phụ, xung quanh còn nhiều cây cổ thụ 600-700 năm tuổi, cây Đại phía trước chùa như một bậc cao niên cằn cỗi vẫn đứng đó như nhân chứng lịch sử chứng kiến những biến thiên trên đỉnh núi này. Giếng Ngọc cổ kính rêu phong quanh năm không hết nước, trong vắt như bức gương lớn phản chiếu phong thủy cho ngôi chùa.

Ông Trịnh Xuân Tùng nhìn nhận: “Các điểm đến này tuy mang lợi thế về phong cảnh, nhưng để cuốn hút và níu chân du khách thì những người làm du lịch vẫn cần cung cấp thêm các thông tin hấp dẫn, nên có các biển chỉ dẫn. Các dịch vụ bổ trợ như ăn uống, thuyết minh, quà lưu niệm cũng cần quan tâm để khách đến tham quan di tích có thể tìm hiểu đời sống, nét văn hóa của người dân địa phương”.

Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ (Phó Chủ tịch Hiệp hội Du Lịch Hà Nội, Phó Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế ITC) chia sẻ: “Tiềm năng du lịch ở các địa phương rất nhiều. Nhưng với huyện Kinh Môn, chúng ta nhìn thấy rõ ràng sản phẩm du lịch tâm linh kết hợp với văn hóa và mô hình mới là du lịch cộng đồng kết hợp với trang trại”.

Bà đưa ví dụ về trang trại đà điểu tại Nhẫm Dương có thể khiến các doanh nghiệp nghĩ ngay đến xây dựng các sản phẩm cho địa phương. Đó là du lịch về giáo dục cho các trường học - tiềm năng khai thác được tại chỗ. Hà Nội đã có rất nhiều mô hình du lịch cho học sinh. Xác định phân khúc thị trường để đón được khách ngay.

Môi trường phải đặt lên đầu

Phần lớn đại diện các doanh nghiệp lữ hành tại Hải Phòng và Quảng Ninh đều chung suy nghĩ: Muốn phát triển du lịch Hải Dương, yếu tố sạch phải đặt lên hàng đầu, trước tiên để có môi trường sạch dành cho chính người Việt, sau đó mới mong thu hút được du lịch nước ngoài. Yếu tố sạch không được quan tâm thì du lịch rất khó làm tốt, đồng thời phải quan tâm tới bản sắc.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Bí thư Huyện ủy Kinh Môn khẳng định: “Trước hết huyện Kinh Môn sẽ củng cố, tiếp tục làm quy hoạch tốt các quần thể di tích, không những gìn giữ mà phải phát huy giá trị các di tích”. Để thúc đẩy du lịch, nhất là việc liên kết hợp tác giữa huyện Kinh Môn và thành phố Hà Nội nói riêng cũng như các tỉnh, thành phố khác nói chung, ông Nguyễn Minh Hùng cho rằng, đây là cơ hội để phát huy được những giá trị, lợi thế của huyện Kinh Môn, đồng thời khắc phục được những hạn chế, yếu kém.

Ông cũng đồng tình với phương châm: muốn phát triển du lịch bền vững, yếu tố bảo vệ môi trường cảnh quan phải đặt lên hàng đầu. Ông Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh: “Để thúc đẩy phát triển kinh tế có nhiều cách, trong đó có đẩy mạnh phát triển công nghiệp nặng như khai thác mỏ đá, núi cũng là một phương pháp.

Tuy nhiên, hiện nay để phát triển kinh tế một cách bền vững thì việc khai thác tài nguyên nếu không có kế hoạch, không có tiết kiệm thì việc phát triển công nghiệp đó cũng chưa phải là bền vững”. Ông Nguyễn Minh Hùng chỉ ra: “Phát triển nhất là ngành du lịch - ngành công nghiệp không khói, đấy mới là hướng đi hướng tới phát triển bền vững”.

Với các mỏ đã được cấp phép, ông Nguyễn Minh Hùng vẫn mong mỏi rằng các cấp có thẩm quyền đánh giá lại những giá trị của dãy núi và thiên nhiên ưu đãi để có thể khai thác du lịch, tức là khai thác lâu dài, điều chỉnh lại việc cấp phép khai thác đá. Những khu vực chưa được cấp phép, ban lãnh đạo huyện cũng đã báo cáo và đề nghị giữ lại những cảnh quan này để phục vụ cho việc phát triển du lịch.